Làng xưa, làng nay

(ĐTCK) Chúng tôi đều quê ngoài Bắc, vào Sài Gòn lập nghiệp và định cư. Năm nào cũng cũng về quê một vài lần, nhưng mỗi năm lại thấy nét làng ngày một nhạt dần.
Làng xưa, làng nay

1. Hôm rồi, ngồi cà phê với mấy ông bạn, sau một hồi tra dư tửu hậu, quay lại chuyện quê, mọi người ai cũng trầm ngâm.

T. quê ở một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bảo, hồi trước về còn thấy làng, còn thấy bụi tre. Nay làng vẫn đó, mà như không phải là làng nữa.

Đô thị hóa hóa khiến nét làng xưa dần biến mất, nhưng đô thị chẳng ra đô thị, mà nó tạp nham. Con sông nhỏ chảy quanh làng vẫn còn đó, nhưng giờ khó có thể gọi là sông, vì mọi người thi nhau đóng cọc đổ đất lấn ra hai mép sông. Nhà thì làm chỗ để ô tô mới sắm, nhà đổ đất trồng rau. Sông đã nhỏ thêm, lại còn lều bều đủ loại rác, túi nylon.

Làng có vẻ giàu hơn xưa, khi nhiều nhà đã sắm được ô tô, nhưng đường làng thì lại bé tý, chỉ vừa chiếc xe bốn chỗ. Nhà cửa nay cũng khác, khang trang hơn, nhưng chỉ có điều, kiến trúc lai tạp, nửa Tây, nửa Tàu, lai tý Thái Lan.

Những đống rác đủ loại vương vãi khắp làng nói lên một điều rằng: So với làng xưa, làng nay có vẻ hiện đại hơn, hay chính xác là giàu hơn, nhưng cung cách tổ chức và ý thức thì lại thua xa thời xưa rất nhiều.

Hồi bạn còn bé, Trung thu đám trẻ con rước đèn ông sao đi khắp xóm, phá cỗ hoa quả, ăn bánh Thu thu. Còn nay, Trung thu trở thành dịp để người lớn tụ tập ăn nhậu, hát hò, “lai chim”. Còn trẻ con cũng có trò chơi riêng của chúng, nhưng thay vì rước đèn ông sao, múa lân, chúng lại cắm đầu vào mấy trò chơi điện tử trên điện thoại.

“Làng em vốn là vùng hiếu học, nhưng nay đã thay đổi. Nhà nhà cho con đi lao động nước ngoài, thay vì cho ăn cho học như trước”, bạn nói.

2. Quê tôi lại ở một làng thuộc tỉnh trung du phía Bắc. Trông bên ngoài làng cũng như bao làng khác ở nông thôn miền Bắc. Vẫn con đường lầy lội, mưa bùn, nắng bụi, vẫn lũy tre làng, cây đa đầu xóm. Nhưng hồn cốt làng nay đã khác.

Thanh niên làng giờ nom như thanh niên phố. Tóc xanh tóc đỏ. Vai đeo túi dẹt sành điệu, kiểu túi đựng máy tính bảng iPad, dù bên trong chẳng có thứ gì. Hóa ra, các cậu đeo theo mốt, cho giống với thanh niên thành phố.

Làng của thời internet cũng có nhiều thứ khác. Nhà nào cũng cố sắm một chiếc tivi thật lớn, nối mạng để xem “Ziu - tu - bi cả ngày”.

“Em về từ hôm qua đến nay chưa nhìn thấy thằng Cò đâu”, tôi nói với bà chị, tức là mẹ thằng Cò. Năm nay thằng cháu lên 9 tuổi, học lớp 4. “Nó vẫn ở ngoài nhà chứ có đi đâu đâu, suốt ngày lũ trẻ ngồi ôm cái tivi xem Youtube”, bà chị bảo.

Tôi có lần ngó thử xem bọn nó xem những gì. Hóa ra toàn thứ nhảm nhí: nhạc chế, giang hồ mạng, hài nhảm. Báo chí mới đây đưa tin khoảng một chục thanh niên choai choai cũng ở vùng này mang dao kiếm ra đường cao tốc chặn xe xin đểu rồi livestream trên Facebook đã bị khởi tố. Xem lại video của chúng, thấy một điều rất rõ ràng: Chúng có quá nhiều năng lượng, nhưng có quá ít hiểu biết. Thay vì dùng năng lượng vào những việc có ích, chúng quay ra phá hoại, giống như những gì chúng thu lượm được trên các trang mạng nhảm nhí.

Khai với công an, nhóm choai choai này nói, trước đó chúng nó đã uống rượu rồi rủ nhau mang hung khí tự chế lên cao tốc để chụp ảnh, sau đó bột phát nảy sinh ý định chặn xe xin tiền và một người trong nhóm quay livestream trên Facebook cá nhân.

3. Còn quê của P. ở một làng ven đô Hà Nội. Làng P. trước đây là một làng thuần nông, có nhiều ruộng so với mức bình quân của khu vực đồng bằng sông Hồng. Đó là điều kiện để làng này rơi vào tầm ngắm của các nhà kinh doanh bất động sản.

Từ đầu những năm 2000, đất nông nghiệp của hàng trăm hộ gia đình bị thu hồi để phát triển đô thị. Chung cư, biệt thự, văn phòng… dần mọc lên. Từ nông dân, nhiều người làng nay bỗng chốc trở thành tỷ phú và cũng “ly nông”.

Nhiều tiền nhưng chẳng có nghề gì, vì trước nay chỉ biết làm ruộng, các tỷ phú chuyển qua buôn bán nhỏ, kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ. Trong làng, rất nhiều thanh niên không có việc làm hoặc chỉ làm những việc lặt vặt do trình độ, kỹ năng nghề nghiệp không có. Tiền bán đất xây được căn nhà hoành tráng, mua cái xe chạy chơi, vài bữa cũng chẳng còn là bao. Xưa bán được đất thành tỷ phú, nay tiêu xài hết đành xách cái xe máy ra đầu đường làm xe ôm, chuyện đó cũng chẳng hiếm.

4. Làng ngày nay không còn như xưa nữa. Làng ngày nay có vẻ giàu có hơn, nhưng đang có rất nhiều vấn đề bức bối. Bức bối về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Nhiều hủ tục chưa mất đi, trong khi nảy sinh rất nhiều thách thức mới không hề dễ giải quyết. Nhiều vụ việc như đâm chém, án mạng, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng… xảy ra ở làng quê trong thời gian gần đây cho thấy những vấn đề lớn sau lũy tre làng.

Tôi chợt nghĩ đến thằng Cò. Nó sẽ ra sao, lớn lên sẽ trở thành người như thế nào, nếu ngày ngày chỉ nạp vào đầu những điều nhảm nhí, trong khi môi trường tự nhiên và xã hội nông thôn nơi nó sống đang ngày càng ô nhiễm?

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục