Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Nhân An (Công ty Nhân An) từng được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao cho 15.000 m2 đất để xây dựng bệnh viện.
Năm 2013, Công ty nhận được quyết định về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất. Công ty đã khởi kiện hành chính đề nghị hủy quyết định này, nhưng không thành.
Bất lực trước cảnh dự án bị thu hồi, lãnh đạo Công ty Nhân An tìm cách cứu vãn tình thế bằng cách ký thỏa thuận, chuyển giao công ty cho người khác đứng tên để tiếp tục “đáo tụng đình”. Kết quả là dự án vẫn bị thu hồi, còn vị Chủ tịch phải khởi kiện để lấy lại chức danh.
Theo vụ việc, ông Tạ Duy M. tham gia vào Công ty Nhân An từ năm 2014 khi mua lại phần vốn góp của các cổ đông khác.
Tháng 8/2016, Công ty Nhân An thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 4 ghi nhận ông M. sở hữu 93,33% vốn góp, giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Vào cuối năm 2018, ông M. có quen với ông Lương Thanh T. và được vị này cam đoan có thể xin phục hồi lại dự án xây dựng bệnh viện. Để có tư cách khởi kiện thì ông T. phải được đứng tên Chủ tịch Công ty Nhân An.
Do tin tưởng nên ngày 24/7/2016, ông M. chấp thuận ký hợp đồng chuyển nhượng quyền góp vốn, góp bù và hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty.
Để hợp thức hóa, hai bên ký giấy giao nhận tiền thể hiện ông M. đã nhận số tiền 100 triệu đồng từ ông T..
Tuy nhiên, trong biên bản thỏa thuận bàn giao ghi rõ: “Bên A và bên B chỉ hợp thức hóa các văn bản để làm thủ tục thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh. Bên A không nhận bất cứ khoản tiền nào của bên B”.
Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển giao, ngày 16/9/2016, Công ty Nhân An thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh lần thứ 5, trong đó thể hiện ông T. là Chủ tịch Công ty. Ngày 24/10/2016, ông M. bàn giao dấu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài liệu liên quan.
Theo thỏa thuận, ông T. làm đơn đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm bản án hành chính, nhưng không đạt được kết quả.
Sau đó, ông M. nhiều lần yêu cầu ông T. làm các thủ tục trả lại tư cách Chủ tịch, con dấu và tài liệu công ty, nhưng ông T. né tránh, buộc ông M. phải khởi kiện ra tòa án.
Sau các cấp sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án đều nhận thấy, cả hai hợp đồng chuyển nhượng quyền góp vốn và phần vốn góp chỉ nhằm hợp thức hóa giấy tờ để ông T. có tư cách đại diện cho Công ty Nhân An gửi đơn kiện nhằm khôi phục lại dự án.
Những người làm chứng cũng xác nhận ông M. không nhận tiền từ ông T.. Đây là giao dịch xác lập giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác (có thể có thù lao).
Trên thực tế, ông M. trình bày, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi dự án trên và giao cho Công ty TNHH Bic C xây dựng siêu thị.
Đơn vị mới đã xây xong phần móng. Điều này thể hiện ông T. không thể thực hiện được yêu cầu đã thỏa thuận trước đó. Vì vậy, mới đây tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên bố 2 hợp đồng này vô hiệu. Ông M. được nhận lại con dấu và tài liệu công ty.
Trường hợp bị thất lạc hoặc ông T. cố tình không trả lại thì ông M. có quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền xin cấp, sao lục lại các tài liệu, giấy tờ này theo đúng quy định của pháp luật.
Kết quả trên phần nào thể hiện đúng ý chí của các bên, song vụ kiện có thể chưa dừng lại. Ông Lương Thanh T. cho rằng, giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực.
Thực tế, để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền góp vốn, góp bù thì ngày 24/7/2019, ông T. đã chuyển số tiền 7,1 tỷ đồng vào Công ty Nhân An để phục hồi dự án.
Ông T. cho rằng, tòa án không xem xét số tiền này là ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.
Tòa án nhận định, yêu cầu này phát sinh từ sau khi xét xử sơ thẩm nên cấp phúc thẩm không có thẩm quyền xem xét.
Mặt khác, hợp đồng thể hiện “ông T. có trách nhiệm xin phục hồi dự án, mọi chi phí phải chịu”. Ông T. không thực hiện theo cam kết nên chi phí bỏ ra (nếu có) thì phải tự chịu.
Tòa án cũng cho rằng, ông T. giữ chức danh Chủ tịch nên các phiếu thu - nộp tiền, ông T. ký tên đóng dấu giám đốc và các “giấy báo có” của ngân hàng là chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm của Công ty Nhân An đối với ông T.
Nếu có khoản góp vốn mà ông T. chưa rút ra thì có thể khởi kiện bằng vụ án khác.