Lãnh đạo 23 nước và WHO kêu gọi lập Hiệp ước quốc tế ứng phó đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, thế giới hiện đang trong tình cảnh giống như sau Chiến tranh thế giới 2 và cần phải có những hành động cụ thể cho thế kỷ 21.

Nguyên thủ của 23 quốc gia cùng Tổ chức Y tế thế giới ngày 30/3 ra lời kêu gọi các nước trên toàn thế giới tham gia thiết lập một Hiệp ước quốc tế về ứng phó với đại dịch, với mục đích giảm thiểu thiệt hại cho nhân loại khi phải đối mặt với các đại dịch tương lai.

Lời kêu gọi của 23 nguyên thủ quốc gia cùng Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới – WHO được chính thức công bố trong ngày 30/3 nhưng đã được đăng tải trước đó trên nhiều tờ báo lớn tại châu Âu, châu Á, trong đó các lãnh đạo này cho rằng đã đến lúc thế giới phải chuẩn bị cho tương lai, dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt.

Mục đích chính của việc thiết lập một Hiệp ước quốc tế về ứng phó với đại dịch là tăng cường khả năng chống chọi của thế giới trước các đại dịch tương lai thông qua việc xây dựng một hệ thống cảnh báo, chia sẻ dữ liệu chung cũng như việc sản xuất, phân phối các loại vaccine, các loại thuốc, các phương pháp chẩn đoán và điều trị một cách phổ quát và công bằng giữa tất cả các nước.

Hiệp ước cũng nhấn mạnh sức khỏe của con người, các loài vật cũng như của cả hành tinh đều liên hệ với nhau, do đó các nước cần chia sẻ trách nhiệm, sự minh bạch và hợp tác toàn cầu.

Ý tưởng về Hiệp ước này được đưa ra đầu tiên vào tháng 11/2020 bởi Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel nhân Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Phát biểu trong chiều ngày 30/3, ông Charles Michel nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang trong tình cảnh giống như sau Chiến tranh thế giới 2 và cần phải có những hành động cụ thể cho thế kỷ 21.

“Đại dịch Covid-19 đã phơi bày những yếu kém và chia rẽ trong các xã hội chúng ta, nên giờ là lúc để toàn thể cộng đồng quốc tế xây dựng một kế hoạch phòng thủ đại dịch cho các thế hệ tương lai. Để làm điều đó, chúng ta cần phải biến các ý chí chính trị thành hành động cụ thể, giống như những gì đã làm sau những hậu quả tàn bạo của Chiến tranh thế giới 2. Ngày nay, hơn bao giờ hết, trách nhiệm của những nhà lãnh đạo là phải đảm bảo rằng sự chuẩn bị cho đại dịch cũng như hệ thống y tế toàn cầu đáp ứng được cho thế kỷ 21”, ông Charles Michel nêu rõ.

Ủng hộ ý tưởng về xây dựng Hiệp ước toàn cầu ứng phó đại dịch, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới – WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, việc xây dựng Hiệp ước này có thể được xúc tiến thông qua Đại hội đồng của Tổ chức Y tế thế giới và dựa trên các nguyên tắc căn bản của tổ chức này như nguyên tắc y tế dành cho mọi người và không phân biệt đối xử.

Hiện tại đã có 23 nguyên thủ quốc gia ký tên ủng hộ đề xuất xây dựng Hiệp ước này, trong đó có Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh, Tổng thống Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Brazil chưa cho biết có ủng hộ ý tưởng này không.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục