Lao đao vì làn sóng Covid-19 mới, nhiều nước châu Âu siết chặt hạn chế, tái phong tỏa

0:00 / 0:00
0:00
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch Covid-19 khiến các nước phải siết chặt trở lại các biện pháp kiểm soát, chủ yếu đối với những người chưa tiêm vaccine. Ngày 22/11, Áo trở thành nước Tây Âu đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Người biểu tình phản đối siết chặt hạn chế Covid-19 mới ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Getty. Người biểu tình phản đối siết chặt hạn chế Covid-19 mới ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Getty.

Việc siết chặt trở lại các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 đã dấy lên làn sóng biểu tình ở nhiều nước châu Âu.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte mô tả những người biểu tình bạo động là “những kẻ ngốc nghếch”, trong khi người đồng cấp Bỉ Alexander de Croo đã các cuộc biểu tình bạo lực là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

“Có thể đến cuối mùa đông, dù ít hay nhiều, mọi người dân ở Đức sẽ được tiêm chủng, được cứu chữa hoặc bị chết. Dù nghe có vẻ cay độc nhưng đó là thực tế”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nói rằng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn là cần thiết.

“Chúng ta đang ở trong tình hình nghiêm trọng. Những gì đang được áp dụng hiện nay là chưa đủ”, bà Merkel nói với các lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU).

Khoảng 68% người dân Đức và 66% người Áo đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp nhất trong số các nước Tây Âu. Các nước Đông Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Các bệnh viện ở Bulgaria và Romania đều rơi vào tình trạng quá tải.

Hơn 38.000 ca mới được xác nhận ở Đức trong vòng 24 giờ qua, tăng mạnh trong những tuần gần đây, khiến các giường chăm sóc tích cực (ICU) hoạt động gần hết công suất. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất tại nước này đã ban hành lệnh đóng cửa, trong đó có cả các khu chợ Giáng sinh.

Ở Áo, tỷ lệ mắc Covid-19 trong 7 ngày lên mức kỷ lục 1.110 ca trên 100.000 dân, khiến chính phủ phải yêu cầu người dân làm việc tại nhà nếu có thể, đồng thời đóng cửa các quán café, nhà hàng, quán bar, nhà hát, các cửa hàng bán đồ không thiết yếu trong ít nhất 10 ngày.

Người dân có thể ra khỏi nhà với một số lý do như tới nơi làm việc trong trường hợp bắt buộc, đi mua đồ thiết yếu. Áo cũng tuyên bố tiêm vaccine sẽ là bắt buộc từ 1/2/2022.

Cộng hòa Séc và Slovakia cũng cấm người chưa tiêm vaccine tới các cửa hàng, các cơ sở dịch vụ, các địa điểm công cộng từ ngày 22/11.

Ở Đức, một nghị sỹ đảng Dân chủ xã hội, Karl Lauterbach, kêu gọi chiến lược hộ chiếu vaccine “cực đoan”, đồng thời nói rằng “Yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine nói chung [không nên] là điều cấm kị”.

Ông Lothar Wieler, người đứng đầu viện Robert Koch của Đức cho rằng, việc bắt buộc tiêm vaccine là “biện pháp cuối cùng” nhưng cũng không loại trừ việc sử dụng đến giải pháp này. Chính phủ sắp mãn nhiệm tại Đức cũng cho biết sẽ không để quyết định lại cho chính quyền kế tiếp.

Việc áp đặt trở lại của các biện pháp hạn chế Covid-19 khắc nghiệt khiến 40.000 người xuống đường biểu tình ở Vienna, Áo ngày 20/11. Biểu tình bạo lực cũng diễn ra ở Brussels, Bỉ và nhiều nơi tại Hà Lan cuối tuần qua.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục