Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội
Hội đồng gồm 26 thành viên là lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng; Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an; Vụ Phát triển hạ tầng đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương; Vụ Công nghệ và hạ tầng, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Sở GTVT Hà Nội; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội; Sở Xây dựng Vĩnh Phúc; Sở GTVT Hà Nam; Sở GTVT Bắc Ninh; Sở GTVT Hưng Yên; Sở GTVT Thái Nguyên và lãnh đạo một số cơ quan tham mưu của Bộ GTVT.
Hai uỷ viên phản biện của Hội đồng là ông Lê Công Thành, Tiến sỹ, Giám đốc Viện công nghiệp đường sắt - Viện Khoa học và Công nghệ GTVT; Nguyễn Văn Bính, chuyên gia, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam.
Cục Đường sắt Việt Nam được giao chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho các thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình làm việc và bảo đảm các điều kiện công tác, kinh phí hoạt động của Hội đồng theo quy định.
Tại dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất cải tạo, duy trì hoạt động 5 tuyến đường sắt hướng tâm hiện có gồm: Hà Nội – TP.HCM; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Đồng Đăng; Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội – Thái Nguyên. Chuyển đổi công năng các đoạn tuyến đường sắt quốc gia trong nội đô gồm các đoạn tuyến: Ngọc Hồi - ga Hà Nội – Yên Viên; Gia Lâm – Lạc Đạo.
Xây dựng mới 4 tuyến trên các hành lang gồm: Hà Nội – TP.HCM (đường sắt tốc độ cao); Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Lạng Sơn; Hà Nội – Quảng Ninh (trên cơ sở tuyến Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân).
Phát triển hệ thống đường sắt vành đai đi dọc theo đường bộ vành đai 4 gồm: Vành đai phía Đông kết nối từ Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng – Thạch Lỗi; vành đai phía Tây kết nối từ Ngọc Hồi - Thạch Lỗi.
Về Quy hoạch hệ thống ga lập tàu khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất quy hoạch ga Yên Viên là ga đầu mối vận tải hành khách đối với các tàu hướng Tây, Tây Bắc, Bắc (có kết nối với đường sắt đô thị tuyến số 1), quy mô khoảng 48,5ha.
Ga Yên Thường là ga đầu mối phía Bắc lập tàu hàng cho đường sắt khu vực Bắc sông Hồng gồm các tuyến đi: Lạng Sơn, Cái Lân, Thái Nguyên, đảm nhận chức năng ga lập tàu cho toàn bộ các tuyến phía Bắc, Tây Bắc, Tây, quy mô khoảng 47,5ha (đất thuộc địa phận Hà Nội khoảng 45,5ha; thuộc địa phận thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khoảng 2ha).
Ga Bắc Hồng là ga trung gian có chức năng đón gửi tàu khách, tàu hàng thông qua ga; tổng quy mô diện tích khoảng 92,8ha, trong đó diện tích ga khoảng 10ha, còn lại là diện tích đất dự trữ phát triển cơ sở hậu cần, công nghiệp đường sắt.
Ga lập tàu phía Nam được quy hoạch tại tổ hợp ga Ngọc Hồi gồm các chức năng tổ chức đón tiễn hành khách tàu đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, tổ chức xếp dỡ hàng hóa, đón gửi tàu khách, tàu hàng, tác nghiệp kỹ thuật đầu máy toa xe.
Tổng quy mô diện tích khoảng 251ha, ranh giới phạm vi bao gồm khu vực quy hoạch chi tiết ga tỷ lệ 1/500 ga Ngọc Hồi đã được phê duyệt và mở rộng về phía Tây đến đường Đại Áng, huyện Thanh Trì.
Ga lập tàu phía Đông: ga đầu mối phía Đông quy hoạch tại Lạc Đạo thuộc tỉnh Hưng Yên.
Đối với các tuyến đường sắt hiện có gồm: Hà Nội – TP.HCM; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Đồng Đăng; Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội – Thái Nguyên cơ bản giữ nguyên hướng tuyến hiện trạng, trong đó tuyến Hà Nội – Đồng Đăng nâng cấp thành đường đôi, khổ 1435mm, các tuyến còn lại là đường đơn khổ lồng 1000mm và 1435mm.
Tuyến đường sắt vành đai phía Tây xây dựng mới: điểm đầu nối ray trên tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, điểm cuối tại ga Ngọc Hồi, hướng tuyến đi dọc theo vành đai 4, chiều dài khoảng 50km.
Trên tuyến có 3 ga gồm: ga Phùng bố trí tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, quy mô khoảng 9,5ha; ga Tây Hà Nội bố trí tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, quy mô khoảng 14,2ha (xây dựng trên cao); ga Hà Đông bố trí tại xã Bích Hòa, Cự Khê, huyện Thanh Oai, quy mô khoảng 4ha.
Tuyến đường sắt vành đai phía Đông xây dựng mới: điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, điểm cuối tại Thạch Lỗi, hướng tuyến đoạn Ngọc Hồi – Lạc Đạo đi dọc theo vành đai 4, đoạn Lạc Đạo – Bắc Hồng – Thạch Lỗi đi dọc theo vành đai 3 Bắc sông Hồng.
Chiều dài tuyến khoảng 65km. Trên địa phận Hà Nội có 6 ga gồm: Ngọc Hồi; Trung Màu bố trí tại xã Phù Đổng, Ninh Hiệp, Trung Màu, huyện Gia Lâm, quy mô khoảng 5,2ha; Yên Thường, huyện Gia Lâm quy mô khoảng 47,5ha; Cổ Loa, quy mô khoảng 3,5ha; Đông Anh bố trí tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, quy mô khoảng 4,3ha; ga Bắc Hồng (ga trung gian và dự trữ đất phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp đường sắt) bố trí tại xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, quy mô khoảng 92,8ha; ga Thạch Lỗi bố trí tại thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, quy mô khoảng 4,3ha.