Chia sẻ với chúng tôi, nhiều độc giả cho rằng mình bị lừa vì phải đóng 5,2 triệu đồng để mua gian hàng và làm hội viên Muaban24, nhưng kinh doanh không hiệu quả và khi muốn rút thì không được công ty thanh toán tiền. Ông giải thích thế nào về điều này?
Nói chúng tôi bán gian hàng và thu 5,2 triệu đồng mỗi gian là chưa hoàn toàn đúng. Chúng tôi chỉ là người tổ chức sân chơi, và thực tế là chưa thu tiền bán gian hàng. Mức thu 5,2 triệu đồng chỉ áp dụng cho những hội viên tham gia cùng công ty để hưởng đầy đủ các quyền lợi, ngoài việc mở gian hàng còn được đào tạo kỹ năng, mua sản phẩm dịch vụ ưu đãi trên Muaban24 và các doanh nghiệp liên kết, được lập văn phòng, chi nhánh và phát triển nhóm do mình quản lý.
5,2 triệu đồng này nộp trực tiếp cho người giới thiệu chứ không phải cho công ty và thực chất nó được quay vòng trong hệ thống để chia thưởng theo hình cây cho các hội viên phát triển được hội viên mới. Các khoản thưởng tính bằng điểm Đ (tiền điện tử nội bộ), giới thiệu được một hội viên mới sẽ hưởng 150Đ (tương đương 1,5 triệu), giới thiệu 2 hội viên thì được hưởng thêm cho cân cặp đó, mỗi cân cặp 32Đ. Số tiền này cứ chạy trong hệ thống và chia theo các nấc, hết thì thôi chứ không về công ty. Vì thế không thể nói công ty bán gian hàng thu tiền để rồi không trả lại cho hội viên.
Không hưởng lợi vậy tại sao công ty vẫn quy định mức phí hội viên 5,2 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các website thương mại điện tử khác, trong khi Muaban24 ra đời sau, cần cạnh tranh thu hút gian hàng?
Thực ra 5,2 triệu đồng là mức phí cao nhất dành cho hội viên hưởng đầy đủ các quyền lợi như tôi nói ở trên. Muaban24 quy định các mức phí khác nhau cho từng đối tượng tham gia. Nếu muốn vào mua hàng thôi, bạn chỉ cần đăng ký tài khoản miễn phí. Nếu muốn mở gian hàng để kinh doanh, bạn cần kích hoạt thẻ thanh toán nội bộ qua Muaban24. Mỗi chiếc thẻ này công ty thu một lần duy nhất 24 Đ (điểm điện tử nộ bộ, tương đương 240.000 đồng), tiền trừ trực tiếp trên tài khoản của thành viên và chuyển về tài khoản của công ty. Công ty chịu trách nhiệm nộp thuế với khoản thu này. Cũng với chiếc thẻ thanh toán nội bộ này, thành viên được mua hàng hóa với giá ưu đãi trên Muaban24.
Nếu thành viên có nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh, thiết lập văn phòng và mở rộng mạng lưới của mình, có thể đóng phí hội viên 5,2 triệu đồng để được hưởng các quyền lợi như tôi nói ở trên.
Mong muốn của chúng tôi là sau khi thu hút hội viên, đào tạo để họ thành thạo thương mại điện tử, biết cách quảng bá, bán hàng thì bắt đầu mới thu phí gian hàng. Tất cả các khoản chúng tôi thu thời gian qua vẫn chưa đủ bù chi, những chi phí bỏ ra mà chưa có lợi nhuận đó chúng tôi coi như một khoản đầu tư cho tương lai. Ngoài việc thu phí gian hàng trong tương lai, chúng tôi cũng kỳ vọng vào doanh thu bán hàng trực tiếp trên sàn khi mà có một lực lượng đông đảo thành viên và hội viên.
Lãnh đạo Muaban24 khẳng định số tiền 5,2 triệu đồng được chia hết cho các hội viên giới thiệu trực tiếp và gián tiếp. Ông Huy khẳng định đây không phải doanh thu chịu thuế của công ty.
Vậy phí hội viên đang chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng doanh thu của công ty suốt một năm qua, kể từ khi thành lập tới nay?
Như tôi nói, công ty chỉ thu phí thành viên một lần 240.000 đồng khi thành viên đó kích hoạt thẻ thanh toán nội bộ. Còn 5,2 triệu đồng công ty không thu. Vì thế phí thành viên chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng doanh thu 13-15 tỷ đồng suốt một năm qua. Còn lại là doanh thu bán hàng hóa trực tiếp, mà phần lớn là bán thẻ điện thoại do công ty phát hành. Thực tế công ty hơn một năm qua thu chưa đủ bù chi, nhiều chi nhánh hoạt động trong trạng thái lỗ, họ kêu nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải động viên họ.
Ông nói sao khi dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động của Muaban24, rồi Hiệp hội Thương mại điện tử cũng đình chỉ tư cách thành viên và các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra?
Từ trước khi thành lập công ty và suốt một năm hoạt động vừa qua, chúng tôi đều xin tư vấn của các văn phòng luật sư, tham vấn ý kiến các cơ quan chức năng về tính pháp lý cho hoạt động kinh doanh của mình. Trên cơ sở đó, chúng tôi thấy mình không làm những điều pháp luật cấm.
Hai yếu tố quan trọng của thương mại điện tử là lòng tin và số lượng thành viên, gian hàng. Là một công ty thương mại điện tử, chúng tôi cũng phải gây dựng lòng tin và phát triển thành viên. Nhưng do sinh sau đẻ muộn, để phát triển thành viên chúng tôi phải có cơ chế khuyến khích, bằng cách thưởng cho những người phát triển được hội viên mới, mà báo chí hay gọi là trả thưởng theo hình thức đa cấp.
Thực tế thì trước khi triển khai việc trả thưởng này, chúng tôi cũng xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước để được cấp phép, nhưng hiện mới có các quy định cho phép bán hàng hóa theo hình thức đa cấp. Còn chúng tôi cung cấp dịch vụ, và chưa có quy định nào về việc này, nên chúng tôi không thể xin đăng ký hay cấp phép được. Điều này cũng khó cho doanh nghiệp.
Nhưng thực tế việc trả thưởng này gây ra sự bất minh và khiến cho nhiều người bức xúc, chẳng lẽ công ty không biết?
Thực tế trong quá trình phát triển, mặc dù công ty quy định rất chặt chẽ với việc phát triển hội viên, đó là mỗi hội viên chỉ được phát triển một văn phòng và phải có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn để những người tham gia với mình có đầy đủ các kỹ năng, hiểu biết về thương mại điện tử, để sau này có thể kinh doanh online hiệu quả. Công ty cũng đăng tải quy định, điều kiện để tham gia và có một nguyên tắc là khi tham gia, anh phải tìm hiểu kỹ, mức nào thì miễn phí, như thế nào là thành viên, như thế nào là hội viên.
Nhưng thực tế một số người có lòng tham, chèo kéo bằng được người khác nộp tiền mà không hướng dẫn, đào tạo, gây sự phản cảm trong xã hội. Chúng tôi cũng đã xử lý vài trường hợp như vậy, nhưng quả thực cũng không kiểm soát hết được khi mà mạng lưới phát triển quá rộng, bây giờ lên tới hơn 30.000 thành viên thuộc 50 chi nhánh khắp các tỉnh thành rồi.
Liên quan tới Hiệp hội Thương mại điện tử, chúng tôi chủ động xin rút lui trước khi Hiệp hội họp và ra quyết định đình chỉ tư cách thành viên. Bởi bản thân chúng tôi cũng thấy hoạt động kinh doanh của mình không hoàn toàn giống với các thành viên khác của Hiệp hội nên xin rút.
Vậy hướng đi sắp tới của Muaban24 sẽ như thế nào, khi mà dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định thương mại điện tử cấm các hình thức môi giới, thưởng hoa hồng để lôi kéo thành viên sàn giao dịch?
Chúng tôi không làm gì luật pháp cấm, nếu có quy định như vậy chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm túc. Chúng tôi cũng sẽ không phát triển ồ ạt bằng mọi giá hệ thống mạng lưới, mà tập trung khai thác kinh doanh với hơn 30.000 thành viên hiện có.
Hiện công ty phải dùng quỹ dự phòng để tồn tại, chứ chưa có lợi nhuận. Sống được thế này là may lắm rồi.
Cuộc trao đổi giữa chúng tôi và lãnh đạo Muaban24 được thực hiện ít ngày trước khi Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành bắt 3 hội viên là Trương Đình Tuấn (Giám đốc Muaban24 chi nhánh Phú Thọ), Đặng Trung Dũng (Phó giám đốc chi nhánh) và Nguyễn Ngọc Lan (Phó giám đốc Muaban24) để điều tra hành vi trốn thuế tại chi nhánh nêu trên.
Ngày 31/7 vừa qua, Công an Phú Thọ đã cùng với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) của Bộ Công an, Công an Hà Nội khám xét khẩn cấp trụ sở chính Muaban24 tại huyện Từ Liêm (Hà Nội). Cơ quan chức năng đã thu giữ máy chủ, 11 máy tính cá nhân, 4 ổ cứng có liên quan đến giao dịch giữa Muaban24 và chi nhánh tại Phú Thọ.
Chi nhánh Phú Thọ thường xuyên tổ chức hội thảo để tuyên truyền ưu điểm của hoạt động thương mại. Tuy nhiên, theo xác minh của cơ quan chức năng, chi nhánh này lại tập trung phân tích cho các thành viên biết việc hưởng hoa hồng với tỷ lệ cao để họ sẵn sàng đứng ra lôi kéo nhiều người tham gia.
Tối 1/8, C50 tiếp tục cùng Công an Hà Nội khám xét nơi ở ông Nguyễn Văn Huy (Chủ tịch Muaban24), Lê Văn Cường (Phó chủ tịch) và Nguyễn Mạnh Hà (phụ trách công nghệ thông tin của Muaban24). Cơ quan công an cho biết đã thu nhiều tài liệu được cho là có liên quan sai phạm của doanh nghiệp này.
Ngoài hành vi trốn thuế, đại tá Nguyễn Văn Viễn, Trưởng phòng PX15 Công an tỉnh Phú Thọ cho phóng viên biết cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét những dấu hiệu lừa đảo qua mô hình kinh doanh đa cấp qua mạng của MB24. |