Động lực phát triển tại BVSC là văn hóa trao quyền và xây môi trường làm việc hạnh phúc.
Chính phủ đặt nhiều mục tiêu cho dấu mốc thị trường 20 tuổi, một trong những mục tiêu đó là vốn hóa thị trường đạt 100% GDP. Là CTCK lâu năm nhất trên thị trường và cũng là công ty chứng khoán uy tín trong tư vấn cổ phần hóa, niêm yết, theo ông, mục tiêu tăng quy mô thị trường có thành hiện thực và nhà đầu tư có thể trông đợi những doanh nghiệp lớn nào sẽ lên sàn tới đây?
Có thể nói, sự đóng góp của TTCK và nền kinh tế Việt Nam đã vượt xa kỳ vọng ban đầu. Rất ít thị trường nào đạt được mức vốn hóa như trên sau 20 năm hoạt động. TTCK Việt Nam đến thời điểm hiện nay đã thực sự trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Theo kế hoạch tới đây, nhiều doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước như Tổng công ty MobiFone, Tổng công ty VNPT hay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… sẽ tiếp tục được cổ phần hóa và niêm yết.
Bên cạnh đó, khối các doanh nghiệp tư nhân với một loạt tên tuổi và là mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ tham gia sâu hơn vào TTCK.
Một trong những vướng mắc khá lớn khi triển khai cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp hiện nay là vấn đề định giá doanh nghiệp. Tôi cho rằng, giá trị của một doanh nghiệp là một khái niệm không có sự chính xác tuyệt đối.
Nhà nước nên nhìn nhận vào những thay đổi của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa sẽ đóng góp nhiều hơn cho Ngân sách Nhà nước, cho người lao động, đấy mới là mục tiêu của cổ phần hóa và chuyển đổi mô hình hoạt động.
Nếu chúng ta nhìn sâu hơn về vấn đề này trong thực tiễn quá trình chuyển đổi và phát triển của những doanh nghiệp điển hình như Vinamilk, BIDV, Tập đoàn Bảo Việt, Dược Hậu Giang, Cơ điện lạnh… sẽ nhận thấy hiệu quả thực sự cũng như những giá trị đóng góp có tính bền vững từ chủ trương cổ phần hóa và niêm yết cũng như tầm quan trọng của TTCK Việt Nam đối với nền kinh tế trong 20 năm vừa qua.
Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước và nếu được giải quyết kịp thời thì mục tiêu đưa vốn hóa của thị trường Việt Nam sẽ tăng nhanh và đạt được kỳ vọng của Chính phủ đề ra.
Tại Việt Nam, sàn phái sinh tuy có tuổi đời non trẻ, nhưng đang có tốc độ tăng trưởng 200% về thanh khoản, về thu hút nhà đầu tư mới tham gia. Theo ông, vì sao TTCK phái sinh lại tăng sức hấp dẫn và tại BVSC, bao giờ Công ty có thể tham gia thị trường này?
Kể từ khi được thành lập, TTCK phái sinh - với giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 các kỳ hạn đã liên tục có sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch.
Trong hơn 6 tháng qua, thanh khoản của thị trường này đúng là có mức tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Có nhiều nguyên do giúp TTCK phái sinh tăng sức hấp dẫn, nhưng tôi cho rằng có thể kể đến một số điểm chính sau.
Thứ nhất, khi thị trường cơ sở dự báo bị biến động mạnh, có những giai đoạn xu hướng xuống chiếm ưu thế nên nhà đầu tư tranh thủ cơ hội kiếm lợi nhuận bằng việc bán khống các hợp đồng tương lai.
Như vậy, trong khi thị trường đi xuống thì việc tìm kiếm được lợi nhuận trên thị trường cơ sở là bất khả thi thì nhà đầu tư vẫn kiếm được lợi nhuận trên thị trường phái sinh.
Thứ hai là tính thanh khoản và nhà đầu tư không phải chịu quy định về thời gian thanh toán T+, nhà đầu mua xong có thể bán được ngay khi có kết quả khớp lệnh. Nếu chứng khoán cơ sở sớm áp dụng được thời gian thanh toán T+0 cũng sẽ tạo ra cú huých về thanh khoản cho thị trường.
Thứ ba là tính đòn bẩy cao. Tỷ lệ ký quỹ khi mua bán hợp đồng tương lai chỉ dưới 20% tổng giá trị hợp đồng đã tạo sức hút với những nhà đầu tư thích sử dụng đòn bẩy. Dù ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào TTCK, nhưng tôi cho rằng, TTCK phái sinh chứa đựng nhiều rủi ro, nhà đầu tư cần có những nguyên tắc quản trị rủi ro thật tốt để bảo về tài sản của mình.
Ðối với BVSC, chúng tôi đã sẵn sàng mọi mặt cho kế hoạch tham gia TTCK phái sinh và hiện còn tập trung nốt vào bước tăng vốn điều lệ để đáp ứng theo quy định pháp luật.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 khá sôi động khi các doanh nghiệp đã huy động được gần 300.000 tỷ đồng. Ông dự báo như thế nào về thị trường này? Với nhà đầu tư đại chúng, nếu muốn đầu tư trái phiếu thì nên chọn lựa theo hình thức nào để bớt rủi ro?
Tôi cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn phát triển mạnh, không chỉ trong năm 2020 mà còn trong nhiều năm tới.
Theo thống kê của Ngân hàng châu Á (ADB), tỷ trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp nếu so với các nước khác trong khu vực như tại Hàn Quốc, giá trị thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã lên tới 78%, còn tại Trung Quốc là 30%, tại Singapore và Thái Lan lần lượt là 33% và 22%, trong khi quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới đạt khoảng 11% GDP. Theo đó, tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn lớn.
So với các kênh đầu tư khác trong nước, thì hiện kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, đặc biệt là so với kênh tín dụng từ các ngân hàng thương mại.
Quy mô vốn hóa của TTCK vào khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP, quy mô tín dụng đến nay đạt khoảng 8,3 triệu tỷ đồng.
Như vậy, nếu nhìn vào giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành hoặc giá trị phát hành trong hơn 6 tháng đầu năm 2020 vào khoảng 163 ngàn tỷ đồng thì giá trị huy động từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng thấp.
Xu hướng phát triển của các kênh huy động vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, TTCK để chia sẻ bớt gánh nặng cho kênh tín dụng là khó đảo ngược.
Với nhà đầu tư đại chúng, có thể xem xét tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp các đợt phát hành ra công chúng hoặc thông qua thị trường thứ cấp của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc tham khảo ý kiến của các tổ chức có chuyên môn là thực sự cần thiết.
Trường hợp không thể tiếp cận được ý kiến tư vấn của các tổ chức có chuyên môn, nhà đầu tư cũng có thể chọn mua các trái phiếu doanh nghiệp có cam kết mua lại của các tổ chức uy tín.
Với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sự ra đời của tổ chức định mức tín nhiệm để làm vai trò trung gian đánh giá tình hình tài chính của các doanh nghiệp phát hành là rất quan trọng và cần thiết ở thời điểm hiện nay.
Hiểu được nhu cầu này của các nhà đầu tư đại chúng, BVSC cũng đã thực hiện lựa chọn các trái phiếu tốt để đầu tư, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm về trái phiếu như iBond-var, iBond-fix cung cấp cho rộng rãi nhà đầu tư tại BVSC. Ðây là lựa chọn an toàn và hạn chế rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
20 năm song hành cùng TTCK, BVSC đã tạo dựng được vị thế của một công ty chứng khoán vững bền, tin cậy, hiệu quả trên TTCK Việt Nam, đồng thời truyền tải khát vọng phát triển thông qua rất nhiều hoạt động nội bộ Công ty cũng như hướng ra cộng đồng. Ông có thể chia sẻ cụ thể những giá trị mới mà BVSC khát vọng hướng đến sau tuổi 20?
BVSC ra đời từ tầm nhìn và khát vọng của thế hệ đi trước cách đây 20 năm, cũng đồng thời là hai thập kỷ song hành và cùng với các thành viên khác trên thị trường đồng kiến tạo nên TTCK Việt Nam của ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng, để TTCK tiếp tục phát triển bền vững thì việc xây dựng niềm tin là một trong những giá trị quan trọng nhất, mà nền tảng của việc xây dựng niềm tin là sự minh bạch và nhất quán. Ðó là những giá trị mà chúng tôi luôn theo đuổi.
Để TTCK bền vững, việc xây dựng niềm tin là một trong những giá trị quan trọng nhất. Nền tảng của niềm tin là sự minh bạch và nhất quán và đó cũng là giá trị mà BVSC luôn theo đuổi.
Nhìn lại chính mình và nhìn lại các thành viên tham gia vào thị trường từ ngày đầu, có thể nói các công ty chứng khoán khối tư nhân có sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn hẳn so với các công ty có cổ phần chi phối của các cổ đông có nguồn gốc nhà nước, và điều này cũng không có gì là bất ngờ bởi kinh doanh chứng khoán cần có sự linh hoạt, nhanh nhạy và khá phù hợp với cơ chế tư nhân.
Sự phát triển của BVSC trong 20 năm qua có những thăng trầm. Có những giai đoạn, chúng tôi dẫn đầu nhờ vào lợi thế của thương hiệu Bảo Việt và lợi thế của người được sinh ra đầu tiên và đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu riêng của BVSC, đặc biệt là hoạt động tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Chịu tổn thất khá lớn trong giai đoạn TTCK suy thoái đã làm cho chúng tôi đã phải mất một thời gian để vực lại. Có những giai đoạn, chúng tôi bị tụt hậu khá sâu về công nghệ thông tin và làm ảnh hưởng khá nhiều đến thị phần hoạt động môi giới.
Trong giai đoạn tới đây, TTCK sẽ tiếp tục có những chuyển đổi mạnh mẽ và đó cũng là động lực để mỗi thành viên ấp ủ những khát vọng của riêng mình.
BVSC tiếp tục đặt tầm nhìn phát triển bền vững trong bối cảnh kinh doanh mới, những thay đổi từng ngày từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng một thế hệ nhân sự mới - thế hệ Millenials, chúng tôi xác định văn hóa trao quyền được xem là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của BVSC.
Chúng tôi muốn hướng tới xây dựng một ngôi nhà hạnh phúc tại BVSC như một giá trị nền tảng cho sự phát triển, do đó thách thức đặt ra trong giai đoạn tới là thu hẹp khoảng cách cũng như những rào cản đến từ sự khác biệt về quan điểm, nhận thức, động lực làm việc và cống hiến, về tư duy và cách thức giải quyết vấn đề… giữa các thế hệ nhân sự nhằm xây dựng môi trường làm việc của sự tin cậy, gắn kết và cùng phát triển.
Ông có quan điểm như thế nào về việc hướng nghiệp cho các bạn trẻ tìm hiểu và quan tâm đến cơ hội công việc trong ngành chứng khoán? Ở BVSC có hoạt động gì để hỗ trợ, giúp sức và tạo môi trường cho những lớp nhân sự tiềm năng gia nhập hoạt động đầu tư hoặc hành nghề trên TTCK Việt Nam?
Như tôi chia sẻ ở trên, thế hệ Millenials ra đời gắn với sự bùng nổ về công nghệ và họ sẽ là nguồn lực chính cho kỷ nguyên tiếp theo của nền kinh tế nói chung cũng như ngành chứng khoán nói riêng.
Ðặc trưng của thế hệ này là tư duy làm việc cởi mở, suy nghĩ linh hoạt và ra quyết định nhanh chóng, đề cao quyền tự chủ và thích nghi nhanh với sự thay đổi.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo về kiến thức chuyên môn từ các trường đại học, từ trung tâm đào tạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… ngày càng chuyên nghiệp và đa dạng.
Có thể nói, thế hệ nhân sự mới có sẵn những thế mạnh và tiền đề tốt để thích nghi với môi trường làm việc trong ngành chứng khoán.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kiến thức và thông tin quá rộng lớn và liên tục cập nhật, việc đánh giá và chọn lựa cơ hội nào, công việc nào, nhà tuyển dụng nào… là phù hợp với thế mạnh và sở thích của mỗi cá nhân thì cần có sự định hướng cụ thể.
Do đó, khi thiết kế các chương trình tuyển dụng, chúng tôi dành nhiều thời gian cho việc chia sẻ về định hướng và lộ trình phát triển trong ngành chứng khoán nói chung và các cơ hội cụ thể tại BVSC nói riêng. Một nội dung không thể thiếu đó là lộ trình đào tạo và huấn luyện cụ thể gắn với các cơ hội đó.
Bởi một điều đơn giản, kiến thức là thứ các bạn trẻ đã được trang bị sẵn từ khi còn trong trường, nhưng để chuyển hóa những kiến thức đó trở thành năng lực làm việc của mỗi cá nhân và tạo ra giá trị phù hợp với mỗi công ty, thì các bạn trẻ cần một sự định hướng và dẫn dắt. Tại BVSC, chúng tôi quan niệm đó là một quá trình phát triển đối với cả hai bên.
Hiện tại, chúng tôi đang triển khai chương trình Future Broker 2020. Ðây là một chương trình được thiết kế không phải cho kế hoạch nhân sự năm nay, mà là cho định hướng dài hơn với tầm nhìn xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư, quản lý tài sản chuyên nghiệp. Các bạn trẻ quan tâm có thể cập nhật thông tin chương trình trên website/fanpage của Công ty hoặc trực tiếp liên hệ bộ phận nhân sự.
Chương trình Future Broker 2020 được thiết kế dành riêng cho các bạn trẻ có đam mê trở thành một nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK Việt Nam cùng cơ hội phát triển sự nghiệp và phát triển bản thân. Học viên sẽ trải qua 3 giai đoạn Đào tạo - Huấn luyện - Thực chiến cùng sự đồng hành của BVSC.
Để tìm hiểu thêm thông tin về Future Broker 2020, vui lòng truy cập website: bvsc.com.vn và landing page của chương trình: fbroker.baovietsecurities.com.vn.
Email: hr-bvsc@baoviet.com.vn.
Hotline: (+84) 978 738 804 - Ms. Linh Huynh