Lấy lại lạc quan về triển vọng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng trăm doanh nghiệp phụ trợ cấp 1, 2, 3 của Hàn Quốc đã lên kế hoạch “đổ bộ” vào Việt Nam để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trong khu vực cũng như cơ hội từ triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kể từ năm 2021.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

GDP năm 2021 có thể tăng 6,8%

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) nhận xét, Việt Nam đã làm được những việc hiếm hoi mà ít quốc gia đạt được trong năm 2020.

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt nên Việt Nam đã tái khởi động nền kinh tế sớm hơn các nước khác. Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc về xuất khẩu, kinh tế tăng trưởng và mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội đã ở trạng thái bình thường.

Sự quyết liệt của Chính phủ và người dân cùng kết quả chống dịch và duy trì sản xuất - kinh doanh đã củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn đầu tư.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nâng mức dự kiến tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 lên gần 3% trong bối cảnh kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

WB cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân, thúc đẩy phục hồi của Việt Nam là trọng tâm của loạt giải pháp phù hợp với tình hình. Nhờ đó, chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau 3 năm thắt chặt tài khóa. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giải ngân đầu tư công tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ có vậy, Việt Nam dự kiến sẽ đạt thặng dư thương mại lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời dự trữ ngoại hối gia tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp sự thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp.

Theo đánh giá của WB, triển vọng của Việt Nam rất tích cực, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% trong các năm tiếp theo.

Các kế hoạch rót vốn vào Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận, đây là thời điểm và cơ hội hiếm hoi để gửi gắm dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, với kỳ vọng đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận, hiện là thời điểm và cơ hội hiếm hoi để gửi gắm dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Ông Hong Sun chia sẻ, hàng trăm công ty phụ trợ cấp 1, 2, 3 của Hàn Quốc đã lên kế hoạch “đổ bộ” vào Việt Nam để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trong khu vực.

Kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và góp phần nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới với hơn 3.000 nghiên cứu viên, tiến sĩ, thạc sĩ công nghệ sẽ được phối hợp đào tạo bài bản tại Trung tâm nghiên cứu của Hàn Quốc phục vụ cho việc mở rộng quy mô đầu tư và sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp xứ Kim chi.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Hàn Quốc cũng có kế hoạch sang Việt Nam bởi điều kiện thị trường, chính sách, cơ chế khuyến khích thu hút đổi mới sáng tạo của Chính phủ cũng như hệ sinh thái cho khởi nghiệp đặc biệt hấp dẫn. Ngoài ra, thời gian gần đây có sự thâm nhập của không ít quỹ đầu tư Hàn Quốc, vừa thăm dò, vừa âm thầm rót vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Tương tự, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Australia (Auscham), doanh nghiệp Australia đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội để mở rộng hoạt động phạm vi hiện diện và hoạt động tại Việt Nam khi dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động kinh doanh dần quay trở lại trạng thái bình thường.

“AusCham đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Australia đang hoạt động tại Việt Nam và chào đón các doanh nghiệp mới thiết lập hoạt động tại đây”, đại diện AusCham nói.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

“Quốc gia nào cũng muốn thu hút đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc cũng vậy. Để cạnh tranh thu hút FDI, Hàn Quốc có sẵn nhiều khu công nghiệp và có cả cơ chế không tính tiền thuê đất… Nhưng trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam vẫn là một điểm đến thực sự hấp dẫn”, ông Hong Sun nói và cho rằng, hiện là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn bao giờ hết, qua đó có sự bứt phá ngoạn mục trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh… Những vấn đề này đã được Kocham cũng như nhiều hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư khuyến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng kỳ vọng rất lớn vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích kinh tế của Chính phủ.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ có thêm biện pháp hỗ trợ và kích thích kinh tế, đồng thời đề xuất giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tất cả các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho những người nộp thuế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên sớm mở lại các đường bay thương mại, có thủ tục linh hoạt hơn cho người nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số và hướng tới môi trường, năng lượng sạch hơn, chú trọng đầu tư hạ tầng.

Về hạ tầng điện, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khuyến nghị phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện thủ tục để chào đón nhà đầu tư đầu tư vào năng lượng tái tạo, truyền tải điện, LNC và khí đốt ngoài khơi.

Kocham cũng nhấn mạnh đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng điện. Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Kocham đề xuất hợp tác với Chính phủ Việt Nam để cung cấp điện ổn định trong tương lai.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị cần tăng cường điều kiện áp dụng chứng từ giá chuyển nhượng và thành lập Ủy ban kiểm tra đặc biệt về giá chuyển nhượng để xử lý các kiến nghị về giá chuyển nhượng, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi thỏa đáng.

Cộng đồng doanh nghiệp nêu lên yêu cầu cấp bách về những hành động cụ thể nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp để đối phó với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Những ý kiến tại VBF cho rằng, bài học từ việc khống chế thành công dịch Covid-19 có thể áp dụng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh. Đó là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ, bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp và kịp thời, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, lựa chọn và áp dụng các biện pháp xử lý dịch theo mức độ rủi ro, chú trọng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân , Tổng giám đốc PwC Việt Nam

Mặc dù không đứng ngoài những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng kinh tế 2,9 - 3% năm 2020. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi trong khu vực duy trì mức tăng trưởng dương trong năm nay.

Điều này phần lớn nhờ vào những biện pháp kịp thời của Chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp cứu trợ kinh tế hiệu quả, các chính sách thúc đẩy thị trường trong nước. Đây sẽ là động lực, tạo tiền đề cho phục hồi tăng trưởng năm 2021.

Tác động của đại dịch lên kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang thúc đẩy những thay đổi mang tính chất hệ thống. Triển vọng của kinh tế Việt Nam có thể coi là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, để bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng này và phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, Việt Nam cần định hướng rõ ràng và có hành động cụ thể để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội trong tương lai.

Đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại mô hình kinh doanh và năng lực nội tại, từ đó xây dựng kế hoạch cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra. Để định hướng trước những biến động và thích ứng với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy áp dụng tư duy mới, đẩy nhanh việc áp dụng số hóa và chủ động mang đến sự thay đổi trong doanh nghiệp.

Việc tái thiết là cần thiết cho mọi doanh nghiệp đang trên đà suy thoái và lực lượng lao động chất lượng cao sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ còn dai dẳng. Tăng trưởng GDP có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2022 - 2023.

Dù vậy, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có những cơ hội từ các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Các hiệp định này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

Với những cơ hội có thể có và tận dụng được, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10%, đạt trên 9,4 tỷ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức cao như tôm, cá tra… Kết quả này sẽ góp phần tích cực vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đẩy nhanh phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục