Thương hiệu 120 năm tuổi
Năm 1898, Nhà máy Rượu Hà Nội được thành lập tại số 94 Lò Đúc. Đây là nhà máy sản xuất rượu lớn nhất trong 5 nhà máy được Công ty Fontaine của Pháp xây dựng ở Đông Dương và được vận hành bởi người Pháp vào thời gian đó.
Sau đó, khi kháng chiến chống Pháp thành công, Nhà máy Rượu Hà Nội hoạt động với mục đích sản xuất cồn phục vụ y tế, quốc phòng và dân sinh. Đến năm 2006 thì Công ty Cồn rượu Hà Nội (Halico) chính thức hoạt động dưới hình thức cổ phần, vốn điều lệ ban đầu là 48,5 tỷ đồng.
Năm 2011, Diageo Singapore Private Limited, tập đoàn đồ uống hàng đầu thế giới đã trở thành đối tác chiến lược của Halico. Toàn bộ số cổ phần của Diageo tại Halico (tương ứng 30% vốn) do Streetcar Investment Pte Ltd (là công ty con của Diageo) đứng tên nắm giữ. Đổi lại, tổ chức này cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật về tiếp thị, bán hàng, nâng cao năng lực sản xuất cho Halico.
Đến nay, Streetcar Investment đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Halico lên 45,57%. Cổ đông lớn nhất vẫn là Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) nắm 54,29%. Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán cho thấy, đến tháng 1/2018, Halico đã có hơn 100 nhà đầu tư và đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Qua hơn 120 năm, Halico hiện vẫn là doanh nghiệp sản xuất rượu lớn nhất Việt Nam với các thương hiệu Lúa mới, Vodka Hà Nội, Bluebird… Sau 4 lần tăng vốn, vốn điều lệ của Halico đã đạt 200 tỷ đồng ở thời điểm hiện nay.
Triền miên thua lỗ, tương lai chồng chất khó khăn
Doanh thu từ bán hàng vẫn là nguồn thu chính của Halico, góp vào 122,8 tỷ đồng chiếm đến 97,72% doanh thu công ty này năm 2017, còn lại là doanh thu cho thuê kho và văn phòng.
Tuy nhiên, thị trường kinh doanh các mặt hàng đồ uống có cồn trong nước được đánh giá có tính chất cạnh tranh cao, có xu hướng ngày càng khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của Halico những năm gần đây.
Tổng doanh thu Halico năm 2017 đã giảm tới 54% kết quả đạt được năm 2016. Lợi nhuận gộp cả năm chỉ đạt mức 12,2 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh lỗ gần 85 tỷ đồng (tăng lỗ gấp 4,2 lần năm 2016), lỗ sau thuế 84,5 tỷ đồng.
Thực tế, tình trạng thua lỗ của Halico đã bắt đầu từ năm 2015. Tính đến 31/12/2017, lỗ luỹ kế của Halico đã lên tới 254,8 tỷ đồng. Qua đó, tổng giá trị tài sản đến cuối năm 2017 đã giảm gần 17% so với 2016, còn 658,3 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu cũng giảm hơn 13% còn 558,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, sản lượng sản xuất lại ngày càng giảm so với năng lực sản xuất của công ty. Nếu năm 2015, sản lượng đạt 50% công suất nhà máy thì năm 2016 và 2017, sản lượng sản xuất chỉ còn đạt lần lượt 35% và 30% công suất.
Không những vậy, năm 2017, Diageo không đàm phán được hợp đồng cung cấp với phía đối tác của công ty này nên Halico không phát sinh doanh thu từ việc sản xuất rượu gia công cho Diageo, trong khi nguồn thu này thường chiếm 22% sản lượng sản xuất của Halico, tương ứng với khoảng hơn 23% doanh thu hàng năm.
“Mặc dù các thương hiệu của công ty vẫn duy trì một chỗ đứng nhất định trên thị trường, khả năng phát triển trong tương lai của công ty vẫn còn nhiều thử thách”, lãnh đạo Halico thừa nhận.
Trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ, song theo sự chấp thuận của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tới đây 20 triệu cổ phiếu của Halico vẫn sẽ được giao dịch với mã chứng khoán HNR. Tổng giá trị chứng khoán dự kiến giao dịch đạt 200 tỷ đồng.
Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu HNR sẽ là 8/6/2018 (tức vào phiên thứ Sáu tuần này). Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên ở mức 31.900 đồng. Như vậy, với mức giá tham chiếu này, công ty “cha đẻ” của Vodka Hà Nội được định giá 638 tỷ đồng.