Lật tẩy các chiêu đầu cơ tiền tệ

Ngân hàng còn cho chính các cán bộ, nhân viên ngân hàng mình mang tiền đi gửi ở các TCTD khác với tư cách cá nhân để trục lợi.
Lật tẩy các chiêu đầu cơ tiền tệ

Thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) là thị trường đi vay vốn khả dụng lẫn nhau giữa các ngân hàng trung gian. Việc phát triển thị trường liên ngân hàng sẽ tạo ra một công cụ để các ngân hàng có thể hỗ trợ khả năng thanh khoản cho nhau. Thị trường liên ngân hàng cũng được xem như bình thông nhau giữa các ngân hàng, giúp đạt trạng thái cân bằng trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thị trường 2 đang đóng đúng vai trò của nó hay hiện có sự lợi dụng tạo sự không minh bạch ở thị trường này?

Trước tiên, quan sát số liệu về tổng doanh số giao dịch và lãi suất thị trường liên ngân hàng trong 3 tuần gần đây: tuần 1 (2/7-8/7), tuần 3 (16/7-22/7) và tuần 4 (23/7-29/7). Xét về doanh số giao dịch, nếu ở tuần 1, tổng doanh số giao dịch trong kỳ đến ngày 6/7 đạt xấp xỉ 131.144 tỉ VND thì tuần 3 nhích lên 160.661 tỉ VND và đến tuần 4, con số này tăng lên ở mức 167.926 tỉ VND. Như vậy, doanh số giao dịch đang nhích dần lên giữa các tuần trong tháng 7/2011.

Lãi suất cho vay VND trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ so với đầu tháng 6/2011, hiện nay (tính đến 15/8/2011) lãi suất cho vay qua đêm ở mức 11,5-12%/năm, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần ở mức 13,5%/năm, lãi suất cho vay kỳ hạn từ 2 tuần trở lên ở mức 13,5-16,5%/năm. Các giao dịch VND tập trung chủ yếu vào kỳ hạn qua đêm và 1 tuần.

Như vậy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ, doanh số giao dịch tăng. Ngược lại, việc huy động vốn ở thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân) vẫn đang ở mức lãi suất cao. Do lãi suất thị trường 2 thấp hơn thị trường 1, có chăng dòng vốn chảy từ thị trường 2 về thị trường 1? Điều này dần được phản ánh thông qua doanh số giao dịch liên ngân hàng tăng?

Câu hỏi đặt ra là tại sao ngân hàng thiếu vốn hoàn toàn có thể huy động trên thị trường 2 với lãi suất rẻ hơn rất nhiều nhưng vẫn ưa thích nguồn vốn từ thị trường 1 với lãi suất cao hơn?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xuất phát từ chính bảng cân đối cơ cấu nguồn vốn của một ngân hàng. Nguồn vốn huy động của ngân hàng thông thường gồm có: vốn huy động từ cá nhân và tổ chức kinh tế (thị trường 1), vốn huy động liên ngân hàng. Về bản chất nguồn vốn huy động thị trường 1 có tính chất ổn định hơn, nó như là nguồn vốn nền tảng để các ngân hàng lên kế hoạch cho các hoạt động sử dụng vốn một cách phù hợp. Trong khi nguồn vốn huy động thị trường 2 là thị trường bán buôn chỉ mang tính chất bổ sung thiếu hụt tạm thời, thường có kỳ hạn ngắn.

Nguồn vốn này tùy từng giai đoạn phát triển, các ngân hàng có thể không đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng và phía cơ quan chức năng cũng không khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) có tỉ lệ huy động thị trường 2 quá cao (đã có giai đoạn trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra tín hiệu thanh tra các TCTD có tỉ lệ huy động thị trường 2 và thị trường 1 vượt quá 20%). Thêm vào đó, trước sức ép cạnh tranh lãi suất rất lớn như hiện nay, để đảm bảo được kế hoạch huy động dự kiến, các ngân hàng luôn phải tìm nhiều cách hơn để duy trì và tăng trưởng nguồn vốn thị trường 1 và dù biết họ vẫn “nhắm mắt” để huy động các nguồn vốn hình thức là thị trường 1 nhưng thực chất là nguồn vốn từ thị trường 2 với lãi suất cao hơn. Còn về phía các ngân hàng gửi vốn liên ngân hàng, đây lại là cách thức tốt để gia tăng lợi nhuận.

Việc này đang được thực hiện phổ biến qua hình thức ủy thác, cụ thể là một ngân hàng vay vốn của ngân hàng khác trên thị trường 2, sau đó ủy thác đầu tư cho chính công ty con của mình hoặc cho công ty trung gian, quỹ đầu tư, các công ty này sẽ gửi ngược vào ngân hàng từ thị trường 1 và mặc cả lãi suất kiếm lời. Thậm chí, ngân hàng này còn cho chính các cán bộ, nhân viên ngân hàng mình mang tiền đi gửi ở các TCTD khác với tư cách cá nhân để trục lợi. Hóa ra, sự không minh bạch này diễn ra ở cả thị trường 2 và thị trường 1. Việc làm này khiến đồng vốn chỉ chạy lòng vòng trong các ngân hàng mà không đi vào nền kinh tế, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Mà trên thực tế, hiện nay đang có vô vàn doanh nghiệp đang “khát” vốn không thể vay được vốn từ các ngân hàng.

Để quản lý chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch thị trường 2, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, đã kiến nghị NHNN tăng cường kiểm soát thị trường liên ngân hàng cả về số lượng và lãi suất, từ đó góp phần hạ lãi suất ngân hàng. Theo thông tin từ website NHNN, NHNN đang giao Vụ Chính sách Tiền tệ theo dõi và quản lý hoạt động của thị trường 2 nhằm hướng tới ra Thông tư quy định về vay vốn giữa các TCTD trên thị trường 2. Trong đó, quy định rõ về thời hạn vay vốn, mục đích sử dụng tiền vay mà mục đích chính là bù đắp thiếu hụt tạm thời vốn ngắn hạn, lãi suất cho vay…

Theo thông tin mới nhất, NHNN công bố lãi suất qua đêm liên ngân hàng ngày 15/8 là 10,56%, thậm chí ngày 3/8 giảm còn 10,38% (mức lãi suất này được xem là thấp nhất kể từ ngày 4/1/2011). Dù chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì nhưng việc hạ lãi suất này cũng sớm phải đi kèm với việc hạ lãi suất thị trường 1 để hoạt động trên cả 2 thị trường đi vào ổn định.


Petrotimes

Tin cùng chuyên mục