Số liệu của NHNN cho thấy, 9 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng gần 11% trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,04%. Huy động vốn tăng thấp hơn cùng kỳ và chênh lệch lớn với tín dụng tạo áp lực thanh khoản lớn cho hệ thống.
Theo bà Thảo, có nhiều nguyên nhân khiến thanh khoản hệ thống chịu nhiều áp lực, nhất là từ cuối quý 3/2022 và trong suốt tháng 10, Ngân hàng Nhà nước hút tiền đồng về qua kênh tín phiếu; doanh nghiệp và người dân do khó tiếp cận tín dụng (do room tín dụng hạn hẹp) phải trang trải bằng vốn tự có, giảm gửi tiền vào hệ thống ngân hàng; một số doanh nghiệp lớn phải tăng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn; một số sự việc xảy ra thị trường ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trái phiếu và tạo áp lực thanh khoản lên thị trường liên ngân hàng…
Trong bối cảnh trên, theo bà Thảo, mục tiêu hàng đầu của VPBank là bảo vệ thanh khoản. Trong thời gian này, ngân hàng liên tục củng cố, đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn về quản trị hệ thống. Kể từ cuối tháng 9/2022, khi VPBank được NHNN cấp thêm room tín dụng và lãi suất điều hành điều chỉnh tăng, VPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đảm bảo cạnh tranh về vốn.
Liên quan đến các sự việc gần đây, lãnh đạo VPBank khẳng định VPBank không có các giao dịch tín chấp hay có dư nợ nào với các ngân hàng, tập đoàn xảy ra sự cố thời gian qua (gồm cả tín dụng và TPDN). Tuy vậy, khó khăn của bất kỳ tổ chức tín dụng nào cũng khiến thanh khoản của hệ thống bị ảnh hưởng.
Việc củng cố thanh khoản của VPBank được cho là nhằm tạo sức bật tăng trưởng thời gian tới, do ngân hàng này vừa được NHNN bổ sung thêm room tăng trưởng tín dụng, cũng như chuẩn bị nguồn vốn cho kế hoạch tăng trưởng năm 2023.
Xét về vốn, VPBank là một trong những ngân hàng có tiềm lực vốn dồi dào nhất hiện nay. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của VPBank đã đạt trên 100.000 tỷ đồng, thuộc nhóm ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất hệ thống.
Từ 8/11 tới, gần 2,24 tỷ cổ phiếu trả cổ tức của VPBank về tài khoản nhà đầu tư, ngân hàng cũng sẽ hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 67.000 tỷ đồng, thành quán quân vốn điều lệ toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu an toàn vốn của VPBank cũng nằm trong top dẫn đầu cho thấy dư địa tăng trưởng là rất lớn: LDR ở mức 76% (cách xa trần 85%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 27% (yêu cầu hiện nay là 37%); Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất đạt 15.2%, nằm trong top dẫn đầu toàn ngành…
Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBaNK ĐẠT GẦN 20.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 66% kế hoạch cả năm. Mặc dù sự phục hồi của FE Credit chậm hơn dự kiến song năm nay, lợi nhuận ngân hàng mẹ VPBank có thể vượt mục tiêu đề ra, do đó lợi nhuận ngân hàng hợp nhất khả năng sẽ chạm mức mà ĐHĐCĐ thường niên đề ra.
Đáng lưu ý, dư nợ tín dụng bán lẻ của VPBank đạt gần 70% dư nợ và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, tín dụng cho vay ô tô tăng trưởng 23%, cho vay mua nhà tăng trưởng tới 39%.
Mặc dù chính sách gần đây của Chính phủ đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp song lãnh đạo VPBank tin tưởng những khó khăn của doanh nghiệp sẽ sớm được tháo gỡ, không gây ra áp lực nợ xấu. Tính tới 30/9/2022, nợ xấu của VPBank vẫn ở dưới 2%.
“Về dài hạn, với tiềm lực vốn rất lớn, chúng tôi có tham vọng tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên bảo vệ thanh khoản để nếu kịch bản xấu nhất xảy ra vẫn đảm bảo được thanh khoản cho ngân hàng và hỗ trợ tốt cho hệ thống. Riêng năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm, chúng tôi tin tưởng có thể hoàn thành đạt kế hoạch, thậm chí vượt kế hoạch cam kết với cổ đông”, bà Thảo cho biết.