5 tháng, giá cổ phiếu SPI tăng 355%
SPI chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và chế biến các loại khoáng sản, đặc biệt là các sản phẩm đá khối, đá xẻ. Kết quả hoạt động của Công ty từ năm 2012 đến năm 2014 không quá nổi trội, doanh thu dao động từ hơn 7 tỷ đồng đến 12,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cao nhất chỉ hơn 600 triệu đồng; lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) dao động từ 100 - 265 đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu thấp, cao nhất trong năm 2012 là gần 0,6 lần.
Vốn điều lệ năm 2012 và 2013 của SPI là 25 tỷ đồng, tăng lên 126,15 tỷ đồng trong năm 2014, sau khi thực hiện sáp nhập. Cụ thể, SPI phát hành 10,15 triệu cổ phiếu cho các cổ đông của CTCP Môi trường Quốc Bảo, theo tỷ lệ chuyển đổi 1 cổ phiếu của DN này được nhận 3,5 cổ phiếu SPI.
Năm 2015, nhờ vay 42 tỷ đồng trong vòng 6 tháng với lãi suất 0% và sau đó tăng vốn điều lệ lên 168,15 tỷ đồng bằng cách phát hành 4,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, cũng như hoạt động kinh doanh khả quan hơn, nên Công ty đạt doanh thu 72,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt chưa đầy 1 tỷ đồng do doanh thu tài chính giảm, chi phí quản lý tăng lên 10,5 tỷ đồng (gấp 5 lần năm 2014).
Mới đây, SPI công bố kết quả kinh doanh quý I/2016, với lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 6,96 tỷ đồng, một phần là nhờ hoàn lại chi phí trích lập dự phòng tài chính do Công ty đã bù được số lỗ luỹ kế phát sinh khi sáp nhập CTCP Môi trường Quốc Bảo.
Hai phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu SPI tăng giá mạnh, trong đó phiên 17/5 tăng trần, đóng cửa tại 9.100 đồng/CP. So với đầu năm (2.000 đồng/CP), giá cổ phiếu SPI tăng 355%, thanh khoản tăng cao.
Từ cuối năm 2014, tại SPI đã có động thái bán ra cổ phần của một số cổ đông nội bộ. Trong năm 2015, Công ty có sự thay đổi nhân sự cấp cao, ông Nguyễn Đại Quyền trở thành Chủ tịch HĐQT, thay thế bà Đỗ Thị Cẩm Thùy. Từ cuối năm 2015 đến nay, cổ đông nội bộ SPI tiếp tục có động thái đăng ký mua vào, bán ra cổ phiếu.
Chẳng hạn, từ giữa tháng 11/2015 đến tháng 12/2015, ông Quyền đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu SPI, nhưng giao dịch không thành công. Trong thời gian này, ông Đoàn Quốc Khánh, thành viên HĐQT và bà Lê Thị Dung, Kế toán trưởng Công ty đăng ký bán lần lượt 2 triệu cổ phiếu và 156.600 cổ phiếu SPI. Kết quả, sau giao dịch, ông Khánh chỉ còn nắm giữ 4,18% vốn điều lệ SPI.
Từ ngày 19/4 - 18/5/2016, ông Quyền đăng ký bán 2,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 16,06% vốn tại SPI. Ngược lại, ông Khánh đăng ký mua vào đúng bằng lượng cổ phiếu ông Quyền đăng ký bán ra. Sau giao dịch này, ông Quyền không còn sở hữu cổ phần tại SPI, còn ông Khánh nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 20%.
Sau nửa tháng bán ra, ông Quyền đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu SPI, từ ngày 16/5 đến 14/6, với mục đích đầu tư.
Đáng chú ý, trong thời gian vị Chủ tịch SPI đăng ký bán 2,7 triệu cổ phiếu trước đó (đăng ký bán từ ngày 19/4 và bán thành công vào ngày 29/4), giá cổ phiếu SPI dao động từ 5.700 - 6.000 đồng/CP. Còn khi vị này đăng ký mua lại cổ phiếu, SPI xoay quanh mức 8.000 đồng/CP.
Động thái bán cổ phiếu với giá thấp và đăng ký mua lại khi giá tăng cao trong vòng chưa đầy 1 tháng của Chủ tịch HĐQT SPI đã trực tiếp tác động đến cung - cầu cổ phiếu trên sàn. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có yếu tố “làm giá” khiến cổ phiếu SPI tăng giá phi mã trong thời gian ngắn?