Lập quỹ trái phép, cựu Trưởng Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn lĩnh án 4 năm tù

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 29 - 30/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử vụ án Lập quỹ trái phép xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Các bị cáo tại phiên tòa Các bị cáo tại phiên tòa

Sau 2 ngày xét xử, TAND Hà Nội tuyên phạt các bị cáo Trần Khắc Hiệp (cựu Trưởng Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn) và Lê Xuân Hoàng (cựu Kế toán trưởng đơn vị này) 4 năm tù, bị cáo Nguyễn Mạnh Tấn (SN 1981, nhân viên Phòng Tài chính kế toán) nhận 2 năm tù đều về tội “Lập quỹ trái phép”.

Về dân sự, tòa buộc ông Hiệp phải bồi thường hơn 10 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). HĐXX ghi nhận bị cáo Hiệp đã nộp lại hơn 7 tỷ đồng. Còn bị cáo Hoàng phải khắc phục 9 tỷ đồng, đã nộp được 200 triệu.

Theo cáo trạng, Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2011, bị can Tôn Anh Thi được giữ chức Trưởng ban Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và từ năm 2011, bị cáo Trần Khắc Hiệp làm Trưởng ban.

Giai đoạn 2008-2011, PVN cấp kinh phí hơn 1.940 tỷ đồng để Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Các bị cáo Tôn Anh Thi và Trần Khắc Hiệp đã lấy 1.600 tỷ đồng từ nguồn trên và 50 tỷ đồng khác từ PVN rót xuống để gửi vào Ngân hàng TMCP Quân đội tại Thanh Hóa (MB Thanh Hóa) và Ngân hàng TMCP Đại Dương chi nhánh Thanh Hóa (OceanBank Thanh Hóa).

Qua đây, các ngân hàng này trả cho Ban Quản lý dự án Nghi Sơn hơn 20 tỷ đồng lãi suất không kỳ hạn, nhưng Tôn Anh Thi và 3 bị cáo trong vụ án để ngoài hệ thống sổ sách kế toán để chi tiêu.

Cơ quan truy tố xác định, giai đoạn từ năm 2010 đến 2011, Ban Quản lý dự án Nghi Sơn thu hơn 1,1 tỷ đồng tiền lãi tại MB Thanh Hóa nhưng chỉ có hơn 300 triệu đồng được hạch toán đúng quy định; hơn 813 triệu đồng còn lại bị để ngoài sổ sách.

Từ năm 2011 đến 2015, khi bị cáo Trần Khắc Hiệp lên làm Trưởng ban, Ban Quản lý dự án Nghi Sơn tiếp tục nhận hơn 14,8 tỷ đồng tiền lãi từ MB Thanh Hóa và các bị cáo trong vụ án vẫn để ngoài sổ sách, tự ý chi tiêu.

Ngoài ra, Trần Khắc Hiệp còn gửi hơn 300 tỷ đồng của Ban Quản lý dự án Nghi Sơn vào OceanBank Thanh Hóa, thu hơn 6 tỷ đồng tiền lãi. Trong đó, có hơn 1,3 tỷ đồng được chuyển về tài khoản của Ban Quản lý dự án, còn hơn 4,7 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Lê Xuân Hoàng.

Qua quá trình thẩm vấn tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, vi phạm việc quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho nhà nước...

Trong đó, bị cáo Hiệp là người chỉ đạo, trực tiếp ký 66 hợp đồng tiền gửi, giữ vai trò chính; bị cáo Hoàng trực tiếp bàn bạc với Hiệp, là người quản lý và chi 19,2 tỷ đồng tiền lãi theo.

Nguyễn Mạnh Tấn bị xác định không được bàn bạc nhưng đã tiếp nhận ý chí từ cấp trên; Tấn là nhân viên kế toán có nhiệm vụ theo dõi các khoản từ ngân hàng, trực tiếp nhận hơn 6 tỷ đồng tiền lãi rồi quản lý theo chỉ đạo của Hiệp và Hoàng nên là đồng phạm giúp sức. Vì vậy, tòa án không chấp nhận việc kêu oan của bị cáo Tấn cũng như quan điểm từ luật sư bào chữa.

Với ông Tôn Anh Thi, HĐXX cho rằng người này phạm tội lập quỹ trái phép nhưng quá trình điều tra đã xác định ông dùng 813 triệu đồng để chi cho 2 gia đình nạn nhân bị thiệt mạng khi giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Thanh Hóa.

PVN cũng xác nhận ông Thi có báo cáo phù hợp quy chế. Mặc khác, toàn bộ lãi từ 15 hợp đồng tiền gửi ông Thi ký là hơn 1 tỷ đồng đã được nộp khắc phục toàn bộ; Viện KSND Tối cao có quyết định đình chỉ bị can với Tôn Anh Thi nên HĐXX không xem xét.

Ngoài ra, ông Tôn Anh Thi đã nộp hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả và đề nghị tòa tuyên PVN phải trả cho mình số tiền này. HĐXX thấy trong số tiền này, ông Thi tự ý trả hơn 813 triệu đồng cho 2 gia đình nạn nhân, chỉ đưa vào sổ sách hơn 308 triệu đồng. Vì vậy, PVN chỉ phải trả lại cho ông Thi 308 triệu đồng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục