Lấy doanh nghiệp làm động lực thúc tăng trưởng 2016 về đích

(ĐTCK) Tăng trưởng kinh tế quý III tuy chưa thực sự bứt phá song đã ghi nhận sự phục hồi của khu vực nông nghiệp, thủy hải sản và đặc biệt là sự khởi sắc của các khu vực doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đây sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất cần được tập trung đẩy mạnh để thúc nền kinh tế về đích kế hoạch năm 2016. 

Thưa ông, quý III được đánh giá là đã có sự tăng trưởng trở lại của một số ngành kinh tế chủ chốt như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp. Vậy có thể nói, nền kinh tế đã thực sự phục hồi và có sự khởi sắc?

Đánh giá một cách tổng thể, nền kinh tế trong 9 tháng tiếp tục có chuyển biến thực chất và tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; lạm phát duy trì kiểm soát ở mức thấp; mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động tăng cao; các ngành dịch vụ tăng trưởng cao.

Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả khả quan. Đáng chú ý, quý III ghi nhận sự phục hồi tốc độ tăng trưởng dương trở lại của khu vực nông nghiệp sau khi liên tục tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, cho thấy khu vực chủ chốt này đã thực sự trên đà phục hồi.

Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là tốc độ tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, xuất nhập khẩu chưa có nhiều cải thiện, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống nhân dân ở các vùng bị thiên tai, vùng bị ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Đây tiếp tục là những yếu tố sẽ tác động lớn tới tình hình tăng trưởng kinh tế quý cuối năm.

Ông Nguyễn Bích Lâm, 
Lĩnh vực nông nghiệp tuy đã phục hồi nhưng có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này của ngành nông nghiệp cũng như dự báo tác động tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm?

9 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 0,65%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Vốn được coi là “cứu cánh” của nền kinh tế trong nhiều năm nay, sự suy giảm của ngành nông nghiệp là tác nhân kéo mức tăng trưởng GDP 9 tháng của cả nước xuống 5,93%.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm kéo dài của lĩnh vực nông nghiệp, ngoài tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, còn do sự cố môi trường biển nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung.

Sự cố này khiến ngư dân phải tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ, sản lượng khai thác thuỷ sản các địa phương giảm mạnh, ảnh hưởng nặng nề tới ngành khai thác, chế biến thủy hải sản, tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong ngành và đặc biệt là công ăn việc làm, đời sống của hàng vạn lao động. Sự cố môi trường trên có thể làm giảm đáng kể khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, thậm chí những năm sau, tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực khác như du lịch, sản xuất muối...

Ngoài ra, xét về các tác nhân tổng thể, tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đã tác động đến vùng lõi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương nên sẽ có tác động tiêu cực dài hạn tới lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Do đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thủy hải sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện thay đổi điều kiện tự nhiên và khí hậu, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Trong quý IV, liệu có thể trông chờ lĩnh vực công nghiệp sẽ bù đắp cho lĩnh vực nông nghiệp, thưa ông?

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô và tỷ trọng lớn, quyết định nhiều nhất tới tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. 9 tháng đầu năm 2016, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển khá ổn định và có mức tăng trưởng khá cao. Do vậy, mặc dù ngành khai khoáng đang có mức tăng trưởng âm, nhưng toàn ngành công nghiệp vẫn ổn định, 9 tháng tăng trưởng 7%.

Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhắc lại là công nghiệp khai khoáng vẫn là ngành có đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm, đặc biệt là khai thác dầu thô và khai thác than.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp quan trọng này liên tục giảm sút và tăng trưởng âm do giá và sản lượng khai thác giảm trong bối cảnh giá dầu chưa thực sự phục hồi, tiêu thụ than giảm mạnh.

Với đà tăng trưởng kinh tế 9 tháng, nhất là quý III, kỳ vọng quý IV sẽ có sự bứt phá so với các quý trước, nhưng dự báo tăng trưởng cả năm có thể thấp hơn so với mục tiêu và thấp hơn bao nhiêu chủ yếu phụ thuộc vào khai thác dầu thô. Bình quân 9 tháng qua, cả nước khai thác được 1,3 triệu tấn dầu thô/tháng. Nếu 3 tháng cuối năm duy trì được mức này sẽ đóng góp tốt vào mức tăng trưởng cả năm.

Một vấn đề khác là xuất khẩu vẫn chưa có sự cải thiện, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá chậm chạp, có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu các sản phẩm ngành chế biến, chế tạo.

Nhìn tổng thể, theo ông, đâu sẽ là động lực chính để nền kinh tế bứt phá trong quý IV, qua đó cán đích kế hoạch tăng trưởng cả năm?

Tôi cho rằng, có 3 động lực chính sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm, đó là hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế và tiêu dùng trong nước.

Đây sẽ là 3 nhóm động lực lớn giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế không những trong năm nay mà còn trong những năm tiếp theo. Đặc biệt trong đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có những tác động rất lớn, góp phần quyết định trong việc nâng cao tốc độ tăng trưởng mang tính bền vững của nền kinh tế.

Ông có thể phân tích rõ hơn những động lực này?

Có thể thấy, hoạt động của các khu vực doanh nghiệp đã trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế 9 tháng qua. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên tới gần 102.000 doanh nghiệp là một con số rất ấn tượng.

Đáng chú ý, có 95% số doanh nghiệp đăng ký thành lập đã đi vào hoạt động kinh doanh ngay sau khi thành lập, thể hiện sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp được cải thiện tích cực và xu hướng đăng ký thành lập doanh nghiệp là khá lành mạnh.

Tác động lan tỏa tức thì của điểm sáng này tới toàn bộ nền kinh tế là rất rõ ràng, hầu hết doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập đều đầu tư nhà xưởng, thiết bị, máy móc, mua nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, đồng thời đầu tư trụ sở, văn phòng, mua sắm trang thiết bị cho hoạt động điều hành. Nhờ đó đã có đóng góp và tác động ngay đến hoạt động sản xuất - kinh doanh chung của cả nền kinh tế.

Đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế dựa trên sự gia nhập thị trường và sản xuất - kinh doanh thực của khu vực doanh nghiệp, đồng thời là nền tảng để kinh tế quý IV tăng tốc.

Bên cạnh đó, sản xuất gia tăng dẫn tới kinh tế tăng trưởng tốt hơn, mức sống của người dân được cải thiện, từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Trong điều kiện xuất khẩu khó khăn thì tiêu dùng trong nước với thị trường trên 90 triệu dân sẽ là một động lực quan trọng để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Để những nhân tố này thực sự phát huy hiệu quả, ông có khuyến nghị gì về mặt chính sách và thực thi?

Sự khởi sắc trong hoạt động và gia nhập thị trường của doanh nghiệp cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.

Để duy trì và phát huy xu hướng tích cực này, Chính phủ cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thực hiện nhất quán nguyên tắc Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm động lực phục vụ.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi công nghệ, sắp xếp lại tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh phát triển và khuyến khích doanh nghiệp tham gia các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng…

9 tháng đầu năm 2016, có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 629.100 tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến ngày 20/9/2016 thu hút 1.820 dự án cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 11.164,6 triệu USD, tăng 27,1% về số dự án và tăng 1,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này (kể cả dầu thô) đạt 91,2 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước 128,2 tỷ USD, tăng 7,4%. Trong tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 1.006.900 tỷ đồng, vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 240.400 tỷ đồng, chiếm 23,9% và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Nguồn: Tổng cục Thống kê

“Ngành thủy sản thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu”

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam(VASEP)

Từ quý II, ngành khai thác, chế biến thủy sản có sự phục hồi đáng ghi nhận. Đã có nhiều tín hiệu khả quan cho xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và một số sản phẩm chế biến khác trong quý IV.

Tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, nhu cầu về tôm tăng trở lại giúp tôm Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn, dự báo từ nay tới cuối năm sẽ tăng cả về giá và số lượng xuất khẩu tôm vào thị trường này. Ngoài ra, với việc ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ năm nay, dự báo xuất khẩu tôm vào thị trường Hàn Quốc sẽ tăng, giúp nâng kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2016 lên khoảng 3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015.

Bên cạnh đó, đối với nhiều mặt hàng chủ lực khác, tín hiệu trong các tháng cuối năm cũng khả quan về thị trường và nhu cầu nhập khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc… có thể tiếp tục tăng. Tính chung, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đặt ra đầu năm là 7,6 tỷ USD.

Một thách thức lớn đang đặt ra đối với ngành thủy sản là phải giải quyết được bài toán thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy hải sản đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm, cá tra do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung khiến sản lượng khai thác thuỷ sản tại 4 tỉnh giảm mạnh, ảnh hưởng tới sản lượng khai thác nguyên liệu chung.

Đáng lo ngại hơn, sự cố này có thể tạo ra hệ lụy lâu dài do gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu nước ngoài, dẫn đến việc nhiều quốc gia tăng cường cảnh báo kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

VASEP kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường cải cách hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; rà soát các quy định về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu, quy định kiểm tra nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt về công bố hợp quy, dán nhãn sản phẩm nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu; thực hiện việc đánh giá xếp hạng doanh nghiệp nhập khẩu được xét ưu tiên miễn kiểm dịch.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ đánh bắt xa bờ, thu mua, bảo quản, chế biến thủy sản, đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường để giúp tăng cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp.

“Ngành nhựa xây dựng dự báo khả quan, NTP dự kiến vượt kế hoạch kinh doanh 2016”

 Ông Chu Văn Phương,  Phó tổng giám đốc CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP)
Ngành nhựa xây dựng từ nay đến cuối năm dự báo tiếp tục khả quan bởi thị trường bất động sản được nhận định có diễn biến tích cực, nhu cầu từ dân dụng cũng gia tăng. Với riêng NTP, tổng doanh thu năm 2016 dự kiến đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch. Đến thời điểm này, kế hoạch năm 2016 về doanh thu và sản lượng của Công ty đã cơ bản hoàn thành.

Thị trường sôi động nên xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp tham gia và sự cạnh tranh gay gắt hơn, nhưng khách hàng càng được lợi, giá thành trên thị trường cũng không bị đội lên quá nhiều và đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, sáng tạo.

Chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE DN 2000 bằng thiết bị và công nghệ châu Âu. Đây là một trong 8 dây chuyền có thể sản xuất ống nhựa có đường kính lớn đến 2.000mm hiện có trên thế giới và NTP là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và châu Á đầu tư các dây chuyền thiết bị này. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của NTP dự kiến tăng 9 - 10% so với kế hoạch.

“Vinaconex dự kiến sản lượng xây lắp tăng 5 - 7% so với kế hoạch”

 Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)

Quý IV, ngành xây lắp nhiều khả năng tiếp tục có diễn biến khả quan vì thị trường bất động sản cũng như các dự án đầu tư công thường tăng tốc vào cuối năm. Chúng tôi dự kiến sản lượng xây lắp tăng khoảng 5 - 7% so với kế hoạch. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản đang chững lại và có thể suy giảm do cung lớn hơn cầu, nhưng theo quan sát của tôi, các dự án có vị trí hợp lý, dù giá cao vẫn thu hút được khách hàng. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự phân hoá, chỉ những thương hiệu lớn đã đầu tư và tích luỹ được kinh nghiệm cũng như công nghệ mới có nhiều khách hàng và biên lợi nhuận gia tăng.

Vinaconex xác định sẽ tập trung vào kế hoạch tái cấu trúc để từ đó rút gọn các đầu mối và thu hồi vốn đầu tư, tạo ra nguồn tài chính vững mạnh, đồng thời có thể triển khai các chương trình kết nối công tác đấu thầu trong toàn Tổng công ty và các đơn vị thành viên để tập trung sức cạnh tranh, mở rộng tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tiếp cận với các chủ đầu tư để có thể tham gia thi công các dự án hạ tầng theo hình thức BOT, EPC…

“Duy trì hoạt động kinh doanh ổn định nhưng Mảng lúa gạo của Lộc Trời hầu như không có lợi nhuận”

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời

Ngành nông nghiệp năm nay khó khăn ngoài dự kiến, nhưng là đơn vị đầu ngành, Lộc Trời sẽ duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, mảng thuốc bảo vệ thực vật chỉ duy trì mức lợi nhuận tương đương với các năm trước, rất khó để có sự tăng trưởng. Mảng lúa gạo hầu như không có lợi nhuận, nhưng Tập đoàn vẫn đầu tư cho mảng này nhằm duy trì vùng nguyên liệu và chất lượng ổn định. Bên cạnh xuất khẩu, hiện nay, chúng tôi đang tập trung cho kênh phân phối nội địa. Chẳng hạn, đưa gạo hạt Ngọc Trời phủ khắp hệ thống siêu thị ở TP. HCM và bước đầu có mặt tại Hà Nội. Chúng tôi cũng bước đầu đầu tư cho chuỗi sản phẩm và vùng nguyên liệu café tại Tây Nguyên.

 

“Ngành khai thác than và khoáng sản gặp nhiều khó khăn”

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV)

Trong 3 quý đầu năm, ngành khai thác than và khoáng sản nói chung gặp nhiều khó khăn do than tiêu thụ rất chậm, tồn kho tăng cao, TKV cũng không nằm ngoài tình trạng này. Số liệu thống kê của Tập đoàn cho thấy, tính đến nay, lượng than tồn kho lên tới 10,9 triệu tấn, tương đương một lượng vốn trị giá trên 12.000 tỷ đồng nằm yên, khiến toàn TKV cũng như các đơn vị trong ngành gặp khó khăn. Dự kiến cả năm 2016, sản xuất của Tập đoàn chỉ đạt khoảng 33 triệu tấn than sạch, giảm 3 triệu tấn so với kế hoạch.

Dự báo những tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ không có nhiều cải thiện, trong khi thuế, phí tài nguyên đối với sản xuất, khai thác than tiếp tục tăng, nên khả năng cạnh tranh của than khai thác trong nước tiếp tục giảm so với than nhập khẩu từ các nước có thuế, phí thấp hơn, có thể TKV phải giảm sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm, cân đối tài chính và kế hoạch đầu tư dài hạn của Tập đoàn.

TKV kiến nghị Chính phủ có những cơ chế, chính sách, đặc biệt là về thuế, phí phù hợp để đảm bảo đời sống cho hàng trăm nghìn lao động trong ngành.

Hiếu Minh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục