“Làn gió xanh” cho thương mại, đầu tư Việt - Đức

0:00 / 0:00
0:00

Thương mại và đầu tư Việt - Đức đang đứng trước cơ hội lớn để cải thiện chất lượng theo hướng xanh và bền vững hơn.

EVFTA mang lại hy vọng mở rộng thương mại với đối tác ở Đức cũng như thị trường châu Âu. EVFTA mang lại hy vọng mở rộng thương mại với đối tác ở Đức cũng như thị trường châu Âu.

Thay đổi trong cơ cấu xuất nhập khẩu Việt - Đức

Nhìn vào dòng thương mại Việt - Đức gần 20 năm qua và những biến động sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, TS. Vũ Thanh Hương (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận thấy, có thể kỳ vọng vào thương mại bền vững giữa Việt Nam và Đức từ thực thi hiệp định này.

Theo bà Hương, EVFTA như làn gió mới, mang lại niềm phấn khích lạc quan hơn cho doanh nghiệp Việt Nam, với hy vọng mở rộng thương mại với đối tác ở Đức cũng như thị trường châu Âu.

Trong EU, Đức là nơi xuất phát nhiều công nghệ nguồn của thế giới và là đầu tàu trong nhiều chuỗi giá trị của thế giới, nhưng Đức cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe về chất lượng và tính thân thiện môi trường của sản phẩm. “EVFTA trở thành động lực mới, mang lại cơ hội mới để doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác thương mại Việt - Đức một cách bền vững hơn”, bà Hương nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Đức diễn ra ngày 12/11 tại Hà Nội.

Dựa theo tác động ô nhiễm môi trường, TS. Vũ Thanh Hương phân chia các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đức thành 3 nhóm: nhóm ngành hàng ít ô nhiễm nhất (sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm gỗ, thực phẩm chế biến, đồ uống, sản phẩm may mặc, giày dép và đồ thủy tinh); nhóm ngành hàng ô nhiễm trung bình (khoáng sản, dầu mỏ, cao su, nguyên liệu dệt may, sản phẩm gốm - đá, xi măng, máy móc, thiết bị cơ khí); nhóm ngành hàng ô nhiễm nhiều nhất (hóa chất, sản phẩm nhựa, đồ da, giấy và kim loại).

Trước năm 2014, hàng hóa Việt Nam xuất nhiều sang Đức là nhóm ngành hàng ô nhiễm ít nhất, nhưng từ năm 2014, xuất khẩu máy móc, thiết bị sang Đức bắt đầu tăng lên và trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, khiến nhóm ngành hàng ô nhiễm trung bình chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu sang Đức.

Dựa trên những cam kết của hai bên trong EVFTA, bà Hương dự báo, sẽ có những thay đổi trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức phân theo mức độ ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, với nhóm ngành hàng ít ô nhiễm nhất, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu giày dép, hàng dệt may và các mặt hàng nông sản như cà phê, chè, hạt tiêu và cao su; ở chiều ngược lại, sẽ nhập nhiều sản phẩm liên quan đến chế biến, đồ uống và thuốc lá.

Ở nhóm ngành hàng ô nhiễm nhiều nhất, Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng cường nhập khẩu các mặt hàng hóa chất, sản phẩm liên quan đến dược phẩm. Đây là nhóm ngành hàng mà Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại với Đức suốt từ năm 2001 đến nay, nhưng xét về góc độ kinh tế, việc tăng nhập khẩu nhóm ngành hàng này có thể làm giảm tính bền vững, nhưng sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam ở góc độ môi trường.

Xanh hóa sản phẩm xuất khẩu

Để tận dụng tốt hơn EVFTA, TS. Vũ Thanh Hương khuyến nghị, cần tăng xuất khẩu những ngành hàng Việt Nam có lợi thế và đạt thặng dư thương mại với Đức, như các mặt hàng thủy sản, giày dép và dệt may. “Song song với tăng kim ngạch và khối lượng xuất khẩu, cần nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng của nhóm ngành ít ô nhiễm, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam”, bà Hương nói.

Ngoài ra, với nhóm ngành ô nhiễm nhiều nhất, song song với quá trình nhập khẩu từ Đức để thay thế nguồn nhập khẩu chất lượng thấp hơn, Việt Nam cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành dược bền vững hơn, thân thiện môi trường hơn; tận dụng EVFTA để thu hút đầu tư phát triển ngành dược, sản xuất thuốc biệt dược ngay tại thị trường Việt Nam.

Việc xanh hóa sản phẩm đẩy chi phí của nhà sản xuất cao lên, nhưng doanh nghiệp và nhà sản xuất cần hiểu rằng, họ đã tạo ra sản phẩm mới thuộc phân khúc khác trên thị trường, có khả năng bán với giá cao hơn và điều này mang lại lợi ích lâu dài cho họ.

TS. Lê Viết Thái, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Đức

Về thu hút đầu tư từ Đức, TS. Lê Viết Thái, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Đức tỏ ra băn khoăn trước thực tế Đức đứng thứ 18 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 350 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Điều này khiến ông Thái đặt câu hỏi, liệu đầu tư của Đức vào Việt Nam đã “xứng đáng” với tầm vóc của quốc gia có nền công nghiệp phát triển ở châu Âu chưa.

Theo ông Thái, Việt Nam muốn thu hút đầu tư công nghệ cao mang tính bền vững, thì cần nhắm đến các nhà đầu tư từ các quốc gia trong nhóm G7. Tuy nhiên, Nhật Bản là đại diện duy nhất của G7 có mặt trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân căn bản khiến đầu tư từ Đức và các nước G7 vào Việt Nam chưa nhiều là do tính đặc thù trong văn hóa và kỷ luật kinh doanh. “Tính kỷ luật của người Đức rất cao, những hiện tượng bôi trơn mà chúng ta coi là bình thường, thì người Đức không bao giờ chấp nhận”, ông Thái nói.

Còn với EVFTA, chuyên gia này tin rằng, Hiệp định sẽ giúp cải thiện chất lượng đầu tư ở Việt Nam vì doanh nghiệp muốn xuất hàng đi Đức và EU thì phải tuân thủ tiêu chuẩn và quy chuẩn mà các bạn hàng đề ra. Chưa kể, người châu Âu và người Đức có ý thức tiêu dùng cao về các sản phẩm xanh, nên đây là sức ép khiến doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu sang Đức và EU phải chú ý phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm hữu cơ.

Quang Đăng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục