Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) vừa ký ban hành kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 với thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài.”
Lan tỏa những thông điệp hy vọng
Một trong những yêu cầu Tiểu ban Truyền thông đưa ra trong kế hoạch truyền thông cho các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch là tập trung làm rõ các thông điệp, quan điểm: Không thể trông chờ một kết quả là loại bỏ hoàn toàn được virus ra khỏi cộng đồng rồi mới cho cuộc sống trở lại bình thường.
Cụ thể: “Chống dịch thành công là bảo vệ được mạng sống của nhân dân và bảo vệ được hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, đi lại, bảo vệ nền kinh tế. Cuộc chiến chống dịch còn lâu dài, nhưng cần có giải pháp, tiêu chí và những ưu tiên mới để nhân dân cả nước có thể bình tĩnh sống và cùng chống dịch, không cầu toàn, không nóng vội.”
Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí cần phản ánh thực tế về sự lạc quan và niềm hy vọng có thể bình tĩnh sống và đối phó lâu dài với dịch bệnh.
Đó là hy vọng và thực tiễn chữa khỏi bệnh khi F0 được chăm sóc đúng cách và sớm ngay tại cộng đồng, gia đình (nhờ mô hình “túi thuốc an sinh”).
Đó là hy vọng và thực tiễn về giải pháp kiểm soát đi lại bằng công nghệ + xét nghiệm + tiêm chủng cho các lực lượng đảm bảo các dịch vụ thiết yếu (các hoạt động chăm sóc y tế, thiện nguyện, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, thuốc men, trang thiết bị y tế, oxy, các dịch vụ thiết yếu khác như điện, nước...).
Đó là hy vọng về cuộc sống sắp trở lại trạng thái “bình thường mới” với những giải pháp phòng, chống dịch vừa nghiêm ngặt, vừa linh hoạt, đảm bảo không “đứt gãy”, không giãn cách, phong toả mãi trên diện rộng, không thụ động chờ đợi, ỷ lại Nhà nước.
Tự giúp đỡ nhau trong đại dịch
Ngoài ra, Tiểu ban Truyền thông cũng lưu ý việc truyền đi thông điệp và phản ánh thực tế về khả năng tự lực, tự cường, tự giải quyết các vấn đề của cuộc sống trong bối cảnh đại dịch. Cụ thể, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi khu phố, thôn, ấp... giúp đỡ ngay chính mình, người thân trong gia đình, người lao động trong doanh nghiệp các nhu cầu thiết yếu, tạo thành nhiều “vòng tròn nhỏ” để bảo vệ nhau trong đại dịch.
Cùng với đó, báo chí cần động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin, giải quyết các vấn đề tâm lý của người dân, của đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu, với mục tiêu ổn định “an sinh tinh thần” trong và sau đại dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các “tổn thương tinh thần” do ảnh hưởng, di chứng của dịch bệnh và do giãn cách kéo dài.
|
Đại diện Trung ương Giáo hôi Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Đức Thiện dẫn đầu thăm hỏi động viên các y bác sỹ Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 (thành phố Thủ Đức). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN). |
Các Sở Thông tin và Truyền thông thuộc các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương có kịch bản, kế hoạch truyền thông phù hợp của riêng địa phương mình, cùng thực hiện các giải pháp đồng bộ về phòng chống dịch, an sinh xã hội và các phương án đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” nhằm đảm bảo công tác truyền thông phản ánh đúng thực tiễn và kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch một khi đã đi đúng hướng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lưu ý các đơn vị theo dõi, rà quét phát hiện các thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận và lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, trục lợi.