Là người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, theo ông, những nhầm tưởng tai hại này xuất phát từ đâu?
Mỗi loại hình bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ) sẽ có nhiều dòng sản phẩm bảo hiểm tương ứng, mà mỗi dòng lại sản phẩm lại có những quyền lợi bảo hiểm khác nhau theo kiểu “all in one” (nhiều trong một). Nếu khách hàng không được giải thích, tư vấn rõ ràng ngay từ đầu thì dễ bị nhầm tưởng là khi đã tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì sẽ được bảo vệ trước tất cả rủi ro, từ tai nạn, ốm đau, bệnh hiểm nghèo… cho đến tử vong.
Chẳng hạn, nếu khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm chính thuộc dòng liên kết chung và liên kết đơn vị thì chủ yếu sản phẩm chỉ bảo vệ quyền lợi chính là tử vong, các quyền lợi khác như hỗ trợ viện phí, tai nạn, bệnh hiểm nghèo… đều không được chi trả (có một số công ty bảo hiểm đính kèm quyền lợi hỗ trợ viện phí). Nếu muốn được hưởng các quyền lợi khác, khách hàng phải mua đính kèm sản phẩm bổ sung, nhưng sản phẩm này sẽ không có yếu tố tiết kiệm nhiều, phí hàng năm sẽ được khấu trừ một phần hoặc toàn bộ.
Nhiều khách hàng cũng lầm tưởng là phí sản phẩm bổ sung cũng sẽ được tiết kiệm hết, nhưng không phải như vậy. Các dòng sản phẩm hỗn hợp có nhiều quyền lợi trong một hợp đồng như bảo vệ bệnh hiểm nghèo, tử vong, hỗ trợ viện phí, hỗ trợ tiền mặt định kỳ 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm một lần… và những năm về trước được các công ty bảo hiểm bán nhiều, nhưng gần đây hầu hết đều đã dừng triển khai.
Một nhầm tưởng khá phổ biến khác, đó là mua bảo hiểm và sau một thời gian đóng phí nhất định, chẳng hạn là 10 năm, thì sẽ chắn chắn được nhận về toàn bộ số tiền đã đóng kèm lãi, nhưng trên thực tế, có thể chỉ nhận được số tiền ít hơn số đã đóng.
Đáng lưu ý là không chỉ người dân bình thường, mà cả người có kiến thức về tài chính từng chi nhiều tiền để mua bảo hiểm cũng rơi vào tình trạng hiểu lầm như trên, đến khi hiểu ra thì đã quá muộn, muốn hủy hợp đồng cũng khó mà đóng tiếp cũng chẳng xong.
Nhầm tưởng về bảo hiểm để rồi đến khi không may xảy ra rủi ro không được chi trả bồi thường dẫn đến tranh chấp, tố cáo “bên bán lừa đảo”… là điều không mới trên thị trường bảo hiểm, nhưng tới nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả nên ngày càng lan rộng. Trên nhiều diễn đàn về bảo hiểm, những cuộc đấu khẩu liên quan tới tranh chấp bảo hiểm diễn ra phổ biến và chưa có hồi kết. Liên tiếp các lùm xùm diễn ra gần đây càng làm lộ diện thêm những hiểu lầm mà lâu nay người mua bảo hiểm không hề biết.
Bảo hiểm cần được đưa về giá trị thực, đó là bảo vệ |
Vài người bạn của tôi cũng nhầm tưởng là sẽ được bảo hiểm chi trả hết nên không mua đúng và đủ bảo hiểm ngay từ đầu, đến khi mắc bệnh hiểm nghèo thì bị từ chối chi trả. Khách quan mà nói, những lầm tưởng này chủ yếu do tư vấn viên hay khách hàng?
Theo tôi, để dẫn đến lầm tưởng trên diện rộng như vậy là do tư vấn viên thiếu năng lực, đạo đức. Tất nhiên, không thể không nói đến trách nhiệm của người mua hàng ở đây, bởi không ai có trách nhiệm với người mua bảo hiểm tốt hơn chính họ.
Thật ra, bảo hiểm tốt thật, mang lại giá trị thật, nhưng với điều kiện khách hàng phải mua đúng, mua đủ và phù hợp với khả năng tài chính của mình. Ngược lại, nếu mua sai, mua thiếu thì không được chi trả hết, đó là chưa kể có thuộc diện được chi trả hay không.
Có người thấy các công ty bảo hiểm quảng bá về việc có khách hàng vừa được chi trả bảo hiểm tiền tỷ do không may bị tử vong, có khách hàng được đền tiền tỷ do bị ung thư và nhiều quyền lợi hấp dẫn khác… nên nhầm tưởng nếu mình mua bảo hiểm cũng sẽ được bảo hiểm đầy đủ trong tương lai. Cụ thể hơn, có rất nhiều trường hợp khách hàng bị tai nạn dẫn đến thương tật, thậm chí tử vong, nhưng do vi phạm nồng độ cồn nên bị công ty bảo hiểm từ chối.
Theo quy định hiện hành, mua sản phẩm nào thì được bảo hiểm theo sản phẩm đó, chưa kể khách hàng còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khác như cần phải kê khai thông tin trung thực, đầy đủ, đóng phí đủ và đều đặn...
Việc mua bảo hiểm thiếu cũng giống như việc khi đi chợ bạn không mua cua bể, chỉ mua cua đồng, nên chỉ được ăn canh cua đồng, chứ không thể được thưởng thức cua bể. “Cua bể” chỉ là nhầm tưởng, không có thật trong tương lai.
Vậy có cách nào xóa tan nhầm tưởng như trên không?
Tại cuộc họp khẩn diễn ra ở Hà Nội mới đây, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin liên quan tới nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm để khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm đã tham gia; kiểm soát các thông tin nêu tại bảng minh họa bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi thông tin nêu tại tài liệu này dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn, kỳ vọng về quyền lợi bảo hiểm không phù hợp với thực tế…
Thực tế, còn nhiều tư vấn viên bảo hiểm tận tâm, tư vấn đúng, đầy đủ và trung thực cho khách hàng, nhưng để xóa đi những lầm tưởng về bảo hiểm không phải chuyện một sớm một chiều. Bởi vậy, trách nhiệm của bên bán, cụ thể ở đây là công ty bảo hiểm và tư vấn viên là vô cùng quan trọng.
Trong hơn 20 năm phát triển ngành, các công ty bảo hiểm ít nhiều nhận được phản hồi của khách hàng về sự không trung thực, hay việc tư vấn sai của đại lý bảo hiểm. Thế nhưng, hầu hết công ty bảo hiểm không giải quyết với lý do “không có đủ bằng chứng chứng minh việc tư vấn sai”. Do đó, giải pháp tốt nhất là người mua cần tự tìm hiểu thông tin về sản phẩm, hợp đồng bảo hiểm, hoặc nhờ các chuyên gia pháp lý chuyên về bảo hiểm hỗ trợ, nhất là với những hợp đồng có giá trị lớn.
Ngoài bên bán thì bên mua bảo hiểm cũng đóng vai trò quyết định trong việc tự bảo vệ mình. Bên mua cần chủ động nâng cao nhận thức về sản phẩm cần mua trước khi trông cậy hoàn toàn vào lời tư vấn của bên bán. Hợp đồng bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện theo hướng “win - win”, tức là cả bên bán và bên mua cùng có lợi. Do đó, bên mua có quyền yêu cầu bên bán chỉnh sửa hợp đồng nếu muốn và tốt nhất là không tham gia nếu chưa hiểu thấu về sản phẩm cũng như hợp đồng bảo hiểm.
Nhưng thực tế là không phải ai cũng có đủ kiến thức về bảo hiểm, kể cả những người làm trong ngành tài chính cũng kêu hợp đồng bảo hiểm còn nhiều thuật ngữ khó hiểu, thế nên người mua mới phó mặc hết vào lời của tư vấn của bên bán, ông thấy sao?
Thực tế là Luật Kinh doanh bảo hiểm cùng các văn bản liên quan quá đồ sộ và phức tạp, người không có kiến thức về bảo hiểm hoặc không được hướng dẫn sẽ khó có thể tự đọc hiểu các thuật ngữ, điều khoản, phạm vi bảo hiểm, cách tính lãi suất, chi phí... trong bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nên việc khách hàng không biết để hỏi là bình thường.
Tuy nhiên, sau một loạt lùm xùm diễn ra trên thị trường thời gian qua như chuyện người đi gửi tiết kiệm ngân hàng bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hay mới nhất là vụ việc một nữ diễn viên lên mạng “bóc phốt” hợp đồng bảo hiểm của mình bởi “hiểu nhầm” về thời gian tham gia bảo hiểm…, tôi tin là ý thức về bảo hiểm của người dân sẽ cải thiện hơn. Do đó, việc các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý các vụ việc trên như thế nào để củng cố lại niềm tin vào bảo hiểm là điều được quan tâm.
Thực ra, vấn đề nào cũng có 2 mặt và bảo hiểm cũng không là ngoại lệ, cho nên cần thiết phải minh bạch, rõ ràng với người mua bảo hiểm ngay từ ban đầu bởi “mất lòng trước, được lòng sau”, hơn là để xảy ra “chuyện đã rồi” thì mới đi chữa cháy. Ở một khía cạnh nhất định, bảo hiểm thực sự có giá trị, nhưng không nên vì thế mà “thần thánh hóa”. Tư vấn chuẩn ngay từ đầu có thể làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm bảo hiểm, từ đó khó bán cho khách hàng, nhưng đã đến lúc cần trả bảo hiểm về đúng giá trị của nó, đó là bảo vệ, còn bảo vệ đến đâu, bảo vệ thế nào thì phụ thuộc vào từng hợp đồng mà khách hàng tham gia...