Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt - Lào

Việt - Lào đang có cơ hội để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, sau chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.     
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư Lào Volachith Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư Lào Volachith

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn Lào là nước đầu tiên đến thăm sau Đại hội XII đã thể hiện rõ sự coi trọng cao độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào. Ở chiều ngược lại, Lào cũng đã tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán là giữ gìn, phát huy và đưa mối quan hệ “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện” với Việt Nam phát triển đi vào chiều sâu.

Khi cả hai quốc gia cùng coi trọng mối quan hệ đó, mối quan hệ đặc biệt được kết tinh bởi nhiều yếu tố, là láng giềng tự nhiên, tương đồng văn hóa, gắn bó lịch sử, cùng chung chí hướng, cùng chung mục tiêu, thì không khó để cả hai bên xác định các trọng tâm hợp tác trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng phát triển.

Trên thực tế, quan hệ Việt Nam - Lào trong suốt thời gian qua đã liên tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Một mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mẫu mực, hiếm có trong quan hệ quốc tế, mà như Chủ tịch Souphanouvong đã nói, đó là “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm và ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”.

Trong đó, quan hệ chính trị được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng gắn bó, tin cậy, với nhiều chuyến thăm, gặp gỡ và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại cũng tiếp tục được tăng cường và có hiệu quả thực chất… Và đặc biệt, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng ngày càng rộng mở.

Có thể khẳng định rằng, việc Hiệp định Thương mại song phương mới, Hiệp định Thương mại Biên giới được ký kết, và hai nước thống nhất triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh được cho là sẽ tạo cơ hội to lớn để thúc đẩy hợp tác song phương. Tương tự như vậy, với vốn đầu tư 5,5 tỷ USD, Việt Nam đang là nhà một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Lào. Ngược lại, Lào là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với chương trình nghị sự dày đặc, đặc biệt là cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith; hội kiến với Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Lào sẽ là nền tảng để hai nước thúc đẩy hơn nữa các quan hệ hợp tác này.

Không chỉ là quan hệ song phương, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào càng có cơ hội mở rộng, hiệu quả và đi vào chiều sâu hơn khi hợp tác đa phương trong khu vực, trong đó có hợp tác Tiểu vùng Mê Kông, hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển CLV (bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia) cũng đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Cùng thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Lào, thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới Campuchia để tham dự Hội nghị cấp cao CLV và đã nhấn mạnh 7 đề xuất của Việt Nam để 3 nước phối hợp triển nhanh trong thời gian tới.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam đã ký kết Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao CLV 9, thông qua danh sách 15 dự án ưu tiên của khu vực Tam giác phát triển CLV để phối hợp vận động đầu tư từ các đối tác phát triển, đồng thời chứng kiến Lễ ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực Tam giác phát triển CLV”.

Đây là những nền tảng căn bản và vững bền để Việt - Lào làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục