Lãnh đạo quỹ đối mặt với áp lực giải trình

(ĐTCK) Từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index tăng trên 40%, nhưng đa số quỹ đầu tư có hiệu quả thấp hơn, khiến áp lực đối với lãnh đạo các quỹ ngày một lớn.
Lãnh đạo quỹ đối mặt với áp lực giải trình

Dấu hỏi từ nhà đầu tư

“VN-Index được nhìn nhận giống như hàn thử biểu của thị trường chứng khoán, do đó nhiều nhà đầu tư có sự so sánh với hiệu quả hoạt động của quỹ. Điều này gây áp lực lên người làm quản lý quỹ như chúng tôi, khi hiệu quả sinh lời của quỹ có lúc thấp hơn mức tăng của chỉ số.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư tổ chức hoặc các nhà đầu tư cá nhân có thông tin đầy đủ thì họ thấu hiểu và chia sẻ hơn”, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) nói.

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán với nhiều lãnh đạo nhiều quỹ đầu tư cho thấy, năm nào cũng vậy, áp lực hiệu quả đầu tư đối với họ luôn lớn, khi được đặt trong vòng so sánh với hiệu quả đầu tư của các quỹ khác và với chỉ số chung của thị trường.

Giám đốc đầu tư một quỹ đầu tư toàn cầu, được đánh giá là có hiệu quả đầu tư vào Việt Nam cao nhất năm 2016 cũng chia sẻ, ông có áp lực phải giải trình với các nhà đầu tư, khi tăng trưởng giá trị tài sản ròng của quỹ thấp hơn mức tăng của chỉ số.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Bảo Việt cho rằng, diễn biến tăng mạnh của chỉ số như hiện nay gây khó khăn cho các quỹ trong việc chứng minh hiệu quả đầu tư của mình.

“Tuy nhiên, mỗi quỹ có chiến lược đầu tư riêng nên cần mổ xẻ các vấn đề, giải thích cho nhà đầu tư hiểu những yếu tố tác động đến chỉ số cũng như hiệu quả đầu tư của quỹ. Ngay cả các quỹ mở, với quy định giới hạn về tỷ lệ phân bổ danh mục thì cũng rất khó để đạt được hiệu quả cao vượt thị trường trong bối cảnh hiện nay”, bà Thúy nói.

Chiến lược đầu tư không đổi, nhưng chiến thuật phải theo thị trường

Theo bà Hạnh, nhà đầu tư đã quen với việc nhìn diễn biến chỉ số VN-Index để đánh giá thị trường. Trước đây có thể đúng, nhưng hiện không còn đúng nữa. Thế giới đã đánh giá dựa trên các chỉ số có điều chỉnh trọng số dựa trên thanh khoản và số lượng cổ phiếu tự do.

Ở Việt Nam, chỉ số VN-allshare đã được xây dựng, cần được tuyên truyền nhiều hơn để nhà đầu tư chuyển thói quen nhìn từ VN-Index sang VN-allshare, tránh có cái nhìn sai lệch về diễn biến thị trường.

Trên thực tế, 2017 không phải là năm đầu tiên chỉ số VN-Index tăng mạnh hơn so với diễn biến chung về giá các mã chứng khoán trên thị trường. Cuối năm 2016, một loạt quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước đã có thư gửi các nhà đầu tư để giải thích vì sao hiệu quả đầu tư của quỹ thấp hơn mức tăng của VN-Index. Năm nay, câu chuyện này có nguy cơ tái diễn với hầu hết các quỹ đầu tư.

Liệu các quỹ có thay đổi chiến lược đầu tư? Giám đốc phụ trách đầu tư của 12 công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước có quy mô quản lý tài sản từ mức 2.000 tỷ đồng trở lên mà Báo Đầu tư Chứng khoán phỏng vấn đều trả lời gần như giống nhau: “Quỹ có vòng đời dài, nên quan trọng là trong dài hạn, quỹ sinh lời cho nhà đầu tư như thế nào.

Mỗi quỹ đều có chiến lược đầu tư đã được công bố trong bản cáo bạch, nên không thể vì một diễn biến trong ngắn hạn mà thay đổi chiến lược đầu tư. Việc thay đổi, nếu có, phải trên cơ sở làm việc lại với các nhà đầu tư trước khi tổ chức họp và phải được cân nhắc kỹ”.

Về vấn đề này, bà Thúy chia sẻ thêm, để nâng hiệu quả đầu tư, Công ty sẽ thay đổi cách giao dịch cổ phiếu trong ngắn hạn, còn chiến lược thì giữ nguyên. Còn bà Hạnh cho hay, với VFM, các quỹ đầu tư nếu không giao dịch theo chỉ số thì vẫn tuân thủ nguyên tắc về cách lựa chọn và phân bổ danh mục đầu tư theo chiến lược đã định từ trước.

Áp lực giữ dòng tiền ở lại quỹ

Cùng là quỹ mở, nhưng các quỹ mở giao dịch theo chỉ số VN30, VN50 đang thể hiện lợi thế vượt trội so với các quỹ mở còn lại; so với mặt bằng các quỹ đóng thì hiệu quả đầu tư từ đầu năm đến nay còn cao hơn.

Quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) do Dragon Capital là quỹ đóng hiếm hoi đạt mức sinh lời cao trên thị trường, nhưng so với mức sinh lời của SSIAM - VNX50 và VFMVN30 thì thấp hơn nhiều, khi cả 2 quỹ này đều có tỷ suất sinh lời từ đầu năm tới nay trên 52%.

Hiệu quả sinh lời cao trong  năm 2017 khiến VFMVN30 từ chỗ có quy mô tài sản khoảng 200 tỷ đồng khi mới đi vào hoạt động năm 2014 và chỉ đạt 430 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2017, thì đến thời điểm này đã tăng quy mô lên 2.000 tỷ đồng (cuối ngày 29/11), với dòng tiền đổ vào mạnh từ các nhà đầu tư ngoại.

Từ 4 năm nay, ngành quản lý quỹ nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung trăn trở tìm giải pháp huy động vốn từ các nhà đầu tư. Trong khi các công ty quản lý quỹ đang khá vất vả với việc hút vốn từ nhà đầu tư ngoại, thì câu chuyện tăng mạnh giá trị tài sản ròng của VFMVN30 nêu trên cho thấy, yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư.

Ở thời điểm này, các quỹ đầu tư chỉ số đang “lên ngôi”. Nếu như dòng tiền chỉ tập trung vào các quỹ đầu tư chỉ số, thì có thể một ngày, ngành quản lý quỹ sẽ không còn hấp dẫn, bởi những giá trị phân tích cơ bản trong đầu tư không còn nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán toàn cầu đều tăng mạnh mà thị trường chứng khoán Việt Nam là một phần trong đó, sức ép cạnh tranh trong thu hút khách hàng giữa quỹ mở và quỹ đóng, quỹ đầu tư chỉ số với các loại hình quỹ khác… sẽ còn diễn ra gay gắt.

Với lộ trình cổ phần hóa một loạt tổng công ty nhà nước lớn, câu chuyện chỉ số VN-Index bị tác động bởi những cổ phiếu tương tự như SAB nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Nếu năm tới, chỉ số bị tác động bởi các yếu tố này thì có lẽ các quỹ đầu tư sẽ khó giải thích với các nhà đầu tư của mình. Trường hợp thị trường điều chỉnh, những quỹ đầu tư theo chỉ số dự kiến sẽ bị tác động đầu tiên.

Trong bối cảnh kịch bản nào cũng có thể xảy ra, để giữ chân khách hàng, các quỹ cũng sẽ phải đa dạng hóa sản phẩm, bao gồm cả quỹ đầu tư chỉ số và quỹ đầu tư chủ động khác. Nếu chỉ theo một cách làm, các quỹ có thể sẽ đối mặt với tình trạng nhà đầu tư dứt áo ra đi, trước khi hiệu quả đầu tư lâu dài được chứng minh.                      

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục