LAS đặt mục tiêu lợi nhuân trước thuế 380 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngày 1/3, CTCP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (mã LAS) sẽ niêm yết trên HNX. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng giám đốc LAS.
Ngày 1/3, CTCP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao sẽ niêm yết trên HNX Ngày 1/3, CTCP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao sẽ niêm yết trên HNX

Được biết, LAS có kế hoạch niêm yết trong năm 2011. Tuy nhiên, đến ngày 1/3 tới, LAS mới niêm yết. Vì sao lại có sự chậm trễ này, thưa ông?

Trước đây, LAS làm thủ tục niêm yết tại HOSE, nhưng do cơ cấu cổ đông lớn chiếm trên 80% số cổ phiếu lưu hành, nên LAS không đủ điều kiện niêm yết. Vì vậy, Công ty đã chuyển sang niêm yết trên HNX. Mặt khác, Đồng bằng Bắc Bộ là thị trường tiêu thụ trọng yếu của LAS, để quảng bá, thông tin nhanh chóng với NĐT và khách hàng, thì việc niêm yết trên HNX thuận tiện và hiệu quả hơn. Ngoài ra, do TTCK khi đó giao dịch trầm lắng, chưa thực sự thu hút các NĐT, nên thời điểm niêm yết đã được cân nhắc lùi lại. Đến thời điểm này, TTCK đã có tín hiệu phục hồi và LAS cũng đủ điều kiện niêm yết.

LAS là đơn vị có uy tín trên thị trường. Trong bối cảnh một số công ty phải giảm giá sản phẩm, thì sản phẩm của LAS mặc dù tăng giá vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Niêm yết thể hiện sự công khai, minh bạch đối với việc điều hành của Công ty. Chúng tôi cũng muốn biết NĐT đánh giá cổ phiếu LAS như thế nào và ở mức độ nào để tiếp tục phấn đấu hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

 

Xin ông cho biết kết quả kinh doanh năm 2011 và kế hoạch năm 2012?

Năm ngoái, chúng tôi đã sản xuất 280.896 tấn axit sunfuric, chủ yếu đưa vào sản xuất phân bón và bán ra thị trường 10.561 tấn. Trong tổng số 1.606.885 tấn phân bón sản xuất, đã tiêu thụ 1.138.452 tấn, còn lại là sản phẩm gửi kho đại lý để kịp thời cung ứng cho thời vụ. Doanh thu năm 2011 của Công ty đạt 4.088 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 393,4 tỷ đồng. Trên cơ sở lợi nhuận của năm 2011, LAS sẽ xin ý kiến ĐHCĐ (tổ chức vào tháng 4/2012) thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt 15% và cổ phiếu thưởng 20%. Đầu năm 2012, LAS đã tạm ứng cổ tức 10% tiền mặt cho cổ đông.

Năm 2012, LAS đặt mục tiêu doanh thu 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 380 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp 1.128 tỷ đồng (phấn đấu 1.205 tỷ đồng), đầu tư xây dựng cơ bản 179 tỷ đồng.

 

Trong năm 2012, LAS có thực hiện dự án lớn nào không, thưa ông?

Năm nay, LAS có Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất axit sunfuric 400.000 tấn/năm, kết hợp với phát điện công suất 12 MW và xưởng sản suất Sunphat Amon công suất 100.000 tấn/năm. Hiện dự án theo đúng tiến độ và đã phê duyệt, lựa chọn một số gói thầu như tư vấn, giám sát nước ngoài. Chúng tôi đang tập trung lựa chọn nhà thầu EPC, cung cấp thiết bị, thiết kế, lắp đặt, vận hành. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Hiện tại, LAS có 10 dây chuyền sản xuất chính gồm: 3 dây chuyền sản xuất axit sunfuric, 2 dây chuyền sản xuất supe lân, 4 dây chuyền sản xuất NPK và 1 dây chuyền sản xuất lân nung chảy. Nhà máy axit sunfuric hoàn thành sẽ thay thế 3 dây chuyền axit sunfuric hiện tại. Với giải pháp phát điện đi kèm, chúng tôi sẽ không phải mua điện bên ngoài và tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn, đồng thời đáp ứng vấn đề bảo vệ môi trường. Dự án này giúp LAS giảm định mức tiêu hao kỹ thuật như điện, nhân công và một số chi phí khác.

 

Ông có thể chia sẻ ý tưởng về định hướng chiến lược phát triển của LAS trong tương lai?

Hiện nay, Chính phủ đã chấm dứt việc cho phép xuất khẩu quặng thô và một số nước hạn chế xuất khẩu phân bón, nên tạo ra cơ hội lớn cho LAS trong việc mở rộng xuất khẩu. Đã có một số đối tác nước ngoài bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư và đề nghị nhập khẩu 200.000 tấn supe lân từ LAS. Tuy nhiên, với khối lượng sản xuất hiện nay, LAS chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu rất ít. Tới đây, khi Dự án nhà máy axit sunfuric đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ mở rộng thị phần và tăng cường xuất khẩu.

Về trung hạn, chúng tôi có dự định hợp tác với Apatit Lào Cai để sản xuất axit phôtphoric, rồi từ đó sản xuất các loại phân như NPK, các loại phân bón dành cho xuất khẩu. Chúng tôi lựa chọn con đường sản xuất công nghiệp đi từ nguyên liệu quặng trong nước thay vì mua nguyên liệu DAP, MAP về gia công thành các loại phân bón như một số DN khác. Như vậy, chúng tôi sẽ có sản phẩm với giá rẻ, khả năng cạnh tranh lớn hơn, tạo công ăn việc làm và tạo giá trị gia tăng. Hiện LAS đang lựa chọn công nghệ phù hợp.

Ngoài ra, LAS đang nghiên cứu các loại phân bón mới, đưa vào các trung vi lượng có sẵn ở Việt Nam để tăng cường hiệu quả bón phân, giảm chi phí cho người nông dân. Đồng thời, trong sản xuất, LAS đang tiến tới sử dụng nhiên liệu sinh khối để sấy khô sản phẩm, tận dụng nguồn nhiên liệu sẵn có, không phải nhập khẩu dầu FO. Với cách làm này, tôi tin tưởng LAS sẽ ổn định và phát triển, dù là thị trường đang khó khăn.

Bùi Trang thực hiện
Bùi Trang thực hiện

Tin cùng chuyên mục