Mặc dù vậy, nhu cầu làm đẹp và cao hơn nữa là thể hiện đẳng cấp, ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm. Chính vì vậy, Việt Nam hiện đang được xem là thị trường hấp dẫn đối với các thương hiệu bán lẻ trung và cao cấp, trong đó không thể không kể đến các thương hiệu vàng trang sức.
Nhu cầu nữ trang ngày một gia tăng
Năm 2015, Việt Nam được xem là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi khi giữ được đà tăng trưởng ổn định, đồng thời vẫn kiểm soát được tỷ lệ lạm phát ở mức thấp. Tăng trưởng GDP của Việt Nam tính đến năm 2015 đã đạt 31 năm liên tục, chỉ thua kỷ lục 39 năm hiện do Trung Quốc nắm giữ (Nguồn: World Bank - PV).
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia có văn hóa tiêu thụ vàng tương tự, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam luôn thuộc nhóm dẫn đầu, và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong tương lai.
Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, nhu cầu làm đẹp và cao hơn nữa là thể hiện đẳng cấp, ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm. Việt Nam hiện đang được xem là thị trường hấp dẫn cho các thương hiệu bán lẻ trung và cao cấp, trong đó không thể không kể đến các thương hiệu vàng trang sức.
Không chỉ được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế vĩ mô, nhu cầu mua sắm trang sức còn xuất phát từ văn hóa “tích trữ vàng” được lưu truyền qua nhiều thế hệ, và đây cũng chính là nhân tố quan trọng kích thích sự phát triển bền bỉ của ngành trang sức Việt Nam.
Những yếu tố thuận lợi cho tiềm năng tăng trưởng của ngành trang sức nói chung và PNJ nói riêng đó là: Việt Nam là quốc gia có hơn 90 triệu dân với 70% dân số thuộc nhóm tuổi từ 15 - 64, nằm trong độ tuổi lao động và tiêu dùng, trong đó có 51% dân số là nữ, tạo ra lực lượng mua sắm trang sức dồi dào.
Theo tính toán từ số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá trị vàng trang sức trên đầu người của Việt Nam năm 2015 là 6,2 USD, chỉ bằng 60% của Malaysia và 7% của Singapore. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêu thụ vàng trang sức của Việt Nam so với tổng tiêu thụ vàng chỉ chiếm 25%, trong khi tỷ lệ này tại các nước trong khu vực là trên 50% (ngoại trừ Thái Lan: 14%).
Mặc dù là 1 trong 15 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất trên thế giới, nhưng đại đa số người dân Việt Nam vẫn có thói quen mua vàng miếng nhằm đầu cơ, tích trữ hơn là làm đẹp. Tuy nhiên, cùng với sự ổn định của nền kinh tế, xu hướng dịch chuyển từ mua vàng miếng sang vàng trang sức đang diễn ra một cách mạnh mẽ.
Lượng vàng trang sức tiêu thụ tại Việt Nam liên tục tăng trong 3 năm trở lại đây. Ngược lại, lượng vàng miếng giảm mạnh trong năm 2014 và 2015, lần lượt là 33% và 15%. Đây là xu hướng tất yếu, phù hợp với quá trình phát triển chung của đất nước và cũng chính là tiềm năng đã được dự báo trước của ngành trang sức nội địa.
Trong khi đó, theo báo cáo năm 2014 của WGC, Trung Quốc giảm 39% giá trị trang sức bán ra so với cùng kỳ 2013, Nhật giảm 17%, Ấn Độ giảm 4%, Mỹ giảm 1% trên mức giảm 19% của toàn thị trường. Thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, nhưng mức giảm thấp hơn khi kết thúc năm 2014, tổng giá trị tiêu thụ trang sức của toàn thị trường là 519 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ 2013.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)
“Bệ đỡ” chính sách
Thấy được tiềm năng phát triển to lớn của ngành, Chính phủ luôn quan tâm nhằm tạo điều kiện cho các DN trang sức có được môi trường kinh doanh thuận lợi. Một trong những động thái gần đây từ phía Chính phủ đó là việc ban hành Thông tư số 22/2013/TT-Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về chất lượng vàng trang sức, có hiệu lực từ ngày 1/6/2014. Thông tư 22 ra đời đã góp phần nâng cao ý thức của người tiêu dùng Việt Nam về chất lượng sản phẩm vàng trang sức. Kể từ khi Thông tư 22 có hiệu lực, tình hình thị trường trang sức vàng đã được cải thiện rõ rệt.
Thông qua phương tiện truyền thông, người tiêu dùng đã biết chọn lựa nơi mua bán trang sức vàng có uy tín. Đối với những DN vàng, bạc, đá quý thì việc phát triển bền vững gắn liền với giữ chữ tín về “tuổi vàng”. Sản xuất và lưu thông vàng trang sức được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo chất lượng sản phẩm vàng trang sức lưu thông trên thị trường và tạo lợi thế cho các thương hiệu lớn, có uy tín.
Từ nền tảng ban đầu, sau hơn 1 năm quyết tâm thực thi Thông tư 22 về quản lý chất lượng vàng trang sức từ các cơ quan quản lý nhà nước, thị trường vàng trang sức Việt Nam được kỳ vọng sẽ minh bạch hơn. Đây cũng chính là cơ hội cho các DN lớn, có thương hiệu, đặc biệt là PNJ nhờ vào mạng lưới rộng khắp và quy mô sản xuất vượt trội.
Nói cách khác, hiệu ứng gián tiếp của Thông tư 22 đã tạo cơ hội rất thuận lợi cho PNJ nhanh chóng phát triển thị phần, dựa trên nền tảng danh tiếng về độ tin cậy, tinh tế của sản phẩm mà Công ty đã bền bỉ xây dựng thành công hơn 20 năm qua. Đầu năm 2015, PNJ đã được Nhà nước cho phép mở dịch vụ kiểm định vàng trang sức trên thị trường. PNJ là đơn vị thứ 3 được Nhà nước cấp phép hoạt động này.
Tuy nhiên, thị trường trang sức Việt Nam hiện nay có sự phân mảng cao, với phần lớn thị phần đang thuộc về các DN nhỏ lẻ vốn không có sự đầu tư về thương hiệu, cũng như thiếu định hướng trong dài hạn. Trong khi đó, khách hàng đang ngày càng khó tính hơn và nhu cầu về sản phẩm có uy tín, thương hiệu được xem là tất yếu, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng như hiện nay. Vì vậy, thương hiệu PNJ cũng luôn phải đầu tư, tạo sự khác biệt về thương hiệu và nhanh chóng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Thị phần bán lẻ của PNJ hiện nay ước đạt 25% tổng thị phần, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước và bỏ xa các đối thủ đứng sau. Không chỉ vậy, PNJ còn được đánh giá không thua kém bất kỳ DN nào trong khu vực từ quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm cho đến mẫu mã thiết kế và chất lượng dịch vụ. Với tiềm năng to lớn của thị trường và lợi thế sẵn có, PNJ sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Điều quan trọng nhất là Công ty đã trang bị đầy đủ, từ định hướng chiến lược đến hệ thống quản trị để có thể dễ dàng biến lợi thế từ thị trường thành bệ phóng tăng trưởng trong hiện tại và tương lai.
Năm 2015, hoạt động kinh doanh bán lẻ của PNJ tăng trưởng mạnh về doanh thu, đồng thời thành công trong việc chuyển đổi định hướng sang phát triển các dòng sản phẩm trung và cao cấp. Doanh thu bán lẻ trang sức vàng tăng 45%, trong đó các cửa hàng hiện hữu tăng 21% so với cùng kỳ năm 2014.
Cùng với lợi thế từ sự hồi phục chung của thị trường trang sức Việt Nam, song những gì trang sức PNJ Gold đạt được thực sự ấn tượng, vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành. Đây không chỉ là kết quả của một nền tảng được xây dựng vững chắc và củng cố qua nhiều năm, mà còn phản ánh sự thay đổi chiến lược trong mục tiêu phát triển của Công ty. Thay vì tập trung vào tất cả các phân khúc sản phẩm, kể từ năm 2014, PNJ Gold nhấn mạnh mục tiêu phát triển là “Thương hiệu trang sức trung và cao cấp hàng đầu Việt Nam”. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu bán lẻ tăng ấn tượng trong 2 năm 2014 và 2015, đặc biệt là doanh thu cửa hàng hiện hữu luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Những thay đổi nói trên đã giúp PNJ Gold duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và ngay lập tức tăng tốc khi thị trường bắt đầu xu hướng hồi phục. Với năng lực sản xuất dồi dào, mỗi năm Xí nghiệp nữ trang của PNJ sản xuất trên 2 triệu sản phẩm, phục vụ cho cả hoạt động kinh doanh sỉ và lẻ, trong đó bao gồm các sản phẩm cao cấp như kim cương, đá quý đòi hỏi tay nghề chế tác cao cũng như thời gian sản xuất kéo dài do phải trải qua nhiều công đoạn. Với chiến lược đầu tư phù hợp, năm 2015, sản lượng trang sức cao cấp của Xí nghiệp nữ trang PNJ đã tăng trưởng tới 75%.
Mặc dù hoạt động kinh doanh vàng miếng bị hạn chế, song nhờ hoạt động kinh doanh vàng nữ trang “vào nếp”, nên tác động tích cực lên hoạt động của các thương hiệu nữ trang uy tín, trong đó có PNJ. Thực tế cho thấy, lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng lợi nhuận đạt được của PNJ trong thời gian qua.