Làn sóng nghỉ việc trong ngành giáo dục dâng cao, Bộ trưởng đối thoại với giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến, ngày 15/8 tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ và đối thoại với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục - đào tạo năm 2023" sẽ được theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 63 tỉnh, thành.

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối thoại với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành Giáo dục của cả nước.

Qua thống kê, đã có hơn 6.000 ý kiến được gửi về từ hai nhóm đối tượng: Cán bộ, giáo viên bậc phổ thông và cán bộ, giảng viên bậc đại học.

Giáo dục phổ thông tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất liên quan đến triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…).

Thứ hai liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…). Thứ ba, liên quan đến điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Đối với khối giáo dục đại học, có khoảng hơn 200 ý kiến của các giảng viên, tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học;

Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các nhà trường; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…

Theo kế hoạch, buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đối thoại với giáo viên bậc mầm non, phổ thông. Chiều cùng ngày, ông gặp gỡ giảng viên đại học.

Được biết, cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thầy cô là một trong những sự kiện đánh dấu sự đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe và đồng hành cùng giáo viên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022).

So chỉ tiêu đặt ra, cả nước vẫn còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.

Đặc biệt, làn sóng giáo viên nghỉ việc ở các trường công lập vẫn có chiều hướng tiếp diễn. Trong 19.300 giáo viên nghỉ năm 2022 - 2023 thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ.

Đối diện với làn sóng nghỉ việc tăng cao của giáo viên, theo lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam cơ quan này đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể như chỉ đạo các cấp công đoàn trong ngành hỗ trợ trực tiếp nhà giáo, người lao động ở các cơ sở gặp hoàn cảnh khó khăn, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo... để nhà giáo, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tham gia cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định, chế độ chính sách liên quan đến lao động nghề nghiệp, việc làm của nhà giáo, người lao động để cải thiện điều kiện làm việc tiếp cận những yêu cầu của ngành giáo dục và của xã hội.

Truyền thông bằng các cách thức gần gũi, phù hợp để giáo viên hiểu rõ trách nhiệm cá nhân với nghề nghiệp, trách nhiệm với nghề nghiệp; khơi gợi tình yêu nghề, niềm tự hào về nghề dạy học... thông qua các giải thưởng định kỳ hàng năm: "Thầy cô trong mắt em"; "Viết về tấm gương nhà giáo"; "Nét đẹp nhà giáo"...

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo, người lao động cả nước, tổ chức chương trình Bộ trưởng đối thoại với nhà giáo, người lao động cả nước.

Hỗ trợ các trường hợp đặc biệt, tạo điểm nhấn lan tỏa sự quan tâm của Công đoàn, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của xã hội tới các thầy cô giáo đang cống hiến tại các vùng khó khăn cũng như giáo viên cả nước.

Hàng năm, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình "Thay lời Tri ân" trực tiếp trên sóng truyền hình nhân ngày 20/11 để ghi nhận, tôn vinh, lan tỏa những hình ảnh đẹp, truyền cảm hứng, tạo động lực để nhà giáo vượt qua khó khăn, coi áp lực là cơ hội để khẳng định bản thân.

Đây cũng là kênh trực tiếp và gián tiếp kêu gọi sự chia sẻ, đồng hành của xã hội tới các thầy cô, giúp các thầy cô yêu nghề, tự hào với nghề đã chọn, bớt tính toán, so đo, yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.

Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam triển khai xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc", giúp các thầy cô có các kỹ năng cần thiết để cân bằng cuộc sống, có kỹ năng quản trị cảm xúc, xây dựng đời sống hạnh phúc, tạo dựng môi trường học sinh hạnh phúc, trường học hạnh phúc - thấu hiểu và vận hành các giá trị sống trong một xã hội văn minh, hiện đại.

Tổ chức chương trình "Công đoàn tham gia tăng cường năng lực nghề nghiệp" cho giáo viên, giúp họ có đủ bản lĩnh, năng lực ứng đáp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tham gia nghiêm túc, bài bản và trách nhiệm trong việc góp ý cho các văn bản quy định mới về chế độ tiền lương của giáo viên, người lao động trong thời gian tới.

D.Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục