Landmark Holding (LMH) “rơi tõm” 25 phiên sàn: Chiến lược mới tạo bẫy giá cổ phiếu?

(ĐTCK) Việc CTCP Landmark Holding (MCK: LMH) báo lỗ quý IV/2019 khiến giá cổ phiếu giảm sàn 25 phiên liên tục. Các tác động tiêu cực trong ngắn hạn khi LMH chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh đã không được dự báo trước, tạo ra bẫy giá cho nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào LMH. 
Landmark Holding (LMH) “rơi tõm” 25 phiên sàn: Chiến lược mới tạo bẫy giá cổ phiếu?

Chiến lược mới tác động tiêu cực

Lên sàn vào ngày 12/10/2018, LMH được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh hóa chất như Naphtha, Solmix, Ethanol… và kinh doanh xăng dầu khi là đối tác của PV Oil, Petrolimex và kinh doanh bất động sản.

Đến tháng 2/2019, thanh khoản của LMH sôi động hơn khi Công ty này công bố kế hoạch năm mới 2019 với việc “chuẩn bị cho bước đi táo bạo hơn lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản”, hai lĩnh vực rất hợp với xu thế.

Giá cổ phiếu LMH bắt đầu tăng từ dưới mệnh giá lên 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu và bước sang quý II/2019 tăng mạnh lên 15.000 đồng/cổ phiếu.

Tích luỹ ở mặt bằng giá này trong suốt quý III/2019, mã LMH bắt đầu điều chỉnh sau khi Công ty chia cổ phiếu tỷ lệ 10:1.

Điều bất ngờ là cuối tháng 12/2019, mã LMH giảm mạnh từ 12.000 đồng/cổ phiếu về chỉ còn 2.000 đồng/cổ phiếu, trước khi hồi lại trong tuần trước.

Quý III/2019 chỉ lãi 2,9 tỷ đồng so với con số 9,9 tỷ đồng cùng kỳ do LMH giảm dần kinh doanh xăng dầu và sẽ ngưng kinh doanh để đủ điều kiện nới room, đồng thời kinh doanh dung môi giá cả biến động phải lựa chọn thời điểm chốt giá nên doanh thu giảm trong khi chưa có doanh thu từ bất động sản phát sinh.

Theo giải trình của LMH thì lợi nhuận giảm do công ty mẹ từng bước thay đổi chiến lược kinh doanh và kinh doanh xăng dầu biến động khó dự báo.

Trong quý IV/2019, LMH công bố lỗ 4,2 tỷ đồng cũng với những lý do trên. Khi thông tin lỗ quý IV rò rỉ ra thị trường, giá cổ phiếu này liền bước vào giai đoạn “rơi tõm”.

Đáng nói là trong báo cáo thường niên phát hành trước Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2019, LMH chưa nói đến chiến lược dừng hẳn kinh doanh xăng dầu.

Biên bản họp Đại hội không thấy về nội dung này, nên không rõ việc dừng kinh doanh xăng dầu có được bàn tại Đại hội hay không. Đến ngày 10/10/2019 khi công bố tài liệu xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản, Công ty mới đề cập đến việc loại bỏ hoặc điều chỉnh một số ngành nghề kinh doanh bị giới hạn sở hữu nước ngoài để nới room từ 0 lên 100%.

Thực tế thì LMH đã giảm dần kinh doanh xăng dầu trước khi cổ đông thông qua việc này, thể hiện ở kết quả kinh doanh quý III/2019 như đã giải trình.

Việc giảm kinh doanh xăng dầu dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong bối cảnh mảng kinh doanh bất động sản chưa có nguồn thu, đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhà đầu tư đã không tiên lượng trước được tác động này nên việc LMH thay đổi chiến lược đã tạo một bẫy giá trước khi mang đến lợi ích mới cho cổ đông.

Chưa kể các yếu tố tâm lý khác như đầu tháng 12, một số thành viên Hội đồng quản trị LMH là ông Trương Hoàng Vũ, Bùi Thế Linh cùng Trưởng ban Kiểm soát là bà Bùi Thị Luyến đồng loạt đăng ký mua vào tăng sở hữu giúp giá cổ phiếu ổn định được một số phiên trước lao dốc vì thông tin lỗ trong quý IV xuất hiện đầu tháng 1.

Thực tế, các cổ đông này đã không mua vào hoặc mua không đáng kể với lý do diễn biến giá thị trường không phù hợp.

Lao dốc không chỉ vì lỗ

Lỗ 4 tỷ đồng quý IV/2019 khiến lợi nhuận cả năm của LMH - Công ty có vốn điều lệ 256 tỷ đồng chỉ còn 2,7 tỷ đồng. Nhưng hiệu quả kinh doanh yếu kém có phải là toàn bộ nguyên nhân khiến giá cổ phiếu này lao dốc không phanh, mất 80% giá trị trong 1 tháng?

Trong quá trình LMH giảm giá, ngày 5/2/2020, Chủ tịch và Tổng giám đốc của LMH đều bị bán giải chấp lần lượt 100.000 cổ phiếu và 248.200 cổ phiếu, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 5% về 4,61% và từ 1,64% về 0,67%. Ngày 5/2, giá LMH ở mức hơn 3.000 đồng/cổ phiếu. Điều đó cho thấy, giải chấp không phải là lý do giá LMH giảm mạnh gần 1 tháng trước đó.

Một điểm đáng lưu ý là so với quý III, sang quý IV, tài sản doanh nghiệp bốc hơi 282,1 tỷ đồng, tương ứng với khoản phải thu giảm 261,2 tỷ đồng, doanh nghiệp không có thuyết minh cụ thể gì về sự giảm xuống tài sản mặc dù khoản phải thu giảm, tiền và doanh thu vẫn tiếp tục giảm mạnh. Điều này đặt ra sự hoài nghi về chất lượng tài sản trong báo cáo của doanh nghiệp.

Nhìn lại quá trình tăng vốn trước khi lên sàn của LMH cho thấy, năm 2017 doanh nghiệp tăng nguồn vốn từ 361,5 tỷ đồng lên 707,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tăng vốn góp chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng lên 233 tỷ đồng (tăng 203 tỷ đồng) và 128 tỷ đồng tăng từ nợ phải trả. 

Tuy nhiên, đối ứng với sự tăng lên này là sự tăng lên của khoản phải thu 222,2 tỷ đồng, tăng lên của tồn kho 87,1 tỷ đồng và đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng thêm 112 tỷ đồng.

Có thể thấy, mặc dù LMH tăng vốn, nhưng dòng tiền chủ yếu chảy vào tài sản khó kiểm soát và chất lượng tài sản đặt ra những hoài nghi nhất định.

Trong thuyết minh năm 2017, phần về khoản phải thu khách hàng 142,8 tỷ đồng, xuất hiện nhiều cái tên như CTCP Ba Đình Holding 22,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Xăng dầu Đại Dương Xanh 15,9 tỷ đồng…

Cùng với đó là khoản phải thu khác lên tới 88,8 tỷ đồng, trong đó có ông Nguyễn Thanh Tùng 28,6 tỷ đồng, CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình 50,2 tỷ đồng… Kể từ năm 2017 tới nay, tỷ trọng các tài sản khó kiểm soát như tồn kho và khoản phải thu tại Công ty không suy giảm.

Nhìn về tương lai, định hướng của LMH là tập trung vào kinh doanh năng lượng tái tạo và bất động sản. Trong năm 2018, tổng doanh thu 3.014,8 tỷ đồng, doanh thu bán hàng là 2.945,7 tỷ đồng, chiếm 97,7%, doanh thu từ bất động sản và xây dựng 68 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3%.

Năm 2019, Công ty chưa công bố cơ cấu doanh thu từng mảng. Nhìn kỹ vào báo cáo tài chính quý IV/2019 có thể thấy, mặc dù tổng tài sản là 575,9 tỷ đồng, nhưng đa phần là tồn kho và khoản phải thu, tồn kho trị giá 126,9 tỷ đồng, chiếm 22% tổng tài sản và khoản phải thu 328,4 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tồn kho có 69,8 tỷ đồng chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang, 31,6 tỷ đồng hàng hóa, 25,5 tỷ đồng hàng hóa bất động sản.

Trong khi đó, khoản phải thu từ khách hàng 207 tỷ đồng, trong đó có của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Eastern Tiger 50,7 tỷ đồng, CTCP Ecopetro 10 tỷ đồng và khách hàng khác 146,7 tỷ đồng.

Landmark Holding (LMH) “rơi tõm” 25 phiên sàn: Chiến lược mới tạo bẫy giá cổ phiếu? ảnh 1

Danh mục bất động sản của LMH hiện nay chủ yếu là mua thứ cấp như dự án Imperia Garden, Manhattan Tower.

Doanh nghiệp chưa có dự án nào thực sự triển khai để khẳng định uy tín thương hiệu, chưa kể thị trường bất động sản dự báo là khó khăn trong khâu hoàn thành thủ tục pháp lý.

Trong khi đó, tình hình tài chính của LMH tính tới quý IV/2019 chỉ có 25,8 tỷ đồng tiền mặt, tỷ nợ vay trên tổng nguồn vốn chiếm 29,7%.

LMH nếu muốn thực hiện dự án phải huy động vốn từ bên ngoài. Đây là một thách thức cho chiến lược phát triển mới của doanh nghiệp ở cả mảng bất động sản và năng lượng tái tạo, nhất là trong bối cảnh giá cổ phiếu lao không phanh như hiện nay.

Vũ Duy Bắc - Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,215.68 -0.93 -0.08% 303,258 tỷ
HNX 228.83 -0.88 -0.39% 2,702 tỷ
UPCOM 88.63 -0.35 -0.39% 724 tỷ