Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau khi tất toán trạng thái vàng của các NHTM vào ngày 30/6/2013 thì giá vàng trong nước sẽ liên thông với giá vàng thế giới và tình trạng vênh giá sẽ không còn. Chính phủ cũng đã chỉ thị, sau ngày 30/6 sẽ không cho phép ngân hàng huy động vàng. Vậy nhưng, hiện giá vàng trong nước vẫn vênh khoảng 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Nguyên nhân vì đâu?
Cách đây 4 - 5 năm, tại Hà Nội và TP. HCM, nhiều sàn giao dịch vàng tư nhân được thành lập. Khách hàng chỉ cần đặt cọc 7% giá trị giao dịch. Nếu ai muốn vay tiền ngay tại sàn thì thủ tục cũng rất đơn giản. Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cao nhờ đòn bẩy tài chính lên đến 14 lần khiến rất nhiều người tham gia giao dịch. Tuy nhiên, không ít sàn vàng thành lập các “đội tự doanh” và chính các đội này đã “làm mưa, làm gió” giá vàng. Khi muốn đẩy giá vàng lên, họ tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo bằng cách phát ra thật nhiều lệnh mua và ngược lại. Không những thế, các sàn vàng âm thầm ưu tiên khớp lệnh cho các đội tự doanh. Trước tình trạng hoạt động lộn xộn, gian dối, gây ra nhiều bất ổn, cuối năm 2009, Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa tất cả các sàn vàng.
Sau đó, vàng miếng bị cấm giao dịch và chỉ có NHNN được phép làm việc này. Do nhu cầu giao dịch vàng của người dân nên NHNN đã cấp phép cho 2.400 điểm giao dịch vàng miếng trong toàn quốc so với 8.000 điểm giao dịch trước đó. Nghĩa là thị trường vàng miếng đã bị thu hẹp giao dịch đến hơn 70%, với mục đích chính là để chống “vàng hóa nền kinh tế”. Lẽ đương nhiên, giá vàng trong nước phải tăng so với giá vàng thế giới, vì cung đã bị hạn chế. Vì lý do các NHTM phải tất toán trạng thái vàng cho khách hàng nên NHNN đã nhập hơn 40 tấn vàng. Thị trường hy vọng, giá vàng sẽ hạ và liên thông với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra vì giá vàng thế giới được hình thành từ hàng chục sàn giao dịch lớn trên khắp thế giới theo quan hệ cung - cầu. Giả sử NHNN nới lỏng việc nhập khẩu vàng thì tình hình có thể khả quan hơn, nhưng không thể khắc phục hoàn toàn tình trạng vênh giá, vì luôn tồn tại độ trễ giữa thời gian nhập và thời điểm vàng về, nên giá vàng trong nước và thế giới không thể liên thông.
Do đó, cần thiết xây dựng thị trường giao dịch vàng tập trung giống như sàn giao dịch chứng khoán, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước như đã quy định tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hóa và Thông tư hướng dẫn kèm theo. Khi đó, giá vàng trong và ngoài nước sẽ thực sự liên thông với nhau từng giờ, từng phút và nhờ vậy, giá vàng mới ổn định. Tuy nhiên, để làm việc này thì Nghị định 159 cần được sửa đổi, bổ sung, trong đó cần có sự phối hợp quản lý giữa Bộ Công thương và NHNN đối với sàn giao dịch vàng như nhiều nước đang làm.