Làm thế nào để nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 12/12, ngành dừa đón chào một cột mốc lịch sử với hội thảo quốc tế đầu tiên ra mắt tại Việt Nam mang chủ đề “CocoNext 2024: Nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam” được tổ chức tại tỉnh Bến Tre.
Làm thế nào để nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam?

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện thường niên CocoNext do CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) khởi xướng và phối hợp cùng Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức, với mục tiêu hướng tới một tương lai phát triển kiên cường và mạnh mẽ cho ngành dừa. Hơn 200 đại diện cơ quan chính phủ Việt Nam và quốc tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia đến từ các quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành dừa như Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ đã tham dự và chia sẻ, trao đổi thông tin tại CocoNext 2024.

Thiếu liên kết chuỗi cho ngành dừa

Thực tế, ngành dừa Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Từ con số kim ngạch xuất khẩu 280 triệu USD năm 2010, ngành dừa đã đạt 1,64 tỷ USD vào năm 2023. Với tổng diện tích trồng dừa cả nước hơn 200.000 ha, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giữ vị trí thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, cây dừa đã được công nhận và quy hoạch là một trong sáu loại cây công nghiệp chủ lực. Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã ban hành đề án phát triển cây dừa đến năm 2030 với các mục tiêu rõ ràng.

Bà Trần Quế Trang, Tổng giám đốc Betrimex cho hay, giá trị của ngành dừa mang lại 1 tỷ USD cho Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, để đạt được con số 1 tỷ USD thì quả dừa được khai thác bằng cách nào, công nghệ nào và khai thác phần nào để mang lại được giá trị trên. Đó cũng là mục tiêu mà Betrimex đã tổ chức Coconext 2024. Theo bà Trang, qua khảo sát cũng như tìm hiểu các Hiệp hội dừa ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới thì chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp dừa Việt Nam không thua kém doanh nghiệp bạn cả về công nghệ cũng như sản xuất, kinh doanh. Nhưng bà Trang cho rằng, cái thiếu của chúng ta ở đây là sự liên kết chuỗi và hệ thống của các doanh nghiệp.

Đây cũng là một trong những điểm còn yếu và thiếu của doanh nghiệp ngành dừa Việt Nam. Bởi chúng ta có thể nhìn thấy ở nước láng giềng như: Thái Lan, họ cũng có diện tích và khai thác đối với ngành dừa tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ có sự liên kết chuỗi và hệ thống nên giá trị khai thác mang lại từ ngành dừa cao hơn rất nhiều.

Ông Ken Guller A. Vicente, Quyền trưởng Ban III, Ban điều hành hiện trường, Cục dừa Philippines cũng cho hay, để phát triển ngành dừa ngày càng vững mạnh rất cần đến các chương trình quốc gia như: bảo vệ cộng đồng; tổ chức nông dân trồng dừa và phát triển, lai tạo giống dừa, phát triển cộng đồng (cải tạo và nâng cao nông trại); chế biến dừa và sản phẩm tiêu dùng; các dự án nghiên cứu đổi mới, ứng dụng thực tiễn trong chế biến dừa, sản xuất, phân phối, dịch vụ hỗ trợ khách hàng…

Đổi mới ngành dừa bằng công nghệ

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) Trần Văn Đức chia sẻ, ngành dừa Bến Tre chỉ mới phát triển 15 năm trở lại đây, nhưng đã có sự phát triển vượt bậc và đem lại giá trị gia tăng tốt. Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ nông nghiệp – phát triển nông thôn…đã đem lại giá trị lớn cho ngành dừa của Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.

Là người tạo ra ý tưởng và thúc đẩy kiến tạo chuỗi sự kiện CocoNext, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT Betrimex cho biết, không chỉ đơn thuần là nơi chia sẻ và trao đổi thông tin giữa những chuyên gia đầu ngành khắp thế giới, CocoNext mang sứ mệnh khởi đầu cho những bước chuyển đột phá, định hình lại bối cảnh và mở ra kỷ nguyên mới cho ngành dừa. Đây cũng là cam kết chung của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành dừa. Tại CocoNext, nhiều nội dung được chia sẻ từ các chiến lược phát triển bền vững đến điểm then chốt là công nghệ và đổi mới. Việc tích hợp công nghệ tiên tiến vào ngành dừa không chỉ là sự lựa chọn, mà sẽ là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng bền vững và nâng cao chuỗi giá trị.

Bà Alissa Carol M. Ibarra, Chuyên gia nghiên cứu Khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines cho biết, Philippines đã cải thiện chất lượng giống, tăng năng suất hàng năm từ 45 đến 150 quả/năm… Trong thập kỷ qua Philippines đã đẩy mạnh chuyển đổi trong ngành dừa như lai tạo giống, nghiên cứu gen, nhân giống các giống dừa năng suất cao thông qua quy trình công nghệ phôi… tăng thu nhập cho người dân.

Các tiến bộ công nghệ hứa hẹn đưa ngành dừa lên một tầm cao mới, từ kỹ thuật đóng gói sáng tạo, những phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi trong chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, khai thác năng lượng bền vững, cho đến phát triển các sản phẩm mới từ cây dừa. Bà Siti Maharamah binti Hamidon, Phó giám đốc cấp cao Ban phát triển ngành trồng trọt, Cục nông nghiệp Malaysia cũng cho rằng, các sáng kiến phát triển ngành công nghiệp dừa như: hỗ trợ nông dân và xây dựng năng lực; mở rộng và phục hồi đất trồng; quản trị (đề xuất thành lập cơ quan quản lý cho ngành dừa); nghiên cứu và phát triển (R &D); mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu…

Đồng hành cùng đề án phát triển cây dừa của Chính phủ Việt Nam, CocoNext sẽ trở thành cầu nối các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành dừa để thúc đẩy sức mạnh hợp tác, khai thác tối đa tiềm năng quý giá tự nhiên của cây dừa. Đồng thời, CocoNext cũng kiến tạo những giải pháp mang tính đột phá bằng công nghệ tiên tiến. Chủ tịch HĐQT Betrimex khẳng định, CocoNext sẽ thúc đẩy định vị Việt Nam là nhà cung cấp và trung tâm đổi mới hàng đầu của ngành dừa toàn cầu. Đồng thời, bà cũng kỳ vọng đưa Bến Tre trở thành đầu tàu nghiên cứu và phát triển ngành dừa trên thế giới.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục