Lắt léo đồng Việt Nam

(ĐTCK-online) Là một thường dân áo vải, với chút kiến thức sơ đẳng về kinh tế học, hẳn người ta chẳng thể nào hiểu nổi cái nghịch lý đang diễn ra trên thị trường tiền tệ Việt Nam. Đọc bất cứ một bài nhận định, đánh giá về tình hình kinh tế, nghe bất cứ một mẩu tin tài chính nào, đâu đâu cũng gặp hai từ "lạm phát". Nỗi ám ảnh này khiến người ta nghĩ ngay tới tình trạng dư thừa tiền trong nền kinh tế và đồng tiền mất giá, nhưng cái lạ là ở chỗ: lãi suất tiền đồng thì cứ "căng như sợi dây đàn"!
Nhu cầu tiền đồng trên thị trường rất cao

Nếu tiền nhiều thì tại sao các ngân hàng lại phải tăng lãi suất huy động và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có lúc bị đẩy lên tới trên 20%/năm? Phải chăng, Nhà nước đang bằng mọi cách rút tiền khỏi lưu thông để kiềm chế lạm phát, kiểm soát tăng giá theo kiểu “chạy lũ”?

Về nguyên tắc, để hút bớt tiền từ lưu thông (hay là giảm cung tiền), thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sử dụng các công cụ cơ bản như: bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối; phát hành trái phiếu, tín phiếu; bán giấy tờ có giá trên thị trường mở; tăng dự trữ bắt buộc; tăng lãi suất chiết khấu... Có thể sử dụng một trong số các công cụ này hoặc kết hợp cùng lúc nhiều công cụ. Tuy nhiên, có vẻ như tất cả những gì có thể đều đang được thực thi để bằng mọi cách rút bớt tiền đồng về, kể cả biện pháp giao khoán, bắt buộc như thời bao cấp cũng được trưng dụng!

Mới nhất là thông báo của NHNN về việc phát hành tín phiếu dưới hình thức bắt buộc, với số lượng 20.300 tỷ đồng, chia cho 41 tổ chức tín dụng tùy theo quy mô, tỷ trọng vốn huy động bằng đồng Việt Nam. Nếu đơn giản làm phép chia trung bình 20.300 tỷ cho 41 thì mỗi tổ chức tín dụng bị bắt buộc mua khoảng 500 tỷ đồng, như vậy sẽ có tổ chức phải mua tới cả ngàn tỷ đồng - một số vốn khổng lồ không dễ gì huy động được. Số tín phiếu này “đặc biệt” hơn các tín phiếu khác ở chỗ nó không được phép sử dụng trong các giao dịch tái cấp vốn với NHNN. Biết tin này, không chỉ các ngân hàng nhỏ mà ngay cả các “anh lớn” như ACB, Eximbank, Sacombank… cũng phải kêu trời!

Chúng ta từ trước tới nay vẫn thường được nghe về những đợt phát hành trái phiếu, tín phiếu của Chính phủ, Kho bạc Nhà nước với số lượng mỗi đợt hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, hầu hết đều thành công. Nhưng câu hỏi là bán cho ai? Dân có mua không? Câu trả lời là không bởi lãi suất của chúng thường thấp và chỉ có các tổ chức tín dụng là người mua sỉ. Mua trái phiếu, tín phiếu không chỉ là mua để đó, nhằm hưởng lãi suất cố định, mà họ còn sử dụng để thực hiện các giao dịch tái cấp vốn với NHNN như: chiết khấu, bán lại trên thị trường mở, làm dự trữ bắt buộc hoặc làm tài sản thế chấp để vay vốn các NHTM quốc doanh.

Trước đây, lãi suất các khoản vay này thường thấp hơn lãi suất thị trường, và do đó nó đem lại cho các NHTM một khoản lãi cộng thêm ngoài lãi suất cố định. Nhưng nay thì khác, các kênh tái cấp vốn trên đều trở nên khó khăn: lãi suất vay cầm cố, chiết khấu tăng, dự trữ bắt buộc tăng, thị trường mở phần lớn là giao dịch bán (NHNN bán giấy tờ có giá, thu tiền về); các NHTM quốc doanh cũng chịu chung số phận nên họ chẳng còn dư giả gì để cho các NHTM khác vay.

Trong khi đó, nhu cầu tiền đồng trên thị trường rất cao. Bên cạnh nhu cầu vốn phục vụ cho các chiến lược tăng trưởng của nền kinh tế là nhu cầu tiền đồng để đầu tư tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, do việc chuyển đổi từ USD sang VND để đầu tư vừa được lợi từ VND tăng giá, vừa được lợi ở lãi suất VND cao hơn, nên nhiều nhà đầu tư tiếp tục tìm mọi cách thực hiện chiến lược này.

Khi cung tiền không đáp ứng được cầu thì lãi suất tăng. Nhưng tăng như vậy có là bình thường? NHNN can thiệp như vậy là bình thường? NHNN đang vận dụng đúng lý thuyết và các công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ? Kết quả can thiệp có thể là “đạt mục tiêu”, nhưng cũng có thể là “không đạt mục tiêu”, tùy thuộc vào mức độ và thời điểm can thiệp!

Th.s Đinh Thị Thu Hồng, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP. HCM
Th.s Đinh Thị Thu Hồng, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP. HCM

Tin cùng chuyên mục