Lận đận như… Chứng khoán Đại Việt

(ĐTCK) CTCK Đại Việt (DVSC) vừa bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Mai Hữu Khương và bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Thuỷ thay thế. Vai trò đại diện theo pháp luật của ông Khương cũng được chuyển giao cho bà Thuỷ.
DVSC đang có lỗ lũy kế 175 tỷ đồng

Việc bãi nhiệm này diễn ra ngay sau khi ông Khương bị khởi tố và bị bắt tạm giam cùng với 2 người khác là ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ông Khương và ông Mai tham gia ứng cử thành viên HĐQT DVSC tại ĐHCĐ thường niên năm 2012 tổ chức hồi cuối năm 2013. Tháng 1/2014, ông Khương được bầu làm Chủ tịch HĐQT DVSC. Tháng 5/2014, DVSC hoàn tất các thủ tục để ông Khương thay người cũ giữ vai trò đại diện theo pháp luật của Công ty.

Hai người này đến từ Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (tên cũ là Ngân hàng TMCP Đại Tín), thay thế một số thành viên cũ tại DVSC sau khi Tập đoàn Thiên Thanh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín từ một nhóm cổ đông lớn và tiến hành đổi tên Ngân hàng.

Ghế Chủ tịch DVSC đã có một thời gian bị để trống do người cũ là ông Hứa Xường xin từ nhiệm và được HĐQT thông qua vào tháng 9/2013, nhưng đến tháng 12/2013, Công ty mới tổ chức họp cổ đông để tiến hành bầu lại. Trong khoảng thời gian đó, bà Thuỷ giữ chức quyền Chủ tịch DVSC.

Bên cạnh việc bầu một số thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát, ĐHCĐ thường niên năm 2012 của DVSC thông qua kế hoạch tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng, hạn cuối để thực hiện là tháng 1/2014. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa được triển khai.

Theo thông báo hồi tháng 6/2014, DVSC đang tìm người đề cử hoặc ứng cử để thay thế 2 thành viên Ban Kiểm soát hiện tại, trong đó có một thành viên xin từ nhiệm là đại diện cho cổ đông Ngân hàng TMCP Đại Á. Thành viên này xin từ nhiệm sau khi Đại Á sáp nhập vào HDBank.

Ngoài những biến động về nhân sự, tháng 7/2013, DVSC còn bị phạt 340 triệu đồng do thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin) mà chưa được phép, cùng với một số vi phạm khác. Số tiền này tương đương với doanh thu phí môi giới bình quân một tháng mà DVSC kiếm được trong năm 2013.

Do có những sai phạm nên DVSC đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng với 2 Sở Giao dịch chứng khoán ra quyết định đình chỉ hoạt động môi giới một thời gian. Chưa hết, DVSC còn “vướng” vào vụ một số nhân viên DVSC Chi nhánh Hà Nội bị tố cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Quý II vừa qua, doanh thu môi giới của DVSC đạt 541 triệu đồng, chưa bằng một phần ba cùng kỳ năm ngoái; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 1,4 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty lỗ 280 triệu đồng trong quý II/2014; luỹ kế 6 tháng đầu năm lãi gần 900 triệu đồng.

DVSC hiện có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 221,5 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 175 tỷ đồng. Số lỗ này hầu như không thay đổi kể từ năm 2012 do kết quả kinh doanh của Công ty thời gian qua không có nhiều biến động.

DVSC không được phép cấp margin cho khách hàng, vì theo quy định, một trong những điều kiện để được cấp phép thực hiện nghiệp vụ này là không có lỗ lũy kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2013 đã được kiểm toán, DVSC “hợp tác” với CTCP Đầu tư Tài chính Thăng Long từ tháng 1/2013 để cung cấp margin cho khách hàng.

Đến thời điểm này, DVSC vẫn chưa tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2013. Công ty thông báo chốt danh sách cổ đông để tổ chức họp ĐHCĐ từ cuối tháng 5/2014, nhưng đến nay chưa có thông tin gì mới liên quan được công bố như tài liệu, địa điểm, thời gian họp…

Sau khi ông Khương và ông Mai bị bắt, kế hoạch tăng vốn lên 360 tỷ đồng và định hướng hoạt động của DVSC càng trở lên mù mịt với nhiều cổ đông và nhà đầu tư.

Kim Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục