Lấp lánh nụ cười Trường Sa

Từ đầu tới cuối hành trình đến với Trường Sa là những nụ cười lấp lánh xua tan mọi gian khó. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những nụ cười dường như rạng rỡ hơn, nhân hậu và ấm áp hơn với bao câu chuyện thấm đẫm tình người, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương, đất nước.
Nụ cười của các chiến sĩ đảo Sinh Tồn trong giờ giải lao. Nụ cười của các chiến sĩ đảo Sinh Tồn trong giờ giải lao.

Nụ cười của sức sống

Trường Sa mùa biển lặng, nắng pha lê trong vắt rải đều lên khắp các đảo chìm, đảo nổi. Ít ai ngờ rằng, nơi đây có tới 131 ngày bão mỗi năm và mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Chúng tôi chưa bao giờ ra Trường Sa nên không khỏi hồi hộp, lo âu. Nhưng từ khi lên xã đảo Song Tử Tây, nét vô tư, lạc quan của những người lính và người dân dường như xua hết mọi âu lo. 

Người dân ở Trường Sa sinh sống bằng nghề đi biển và chăn nuôi gia súc. Trên các đảo chìm, đảo nổi, những chú bò thảnh thơi dưới bóng cây, đàn vịt nước mặn kiếm ăn bên bờ biển, đàn chó bắt cá cùng chiến sĩ, những vườn rau xanh mướt, đàn cá kìm bơi tung tăng bên cầu cảng như ở ao nhà, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp cổ thụ ngát hương hoa… Tất cả những hình ảnh bình yên ấy chẳng khác gì bức tranh thôn quê đầy sức sống nơi đất liền.

Trẻ con ở Trường Sa rắn rỏi, khỏe mạnh, dạn dĩ. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh cô bé Sầm Thị Trúc Ly xinh xắn ở đảo Song Tử Tây. Khi chương trình văn nghệ kết thúc, mọi người tản ra, bé chạy theo, kều tay tôi rồi đưa cho chùm quả màu tím hồng, to gần bằng trái sim, miệng lí nhí: “Cô ăn không, ngon lắm”. Như sợ tôi không tin, bé bỏ một trái vào miệng nhai, rồi xuýt xoa: “Ôi, chao ngon! Trái tra được gọi là nho Trường Sa đó cô, mới đầu mùa nên hiếm lắm”. 

Tôi cũng bứt một quả cho vào miệng nhai ngấu nghiến thứ quả lạ vị ngọt ngọt, chua chua, thanh thanh và hơi chan chát ấy. Thật lạ, khi đã nhả hạt ra khỏi miệng mà nơi đầu lưỡi vẫn thơm nồng. Tôi bắt chước bé Ly, nhắm mắt lại và trầm trồ: “Ôi, chao ngon”. Mấy đứa trẻ khác thấy thế cười phá lên, rồi mấy cô cháu đi tìm hái trái tra chín. 

Những ngôi nhà ở xã đảo Song Tử Tây khang trang, thơ mộng chẳng khác gì biệt thự trong đất liền. Dẫn chúng tôi đi thăm tổ ấm của mình, vợ chồng anh Sầm Văn Lư, chị Chu Thị Mùi khoe: “Tuy sống ở đảo, nhưng điều kiện của chúng tôi không kém gì đất liền. Nhà có đầy đủ tiện nghi. Vườn  trồng đủ loại muống, rền, mùng tơi, mướp, ớt, sả... và nuôi gà đủ phục vụ cuộc sống gia đình”. 

Anh Lư cho biết: “Vợ có nhiệm vụ ở nhà chăm sóc con, trồng rau, nuôi gà, còn tôi thì đi biển đánh cá. Cứ tối đi, sáng về, chồng lo cá, vợ chăm rau, cuộc sống gia đình lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm”. Nếu không chứng kiến nụ cười thỏa mãn của đôi vợ chồng trẻ, chắc ít ai tưởng tượng ra cuộc sống đáng yêu ở đảo xa này.

Lấp lánh nụ cười Trường Sa ảnh 1

Nụ cười hồn nhiên của các em bé trên đảo Trường Sa Lớn.

Nụ cười hào sảng

Tối tối, cả cán bộ chiến sĩ và người dân cùng quây quần bên ấm trà nóng, trò chuyện râm ran, những câu chuyện cười vui tưởng chừng không có hồi kết hòa vào tiếng sóng biển như bản nhạc sôi động. Những đêm giao lưu văn hóa văn nghệ, rồi cả những buổi hát karaoke, giai điệu quê hương ngân vang, những giọng hát không chuyên nhưng cũng đủ làm thổn thức cõi lòng bao người lính. Có khi nốt thăng, nốt trầm lệch nhịp hòa vào những tiếng cười rúc rích vui tai. Những nụ cười vô tư, hồn nhiên nơi đảo xa như một mạch nguồn trong mát luôn chảy trong tâm khảm mỗi người Trường Sa. 

Công việc của những người lính đảo vô cùng gian khó, thế nhưng ở họ luôn chất chứa sự lạc quan, yêu đời, nụ cười hào sảng luôn thường trực trên môi. Ở đảo Đá Lớn C, chúng tôi vô cùng thích thú với hình ảnh chiến sĩ Hoàng Hoài Việt khiêu vũ cùng chú chó Mốc. Đôi mắt chàng binh nhất biết cười và giọng nói ngọt ngào dễ thương khi huấn luyện cho đội “khuyển binh” trên đảo. Chợt thấy ống kính hướng về phía mình, nụ cười hiền hòa của chàng chiến sĩ bừng lên, xua tan đi mọi khó khăn, mệt nhọc, mọi toan tính của cuộc đời. Một nụ cười tự nhiên như hơi thở, làm rung động trái tim bao người. 

Biển Trường Sa nhiều vùng nước nông, sâu với đủ loại hải sản làm mê đắm những người thích săn cá. Hôm đó ở đảo Đá Thị, bên thềm san hô, sáu chiến sĩ giăng lưới, nước ngập ngang bụng. Bốn người còn lại dùng những chiếc bơi chèo đập mạnh xuống mặt biển phía đối diện. Nước bắn tung tóe, cá sẽ sợ, chạy và sa lưới. Lần thả lưới ấy, các chiến sĩ kéo lên được gần 30kg cá các loại, chủ yếu là cá kìm và cá bò. Tiếng vỗ tay thán phục của đoàn công tác hòa cùng những tiếng cười giòn tan vang giữa biển trời dường như xua tan mọi gian khó.

Tối hôm đó, Tàu HQ-571 thả neo gần đảo Nam Yết. Từ mạn tàu, một cụm đèn công suất khá lớn được chiếu thẳng xuống biển để tạo ngư trường. Các thành viên trong thủy thủ đoàn lục tục lôi “đồ nghề” ra săn cá. Bếp trưởng Bùi Văn Thạch cầm vợt sẵn sàng, chờ đám cá chuồn “phi thuyền mặt biển” vèo đến là vớt. Đại úy Nguyễn Văn Sỹ, Chính trị viên tàu HQ-571 là người đầu tiên câu được con cá mú nặng khoảng 10 kg. Phía trái mạn tàu, nhóm câu của Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Đoan cũng kéo lên được một chú cá ngừ khoảng 15kg. Những lời thán phục, tiếng vỗ tay của các cô gái trẻ đoàn văn công tiếp sức cho các anh tiếp tục thả mồi. Bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn lại những nụ cười và niềm tự hào về sự “giàu có” của ngư trường Trường Sa.

Nụ cười của niềm tự hào

Những nụ cười còn hiện hữu trên những trang viết đầy màu sắc Trường Sa trong “Sổ tâm tình đồng đội”- “báu vật” lưu giữ tất thảy những chuyện buồn, vui của các cán bộ, chiến sĩ từng làm nhiệm vụ trên các đảo chìm, đảo nổi.

“Những hôm mưa không thể huấn luyện, chúng ta cùng nhau chia sẻ đủ thứ chuyện trên đời. Nào là Sơn bị người yêu đòi chia tay, Hùng không biết hết nghĩa vụ về quê sẽ làm nghề gì…, rồi cả những trận cười cứng quai hàm với biệt tài kể chuyện tiếu lâm của Linh. Đảo Đá Nam thực sự là ngôi nhà thứ hai đầy ắp tình yêu thương và tiếng cười”, chiến sĩ Lê Văn Dương đảo Đá Nam viết. 

Trong “Sổ tâm tình đồng đội” của đảo Nam Yết, trang viết ngắn gọn của chiến sĩ Nguyễn Văn Hùng lại cho thấy một Trường Sa đầy thú vị: “Hàng ngày được ngắm bình minh, nghe tiếng sóng vỗ bờ. Chiều đến, những tia nắng vàng lấp lánh ánh hoàng hôn buông. Chúng ta thật hạnh phúc khi được cùng nhau buông lưới bắt cá, cả một đội hình dàn binh bố trận, người chặn đầu, người khóa đuôi, như đang đánh trận thật ấy... Khi đuổi được cá vào lưới, ai nấy đều quên hết mệt nhọc nhìn nhau cười khoái chí. Những điều tưởng chừng đơn giản ấy thật quý giá”.

Cũng vì vương vấn những nụ cười  yêu thương, tràn đầy sức sống ấy, Đại úy Ngô Thành Khoa (sinh năm 1987, quê Hà Nội), Trợ lý Phòng không trên đảo Trường Sa, từ tháng 7/2018 cho biết: “Trước đây, tôi đã từng công tác một năm ở đảo Song Tử Tây. Hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền, tâm trí tôi lúc nào cũng nhớ đến cuộc sống gian khó mà tươi vui ở Trường Sa. Thế là, tôi lại làm đơn xin ra đảo”. Đó cũng là nỗi niềm của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ khác. Trở về đất liền, những nụ cười chan chứa tình người, tình đồng chí, đồng đội lại thôi thúc họ làm đơn xin ra đảo công tác.

Qua các đảo chìm, đảo nổi, chúng tôi đã gặp rất nhiều nụ cười ấm áp, trong trẻo như thế. Đó là nụ cười hạnh phúc của người mẹ, người cha lâu ngày gặp lại thấy con đã trưởng thành; nụ cười hạnh phúc của lứa đôi tương phùng… Tất cả đều là nhờ vào nụ cười cương nghị, rắn giỏi mà tự nhiên của những người lính đảo.

Tháng rồi năm, mưa rồi nắng, những người con từ mọi miền đất nước vẫn nối nhau đến, ở lại tuyến đảo tiền tiêu, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc và để cùng nhau nở nụ cười tự hào khi nhìn về đất Mẹ.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục