Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp - Bài 2: Tiền tỷ vùi cát đá, “đất vàng” hóa bùn

0:00 / 0:00
0:00
Lãng phí quỹ đất tại hàng loạt khu công nghiệp tại TP.HCM khiến hàng ngàn tỷ đồng đã bỏ ra chôn vùi trong cát đá, đi kèm theo đó là hạ tầng phục vụ chuyên gia cũng tê liệt.
Một góc KCN Tân Bình. Ảnh: Lê Toàn Một góc KCN Tân Bình. Ảnh: Lê Toàn

Bài 2: Tiền tỷ vùi cát đá, “đất vàng” hóa bùn

Hàng loạt khu công nghiệp (KCN) ở TP.HCM đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng trọn ô đất quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng chưa được ký hợp đồng thuê đất, khiến chủ đầu tư chưa thể đầu tư hạ tầng và kêu gọi đầu tư. Điều này không chỉ gây lãng phí đất đai, mà còn khiến ngàn tỷ đồng mà doanh nghiệp đã bỏ ra “chưa thấy đường về”.

Xong bồi thường, hạ tầng vẫn phải bỏ không

KCN cơ khí ô tô Hòa Phú (huyện Củ Chi TP.HCM) do Công ty cổ phần Hòa Phú làm chủ đầu tư có tổng diện tích khoảng 100 ha, tổng vốn xây dựng hạ tầng hơn 500 tỷ đồng. KCN này tập trung vào các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ ngành ô tô trong nước như sản xuất các phụ tùng, linh kiện ô tô, sửa chữa, lắp ráp phương tiện vận chuyển, cũng như thiết kế và chế tạo phương tiện cơ khí và kết nối, chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô của một số nước tiên tiến trên thế giới với doanh nghiệp ô tô trong nước.

Việc hình thành KCN là thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô của đất nước và chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của TP.HCM.

Vào tháng 4/2010 (giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng), UBND TP.HCM có Công văn số 1811/UBND-ĐTMT về giao đất theo tiến độ bồi thường của Dự án, trong đó chấp thuận chủ trương về giao đất, cho thuê đất cho Công ty cổ phần Hòa Phú đối với phần diện tích đã thực hiện xong việc bồi thường trọn ô đất quy hoạch đã được phê duyệt và dự án có hạ tầng.

Tuân thủ văn bản về giao đất theo tiến độ, năm 2015, Công ty cổ phần Hòa Phú đã ký được Hợp đồng thuê đất số 1296/HĐ-TNMT- QLSDĐ ngày 5/3/2015 với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM với diện tích 37 ha đợt 1.

Tới năm 2020, khi hoàn tất hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 60 ha và đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh trên 65%, sẵn sàng cho các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, ngày 4/9, Công ty cổ phần Hòa Phú có Văn bản số 335/CV-HP tiếp tục đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giao đất, cho thuê đất đợt 2. Tuy nhiên, điều khó hiểu là tới giờ này, cơ quan chức năng lại “im hơi lặng tiếng”, khiến phần diện tích hơn 60 ha chỉ còn chờ “đại bàng về làm tổ” vẫn để hoang phí.

Tương tự, KCN Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư có tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 300 ha, chú trọng đến 4 ngành công nghiệp mũi nhọn của Thành phố là điện - điện tử - tin học, thực phẩm, cơ khí và hóa, dược. Chủ đầu tư KCN này cũng lâm cảnh “mỏi mòn chờ hồi âm”, dù cùng được nhận chủ trương của UBND TP.HCM “giao đất, cho thuê đất đối với phần diện tích đã thực hiện xong việc bồi thường trọn ô đất quy hoạch đã được phê duyệt” như KCN Cơ khí ô tô Hòa Phú.

Cụ thể, năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đã ký được Hợp đồng thuê đất số 10102/HĐ-TNMT-QLSDĐ ngày 29/9/2017 với Sở Tài nguyên và Môi trường với diện tích 202,22 ha. Thế nhưng, sang năm 2018, khi chủ đầu tư KCN có Văn bản 1965/SVI-LMX3 ngày 5/9/2018 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xin giao đất bổ sung đối với diện tích 14,48 ha đã hoàn thành bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất cho dự án, thì câu trả lời rơi vào im lặng.

Tới cuối năm 2020, Ban Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM (Hepza) đã gửi Công văn số 3012/BQL-K.HTH ngày 2/12/2020 kiến nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường xem xét, ký hợp đồng thuê đất cho diện tích đã hoàn thành công tác bồi thường với KCN Lê Minh Xuân 3 để KCN triển khai xây dựng hạ tầng, có quỹ đất thu hút đầu tư. Ngày 23/3/2021, Hepza lại có Văn bản 694/BQL-KHTH kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp ký hợp đồng.

Cần lưu ý rằng, ở cả 2 KCN Cơ khí ô tô Hòa Phú và KCN Lê Minh Xuân 3, trước đây, chính Sờ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1884/TNMT - QHSDĐ ngày 5/4/2010 đề xuất tham mưu giao đất, thuê đất theo tiến độ đã bồi thường trọn ô đất quy hoạch, đã có hạ tầng và được UBND TP.HCM chấp thuận tại Công văn số 1811 /UBND-DTMT ngày 24/4/2010.

Theo Hepza, việc các KCN đã hoàn thành yêu cầu của cơ quan chức năng chưa được ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước, nên chưa thể kêu gọi đầu tư là một sự lãng phí về đất đai. Đó là chưa nói, tiền “túi” của chủ đầu tư chôn xuống cùng hạ tầng vẫn chưa “tìm đường quay về”. Điều này không chỉ làm mất đi nguồn thu của doanh nghiệp và Nhà nước, mà mất đi cả cơ hội đầu tư kinh doanh vốn hiếm hoi thời đại dịch Covid-19.

Hạ tầng phục vụ chuyên gia KCN cũng tê liệt

Theo Hepza, tại một số KCN, khu dân cư liền kề KCN còn vướng thủ tục pháp lý, dẫn đến công ty phát triển hạ tầng KCN không thể triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao nền tái định cư và chưa xây dựng các dịch vụ tiện ích, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia làm việc tại KCN.

Câu chuyện điển hình xảy ra ở Khu tái định cư - nhà ở công nhân - chuyên gia và dân cư liền kề phục vụ KCN Lê Minh Xuân 3 có quy mô hơn 75 ha. Năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đã được UBND TP.HCM chấp thuận làm chủ đầu tư dự án này tại Quyết định số 2025/QD-UBND ngày 26/4/2017. Công ty đã thực hiện thủ tục ký quỹ bảo đảm thực hiện Dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngày 4/1/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 107/SKHĐT-ĐKĐT chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết thủ tục giao đất. Tuy nhiên, đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG vẫn chưa được bàn giao khu đất trên.

Tương tự, Dự án Khu dân cư - Tái định cư Vĩnh Lộc A phục vụ nhu cầu hoán đổi đất, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất để thực hiện dự án KCN Vĩnh Lộc mở rộng và KCN Vĩnh Lộc 3. Ngày 28/4/2006, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1979/QĐ-UBND về việc thu hồi đất đề bồi thường giải phóng mặt bằng để chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án này. Tới ngày 22/9/2011, UBND TP.HCM có Công văn số 4735/UBND-ĐTMT về chấp thuận đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ trong Dự án.

Oái oăm là, khi chủ đầu tư (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của một số hộ dân có nhu cầu giao đất diện tích hơn 10 ha, đạt tỷ lệ 24,48% diện tích bồi thường, thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án phải dừng thực hiện.

Nguyên nhân là ngày 27/6/2013, UBND TP.HCM ra Quyết định số 3411/QD-UBND chấm dứt hiệu lực thực hiện Quyết định số 1979/QĐ-UBND về việc thu hồi hơn 435.000 m2 đất tại xã Vĩnh Lộc A để bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị giao đất cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn đầu tư xây dựng Khu dân cư và tái định cư Vĩnh Lộc A.

Kết cục, việc thực hiện tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất để triển khai thực hiện Dự án KCN Vĩnh Lộc mở rộng và KCN Vĩnh Lộc 3 rất khó khăn.

Chờ và… tiếp tục chờ

Tại Dự án Khu dân cư phục vụ KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) và Dự án Khu nhà ở - xã hội phục vụ KCN Tây Bắc Củ Chi, công ty phát triển hạ tầng KCN Tân Phú Trung và KCN Tây Bắc Củ Chi đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 100% đất. Còn tại Dự án dân cư phục vụ KCN Đông Nam, chủ đầu tư cũng đã bồi thường được 50,77 ha/diện tích 55,77 ha khu dân cư, đạt hơn 90%.

Dù đã thực hiện bồi thường gần hết, nhưng chủ đầu tư lại vướng quy định phải đấu thầu dự án trên đất. Hepza cho hay, tháng 4/2019, đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho phép chủ đầu tư dự án KCN đồng thời là chủ đầu tư dự án khu dân cư liền kề mà không thông qua đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội phục vụ KCN.

Sau đó, Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo số 283/TB-VP ngày 21/5/2019 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Xây dựng, Hepza, UBND huyện Củ Chi và đơn vị chức năng tham mưu. Tới tháng 3/2020, Hepza gửi tiếp Công văn số 712/BQL - KHTH tới UBND TP.HCM “kêu cứu” cho chủ đầu tư và đề nghị chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu vấn đề.

Ngày 26/3/2020, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản 204/TB-VP thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND Thành phố, ông Lê Thanh Liêm, giao Sở Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của Hepza.

Bốn tháng sau, cơ quan chức năng “bật ngửa” khi ngày 23/7/2020, Sở Xây dựng trả lời tại Công văn số 8388/SXD-PTĐT rằng, từ tháng 5/2020, Sở Xây dựng đã có Công văn số 5290/SXD - PTĐT ngày 20/5/2020 báo cáo UBND TP.HCM về hoàn thiện quy trình dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở mới có văn bản hướng dẫn thực hiện theo quy định.

Các trả lời trên cho thấy, văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng TP.HCM cứ “chạy lòng vòng” khiến tới giờ này, các dự án phục vụ KCN nêu trên vẫn dậm chân tại chỗ.

Lãng phí quỹ đất tại hàng loạt KCN

Theo Hepza, việc nhiều KCN đang hoạt động nhưng chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến đất xây dựng xí nghiệp công nghiệp chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch, đầu tư hạ tầng không đồng bộ, kéo dài thời gian triển khai dự án. Mặt khác, việc chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng khiến chủ đầu tư hạ tầng các KCN không thể thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai cả cho phần diện tích đã hoàn tất giải tỏa, nên chưa thể tiếp nhận các dự đầu tư vào khu vực đất này, gây lãng phí quỹ đất.

Các KCN gặp cản trở trên gồm: KCN Cơ khí ô tô Hòa Phú: 2,32 ha; KCN Đông Nam 1,56 ha; KCN Tân Phú Trung: 34,06 ha; một phần KCN Vĩnh Lộc: 0,68 ha; KCN Lê Minh Xuân 3: 11,74 ha; KCN Lê Minh Xuân: 6,91 ha; KCN Tân Tạo: 5,03 ha; một phần KCN Vinh Lộc: 8,99 ha; KCN Tân Bình 0,29ha; KCN Cát Lái: 5,95 ha; KCN Hiệp Phước 40,42 ha; một phần KCN Vĩnh Lộc: 3,06 ha.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục