Chắc hôm nay, mẹ cũng đang run rẩy thắp hương ngoài ngõ cho ấm lòng các linh hồn lạc lối. Chắc chiều nay mẹ cũng đang mong tôi trở về. Tôi soạn sửa áo quần, máy tính, sách vở… còn chút lòng tha phương xin gửi lại phố thị giữ giùm để về với mẹ.
Mảnh hồn làng thuở nào
Tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên từ làng, ly hương lập nghiệp, đi Đông về Tây, cũng không gặp nổi địa danh nào đọc lên mà nghe thoang thoảng trong lòng mùi củi lửa nhóm bếp nấu bánh chưng như “làng”. Không địa danh nào thấy thơm thoang thoảng vị đậu xanh, thịt mỡ, dưa hành hay một vòng tay, nụ cười của yêu thương chan chứa như “làng”.
Về làng, tôi đã có lần ước mình bé lại, nhỏ xíu để cưỡi trên lưng những con cò trắng. Khi đó, tôi sẽ nhìn được trọn vẹn làng quê yên bình phía dưới, thấy hết những cánh cổng từ làng này sang làng kia. Tôi sẽ biết được Mặt Trời lặn bên kia Trái Đất có đẹp như ở mình không, mà sao những đứa bạn tôi cứ muốn tìm mọi cách sang bên ấy, đi và đi thật xa cái làng này. Chúng nó bảo, ở đây sao mà tù túng và ngột ngạt đến thế. Còn tôi, tôi lúc nào cũng thấy làng của mình thật đẹp.
Từ đằng xa, khi chiếc xe khách còn chưa thả tôi xuống con đê rẽ vào, lũy tre xanh rì và cánh cổng làng đã nhấp nhô, thấp thoáng trong gió trong sương với dòng chữ mờ đục “Làng An Thái”.
Ngày tôi còn sống ở đây với bà, lũy tre xanh luôn hiện ra như một đường biên ngăn sông cách chợ mà làng nào quanh nhà tôi cũng phải có. Ngoài việc bảo vệ và chống lại những tai họa đến từ bên ngoài, lũy tre đặc ken này còn là một thứ ranh giới thiêng liêng để thể hiện cá tính và độc lập của từng làng với nhau.
Đường vào làng tôi nhỏ hẹp giữa những ao bèo xanh và hàng râm bụt dày đặc. Mỗi khi ao đầy bùn là các cụ lại phân công mọi người đi đào lại. Làm như vậy là để người ngoài chỉ có thể vào làng bằng một lối duy nhất là thông qua bốn chiếc cổng đặt 4 phía như hình vuông.
Cổng làng tôi được xây bằng gạch cổ chỉ đủ lối cho 2 con trâu tránh nhau và thường đóng lại vào buổi tối. Làng bên cạnh nghèo hơn, nên không xây cổng mà ban đêm bịt lại bằng những rào tre cắm xuống đất. Đến giờ giới nghiêm, thanh niên làng đóng cổng thì nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ấy thế mà nhiều người vẫn sáng tạo những lối đi riêng cho mình, mà chỉ có họ biết, thỉnh thoảng tôi cũng biết nên thường trốn được bà đi chơi về khuya.
Sau cái lũy tre như thành trì vững trãi bảo vệ lâu đài ấy, những luật lệ riêng, những tôn ti trật tự trong làng, trong từng dòng họ và gia đình đều được sắp xếp có trên có dưới theo một xã hội phân bậc.
Bà tôi có lần kể, những năm trước 1940, lúa má hoa màu không được vụ, già trẻ trai gái dắt díu nhau đến làng này đông lắm. Trong mắt những người “chính cư”- là những người đã ở làng ít nhất 3 - 5 đời và có chút điền sản như nhà tôi, thì những người ngụ cư phải chịu một thân phận thấp kém.
Họ phải dựng nhà ở bên ngoài lũy tre làng mà sống. Họ không được vào đình, không được tham dự việc làng, không được hưởng ruộng công và sống bằng nghề làm thuê, rao mõ… Mà nghề rao mõ như tôi đọc trong vở Quan Âm Thị Kính, thì cả làng coi thường. Bị kinh rẻ, nhưng Mõ lại không bị ai căm ghét như quân trộm cướp hay bọn cường hào.
Phía sau những lũy tre xanh rì tuổi thơ tôi ấy là những nếp nhà ngói ba gian có cửa ở chính giữa và nhất thiết phải có ngưỡng cửa để người ra vào cúi xuống, vừa là để tránh vấp, nhưng cũng là cúi đầu trước bàn thờ gia tiên luôn được đặt trang trọng ở gian giữa.
Hàng xóm xung quanh nhà tôi nhà nào cũng có một cái ao sạch. Với người nông dân thời xưa, tiêu chuẩn của sự khá giả là có một cái ao cạnh nhà. Cái ao này tạo cho mọi gia đình vô vàn thuận lợi. Bắc một tấm ván lên, người ta có thể múc nước ao bằng gáo dừa, vo gạo thổi cơm, rửa bát giặt quần áo, nuôi cá, thả bèo….
Nước sạch nấu ăn thì họ lấy dưới giếng, nhưng không ở đâu nghĩ đến chuyện lắp một chiếc ròng rọc với dây gàu kéo, mà dùng gàu buộc đầu dây thả xuống thành giếng. Giếng của nhà tôi thành bằng đá vôi bây giờ còn giữ nguyên vết cọ sát lâu đời của dây gàu này.
Trước đây, làng tôi chỉ có chợ phiên lớn nhất họp vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Nói là lớn, nhưng so về quy mô thì nhỏ hơn cả chợ thường nông thôn bây giờ. Chợ họp ngay đầu làng, dưới gốc đa mát rượi. Vì diện tích nhỏ hẹp, nên chợ bán những thứ rất nghèo nàn, đặc biệt là chợ không bán vải. Ngày đó, người bán vải được coi là tầng lớp quý tộc trong nghề bán rong, nên họ chỉ đi từ nhà này sang nhà khác để bán.
Mỗi khi Rằm, mồng Một hay Đình có hội, tôi mới được bà cho ra chợ phiên. Bà tôi chỉ mua nải chuối, bông hoa rồi dắt tôi ra Đình. Đây là nơi thờ Thành Hoàng làng và hội họp của cả làng. Một năm làng tôi có khoảng 20 loại lễ hội khác nhau và thờ nhiều vị thần. Còn muốn lên chùa, tôi phải ra khỏi làng và được sự cho phép của cha, vì chùa nằm ở tận con đê nối giữa hai làng.
Trăn trở nét văn hóa làng xưa
Bà tôi mất. Tôi lên thành phố lập nghiệp rồi ở lại luôn. Quê hương chỉ còn cha mẹ tôi lụm cụm mỗi ngày vun vén. Ở chung cư thành phố đã gần chục năm, nhưng mỗi lần Tết đến, Xuân về, tôi lại thấy làng tôi và cả thành phố của tôi sao mà mong manh quá.
Phố giữa quê và quê ở giữa phố. Xây nhà cao tầng rồi mà vẫn không quên được giàn trầu. Nếp nhà ba gian vẫn không quên xây thêm cái nhà tắm xi măng bên cạnh. Những chiếc cổng làng trong tre - những chiếc cổng cổ tích ngày nhỏ chúng tôi vẫn cùng nhau nô đùa giờ đã được thay bằng chiếc cổng sắt lớn theo phong cách châu Âu hiện đại.
Những chiếc cổng nhìn thấy mẹ tôi ngả nón mỗi trưa Hè về qua, nhìn thấy cha tôi vác cày đi làm đồng vẫn cố nán lại nói dăm ba câu chuyện phiếm, nhìn thấy bà tôi tiễn chú ra trận rồi mòn mỏi đợi con trở về, nay chỉ còn lại trong ký ức, trong những câu thơ hoài niệm.
Mặc dù văn hóa làng là bản sắc, là một hằng số của văn hóa Việt Nam, nhưng theo thời gian, không có cái gì là không thể biến đổi. Có những con đường bê tông kiên cố, có những nhà máy xí nghiệp xây mới, có cổng làng xi măng dưới bóng đa... xuất hiện. Nhưng tôi vẫn tin, đó không chỉ mơ ước của riêng tôi mà của cả dân làng tôi.
Thỉnh thoảng lại có nhà nghiên cứu ở đâu làm dự án bảo tồn không gian và cảnh quan làng truyền thống với lý do để hạn chế và né tránh sự phát triển và đô thị hóa của làng.
Thế thì hội nhập và toàn cầu hóa là tốt hay xấu với làng của tôi. Mà mọi người thi nhau đến quy hoạch xây cất rồi bảo tồn. Cái ranh giới giữa làng và phố, giữa truyền thống và hiện đại mong manh lắm. Nếu không cẩn thận, rất dễ bị hiểu nhầm rồi quy chụp cho làng xã là dễ dãi trước hội nhập rồi làm hỏng hết lệ làng, phép vua. Đôi khi, khó mang lệ làng tôi ra tranh cãi với quốc tế về giá trị chung của nhân loại như dân chủ, tự do và quyền con người.
Nhưng giờ đã là thế kỷ 21 rồi, làng tôi không thể cứ ra sức ngăn cản dấu chân của người khổng lồ là đô thị hóa. Không thể ôm khư khư những gì đang có, nhưng cũng không thể mở toang cửa cho cái gì muốn vào thì vào.
Làng mới phải là một làng hiện đại, nhưng mang bản sắc văn hóa Việt để các giá trị văn hóa và“linh hồn” của làng quê Việt Nam tỏa sáng trong thời đại mới. Bảo tồn ở đây cần được hiểu là bảo vệ sự tồn tại của cảnh quan, không gian, giữ cho nó không mất đi, chứ không phải “bảo tàng hóa” làm đóng băng một ngôi làng và những hoạt động sống.
Quan trọng nhất là giữ được sự cân bằng giữa đô thị và nông thôn, giữa truyền thống và hiện đại để chủ động hòa nhập với cuộc sống mới một cách tích cực. Để cả những người xa quê đã lâu như tôi vẫn luôn gìn giữ được nét đẹp truyền thống, giữ được nếp sống muôn đời của tổ tông.
Bài viết ngắn ngủi, tôi xin không bàn nhiều về khía cạnh này. Nhưng có lẽ, các bạn cũng như tôi, đã thấy Đông chạy về đoạn cuối rồi và cái Tết rình rập trong ngày nắng mỏng manh. Quê lại hiện ra như một dích réo gọi, bởi thế ngồi giữa thành phố mà cũng canh cánh trong lòng nhiều nỗi băn khoăn.
Sao không về cho được khi đào đã chọn xong cành mà bung sắc, nhang trầm mẹ thắp trên ban thờ đã tỏa hương bay trong nhịp mõ cầu kinh. Những cánh chim di cư đang quay đầu trở về trong mùa Xuân ấm áp. Ừ thì thôi, tôi về.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com