Lật tẩy Warren Buffett

Một điều ít ai chú ý trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính của Buffett là nguồn vốn lại đến từ các bộ phận bảo hiểm và tái bảo hiểm của Berkshire.
Nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett Nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett

 

Nếu các nhà đầu tư có được cỗ máy thời gian, đưa họ quay trở lại thời kỳ năm 1976 thì cổ phiếu nào họ sẽ chọn mua? Đối với nhà đầu tư Mỹ, câu trả lời đã quá rõ ràng: cổ phiếu mang lại lợi nhuận tốt nhất không phải là nhóm cổ phiếu công nghệ mà là cổ phiếu của tập đoàn đầu tư Mỹ Berkshire Hathaway. Tập đoàn này đã không ngừng ăn nên làm ra dưới sự điều hành của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Berkshire Hathaway.

 

Quả thật, trong 44 năm qua, Berkshire đã mang lại cho cổ đông mức tăng trưởng hằng năm về giá trị sổ sách lên tới 20,3%. Cổ phiếu Berkshire đã tạo ra mức sinh lời 76% trong giai đoạn 2000-2010 so với con số âm 11,3% của chỉ số S&P 500.

 

Nhiều nhà nghiên cứu nhìn vào chiến tích của Buffett mà không ngớt lời thán phục trước khả năng “chọn mặt gửi vàng” của ông. Tuy nhiên, một báo cáo của các nhà nghiên cứu Andrea Frazzini, David Kabiller và Lasse Pedersen thuộc Đại học New York và công ty quản lý quỹ AQR Capital Management đã chỉ ra được những yếu tố cơ bản giúp làm nên kỳ tích của ông.

 

Các nhà nghiên cứu thường đánh giá cổ phiếu ở khía cạnh độ nhạy cảm của chúng so với những biến động của thị trường, gọi là hệ số bêta. Cụ thể, các cổ phiếu có mức độ biến động giá mạnh hơn thị trường (tăng 10%, chẳng hạn, trong khi chỉ số chung của thị trường tăng chỉ 5%) được xem là có hệ số bêta cao. Theo mô hình này, nhà đầu tư đòi hỏi mức lợi nhuận cao hơn khi sở hữu các cổ phiếu dễ biến động theo thị trường, tức là có mức độ rủi ro cao hơn.

 

Vấn đề với mô hình này là sau 1 thời gian, họ thấy thực tế lại diễn biến hoàn toàn khác. Các cổ phiếu có hệ số bêta thấp lại có mức sinh lời cao hơn các cổ phiếu có bêta cao. Về lý thuyết, nhà đầu tư có thể khai thác cái “bất quy tắc” này bằng cách mua vào cổ phiếu có hệ số bêta thấp và làm tăng khả năng sinh lợi của cổ phiếu bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính.

 

Nhưng đáng tiếc là hầu hết các nhà đầu tư không thể và cũng không muốn dùng đến chiến thuật như vậy. Chiến thuật đầu tư của các quỹ tương hỗ, chẳng hạn, thì hạn chế việc phải đi vay mượn. Vì thế, để tăng khả năng sinh lời cho danh mục đầu tư của mình, họ dùng một cách tiếp cận khác: mua cổ phiếu có hệ số bêta cao. Kết quả là danh mục đầu tư của họ nhìn chung lại dễ biến động hơn so với thị trường (chẳng hạn khi chỉ số chung của thị trường giảm 5% thì các cổ phiếu trong danh mục của họ có thể giảm tới 10%).

Khi các nhà đầu tư, nhà quản lý quỹ đổ xô vào nhóm cổ phiếu có hệ số bêta cao thì nhóm cổ phiếu có bêta thấp lại bị phớt lờ và dĩ nhiên, chúng bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực. Nhóm cổ phiếu này lại là đích ngắm của Buffett. Ông nổi tiếng với các thương vụ mua cổ phiếu của các công ty tốt giữa lúc họ đang trong điều kiện bất lợi, chẳng hạn như Cola-Cola vào thập niên 1980 sau thất bại của chiến dịch tung ra sản phẩm mới New Coke hay General Electric trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Buffett cũng gần như cạch mặt những cổ phiếu thuộc ngành có nhiều biến động như công nghệ vì ông không thể chắc chắn rằng lợi thế của công ty thuộc ngành này sẽ được duy trì lâu dài.

 

Tuy nhiên, nếu không sử dụng đòn bẩy tài chính thì mức sinh lời từ các thương vụ đầu tư của Buffett cũng sẽ không ấn tượng như thế. Các nhà nghiên cứu ước tính, trung bình Berkshire sử dụng 60% vốn là đòn bẩy tài chính và điều này đã giúp đẩy mạnh đáng kể mức sinh lời của Công ty. Điều đáng nói là Berkshire của Buffett đã đi vay với mức chi phí rất thấp.

 

Một điều ít ai chú ý trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính của Buffett là nguồn vốn sử dụng đòn bẩy lại đến từ các bộ phận bảo hiểm và tái bảo hiểm của Berkshire , cung cấp đến hơn 1/3 nguồn vốn cho Tập đoàn. Điều này cũng giống như vay tiền từ những khách hàng tham gia bảo hiểm mà chỉ phải trả chi phí vay rất thấp. Buffett đã dùng khoản tiền chưa phải thanh toán này để tài trợ cho các thương vụ đầu tư của mình.

 

Nếu Berkshire đánh giá thấp các rủi ro từ bảo hiểm thì có thể Công ty sẽ phải chịu thiệt, vì phải trả mức bồi thường cao hơn. Thế nhưng, trong những năm qua, mảng bảo hiểm của Berkshire đã không ngừng ăn nên làm ra. Và điều đó đã giúp đưa chi phí vay của Berkshire từ nguồn vốn này trung bình chỉ là 2,2%, thấp hơn 3 điểm phần trăm so với chi phí tài trợ vốn ngắn hạn của Chính phủ Mỹ trong cùng thời kỳ.

 

Một thuận lợi khác cho Buffett là nguồn vốn của Berkshire khá ổn định. Sau nhiều đau thương, các nhà phát triển bất động sản đã nghiệm ra rằng, dựa vào nguồn vốn vay để tăng cao mức sinh lợi có thể là đòn chí mạng một khi các tổ chức cho vay mất niềm tin vào doanh nghiệp, không muốn cho vay tiếp. Nhưng Buffett thì không lo ngại điều này, vì nguồn vốn từ mảng bảo hiểm có tính chất dài hạn và nhờ đó đã giúp “bảo vệ” ông trong nhiều thời kỳ sóng gió như cuối thập niên 1990 khi cổ phiếu Berkshire diễn biến kém hơn cả thị trường.

 

Rõ ràng, Buffett đã nắm được những lợi thế có thể khai thác thành công sự bất quy tắc nói trên trong đầu tư, tức mua cổ phiếu có hệ số bêta thấp nhưng vẫn tạo được mức sinh lời cao, nhờ sử dụng đòn bẩy tài chính một cách “an toàn”. Những điều này đã lý giải rất nhiều cho những kỳ tích trong đầu tư của Buffett.

 

“Lật tẩy” được Buffett, nhưng bản thân các nhà nghiên cứu của Đại học New York và AQR Capital Management đều thừa nhận tài năng của ông. Vì Buffett đã sớm nhận ra những nguyên tắc vàng ấy trong đầu tư và bắt đầu áp dụng chúng từ 50 năm trước khi các nhà nghiên cứu khám phá ra điều này. Vì thế, gọi ông ấy là nhà đầu tư huyền thoại quả không ngoa!


Nhịp cầu đầu tư

Tin cùng chuyên mục