Được biết, trong một cuộc họp với các thành viên gần đây, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cũng có bàn đến ý tưởng này, vậy dựa trên cơ sở nào để thành lập Quỹ bình ổn TTCK, thưa ông?
Trước đây, Hiệp hội đã có kiến nghị với các cơ quan quản lý về ý tưởng thành lập Quỹ bình ổn TTCK. Qua trao đổi, chúng tôi thấy kinh nghiệm ở một số nơi, chẳng hạn thời kỳ đầu của TTCK như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông có hình thành Quỹ và đạt được một số kết quả nhất định trong việc hỗ trợ thị trường tại những thời điểm khó khăn. Đây là ý tưởng tốt bởi khi thị trường xuống quá, Quỹ có thể can thiệp, góp phần bình ổn thị trường, giúp tâm lý nhà đầu tư (NĐT) ổn định hơn. Trong trường hợp có sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức thì quỹ sẽ góp phần can thiệp tốt tới thị trường.
Tuy nhiên, với tình hình ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng và vận hành Quỹ tương đối phức tạp vì các thành viên thị trường phải đóng góp tiền mặt, không phải cổ phiếu hoặc trái phiếu để Quỹ hoạt động. Vậy thì đằng sau nó phải có chế tài vận hành tốt, phải có ban điều hành, có sự đồng thuận cao giữa các thành viên, quy định cụ thể rõ ràng khi lỗ ai chịu, lãi chia thế nào, khó hơn cả là điều hành Quỹ ra sao để có một cơ chế công tâm.
Một thách thức nữa là ở các TTCK khác, tình trạng đầu cơ, thao túng giá cổ phiếu rất hạn chế, còn ở Việt
Theo ông, nếu thành lập Quỹ thì cơ chế đóng góp như thế nào là hợp lý?
Từng công ty là thành viên thị trường phải đóng góp, hiện TTCK Việt Nam có hơn 300 DN niêm yết, hơn 100 CTCK và công ty quản lý quỹ. Ngoài ra, Chính phủ có thể tính đến việc trích một phần thặng dư trong quá trình cổ phần hoá để tham gia Quỹ. Thực tế cho thấy, những đợt IPO của VCB, Bảo Việt, vốn thặng dư Nhà nước thu khá lớn và đó đều là tiền NĐT đóng góp, có thể tiền đã được dùng để đầu tư và sinh lợi thì việc có trách nhiệm với thị trường cũng là hợp lý. Hay nhiều DN niêm yết đã phát hành trong thời gian qua thu tiền thặng dư lớn cũng nên có trách nhiệm với diễn biến giá sau đó. Cũng có thể tính đến việc, NĐT chứng khoán phải nộp thuế và trích một phần trong số thuế thu được để tham gia Quỹ.
Nhiều ý kiến lo ngại hoạt động của Quỹ bình ổn TTCK sẽ lặp lại "vết xe" của SCIC như thời gian qua, ông nghĩ sao?
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã can thiệp tới TTCK thông qua SCIC, tôi cho rằng, đây là sự cần thiết khi thị trường quá lạnh. Nó chuyển tải một thông điệp rằng, Chính phủ quan tâm đến TTCK, nhưng điều quan trọng nhất hỗ trợ thị trường vẫn là điều hành kinh tế vĩ mô ổn định. Được biết, Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 20/2008/CT-TTg nhằm ổn định thị trường, cùng với những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, có sự quan tâm chỉ đạo như vậy NĐT sẽ vững tin hơn đến thị trường.
Qua kinh nghiệm của SCIC có thể thấy, nếu như một tổ chức ôm nhiều nhiệm vụ thì khó có thể thực hiện tất cả nhiệm vụ đều tốt, SCIC còn có những chức năng quan trọng khác, ngoài hỗ trợ TTCK. Còn Quỹ bình ổn TTCK hoạt động chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh và hỗ trợ thị trường.
Trước đây, UBCK có đề án xây dựng Quỹ bình ổn TTCK nhưng chỉ dừng ở việc nghiên cứu. Theo ông, thời điểm này đã thích hợp để đẩy việc nghiên cứu thành hiện thực?
UBCK đã có đề tài nghiên cứu về việc thành lập Quỹ bình ổn TTCK nhưng chưa thành công. Khó khăn lớn nhất khi hình thành quỹ này là phải ban hành những quy định cụ thể để điều hành Quỹ như một tổ chức chuyên nghiệp và ở Việt Nam hiện nay cần quản lý thị trường chặt chẽ để giảm thiểu tình trạng đầu cơ, thao túng giá. Quan trọng là các thành viên thị trường phải có lãi, mới tính đến việc trích một tỷ lệ nào đó để đóng góp cho Quỹ, chứ hiện họ còn phải lo chi phí hoạt động để tồn tại.