Thực tế, cổ đông nội bộ là người nắm rõ thông tin về doanh nghiệp, nên khi họ đăng ký bán cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư đặt ngay câu hỏi, lý do bán là gì?
Ông Nguyễn Duy Toại - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 1 triệu cổ phiếu, tương đương 3% vốn điều lệ, với mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 9/6 đến 7/7/2017 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch được thực hiện thành công, ông Toại sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu IVS.
Trước đó, người thân của ông Toại là Nguyễn Duy Thao và Lê Đức Thọ đã bán hết cổ phiếu IVS nắm giữ. Cụ thể, ông Nguyễn Duy Thao bán 479.400 cổ phiếu, tương đương 1,41% vốn điều lệ và ông Lê Đức Thọ bán 239.200 cổ phiếu, tương đương 0,7% vốn điều lệ của IVS. Ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc IVS đã bán thành công 500.000 cổ phiếu, giảm khối lượng nắm giữ xuống 1.000.000 cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu còn 2,94%.
Việc lãnh đạo chủ chốt của IVS bán ra cổ phần khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi về hướng đi của Công ty trong thời gian tới, đặc biệt là khi IVS đã thông qua chủ trương sáp nhập với Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI). Dự kiến, sau sáp nhập, quy mô vốn của IVS sẽ tăng lên khoảng 372 tỷ đồng, khi đó JSI sẽ trở thành Phòng Kinh doanh của IVS dành riêng cho thị trường Nhật Bản.
Câu chuyện tại Công ty cổ phần Bibica (BBC) cũng gây sự chú ý cho thị trường, đặc biệt là khi ông Trương Phú Chiến - Tổng giám đốc BBC, người gắn bó lâu nhất với Công ty có ý định bán 0,72% cổ phần đang nắm giữ.
Ngoài ông Chiến còn có ông Võ Ngọc Thành - thành viên Hội đồng quản trị, ông Phan Văn Thiện - Phó tổng giám đốc và ông Vũ Văn Thức - Phó giám đốc Tài chính Kế toán đăng ký bản ra cổ phiếu. Tổng số lượng đăng ký bán của các nhân sự trên tương đương 2,9% vốn điều lệ BBC.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thực phẩm Pan (Pan Food) vừa có văn bản chào mua công khai hơn 1,12 triệu cổ phần BBC, tương đương 7,27% tổng số cổ phần đang lưu hành, với mức giá 112.800 đồng/CP, nhằm mục đích đầu tư lâu dài. Nếu giao dịch thành công, Pan Food sẽ nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại BBC lên 51%.
Thực tế, Pan Food có ý định mua thêm cổ phần tại BBC từ trước, nhưng lượng cổ phiếu “trôi nổi” trên thị trường không nhiều nên muốn mua số lượng lớn là rất khó.
Như vậy, có một sự trùng hợp khi một số lãnh đạo BBC đăng ký bán ra cổ phiếu thì cổ đông lớn là Pan Food đăng ký chào mua công khai. Điều này cho thấy, Pan Food có khả năng sẽ mua lại 2,9% cổ phần BBC nêu trên, nhất là khi ông Chiến trước đó cho biết, sẽ bán cho đối tác nào có lợi cho BBC, bên cạnh nhu cầu tài chính cá nhân.
Trong một số trường hợp, sự giao dịch sôi động của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ góp phần đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh trong một thời gian ngắn. Đơn cử trường hợp tại Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HHC), giá cổ phiếu HHC tăng 70% từ mức hơn 30.000 đồng/CP lên hơn 50.000 đồng/CP trong vòng 3 tháng.
Có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần khi thị trường đang có diễn biến tích cực. Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa bán thỏa thuận 9,58 triệu cổ phiếu HSG với mức giá 32.000 đồng/CP và thu về khoảng 300 tỷ đồng.
Sau giao dịch, số lượng cổ phần ông Vũ nắm giữ là 16,7 triệu đơn vị, tương đương 8,36% vốn điều lệ. Tương tự, tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), từ ngày 13/6 đến ngày 7/7, bà Lý Thị Liên - Tổng giám đốc đăng ký bán 55.900 cổ phiếu nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Thực tế cho thấy, có nhiều lý do khiến lãnh đạo các doanh nghiệp đăng ký bán cổ phần, nhưng không phải thông tin nào cũng tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.