Theo đó, ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail đăng ký mua 200.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0,21% lên 0,47% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/4 đến 21/5.
Trái lại, nhóm quỹ liên quan tới VinaCapital vừa bán thêm 500.000 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 5,42% về còn 4,78% vốn điều lệ tại FPT Retail, giao dịch thực hiện 11/3. Như vậy, sau giao dịch, nhóm VinaCapital đã chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 3/3, nhóm quỹ VinaCapital cũng bán ra 300.000 cổ phiếu FRT, tiếp đến ngày 5/3, nhóm quỹ VinaCapital bán thêm 436.000 cổ phiếu FRT.
Bên cạnh đó, nhóm quỹ Dragon Capital cũng liên tục bán ra cổ phiếu FRT. Cụ thể, ngày 14/12/2020 bán ra 269.970 cổ phiếu FRT, ngày 16/12/2020 bán ra 1,5 triệu cổ phiếu, ngày 17/12/2020 bán ra 1,64 triệu cổ phiếu. Như vậy, kể từ ngày 17/12, nhóm Dragon Capital chỉ còn sở hữu 3,12% vốn tại FRT và chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.
Trong năm 2020, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 14.666,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,8% và 95% so với thực hiện trong năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 28,4 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 12,9% kế hoạch lợi nhuận và cách rất xa kế hoạch mà doanh nghiệp đặt ra đầu năm.
Được biết, trong năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu đạt 15.320 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 21% so với thực hiện năm 2019.
Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản giảm 18,3% về chỉ còn 5.390,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 1.829,5 tỷ đồng, chiếm 33,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.501 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.489,7 tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng tài sản.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/4, cổ phiếu FRT giảm 1.150 đồng về 28.650 đồng/cổ phiếu.