Tiếp tục phiên họp thứ sáu (đợt 2), sáng 21/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội.
Phán ánh kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống và sản xuất tăng cao trong khi đời sống, sản xuất của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm và thực hiện các chính sách trợ giá nông sản, hỗ trợ thiệt hại về cây ăn trái bị mất mùa, mất giá, không tiêu thụ được nông sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để người dân an tâm sản xuất và đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp về tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương, quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; tăng mức độ bao phủ tiêm chủng cho toàn dân để người dân được an tâm đi làm việc trở lại, các cháu học sinh được di học đến trường.
“Tình hình dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng trên tất cả các mặt đời sống xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19”, ông Bình báo cáo.
Ngoài ra, theo ông Bình, cử tri còn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các bộ, ngành chức năng liên quan cần ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi cho học sinh trở lại trường; có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh, để đảm bảo chất lượng dạy và học. Bộ cũng cần rà soát lại các quy định về thẩm định sách giáo khoa, chương trình dạy và học; đánh giá kết quả việc dạy và học trực tuyến để có kế hoạch, chương trình giảng dạy thích ứng, phù hợp và đạt kết quả cao trong thời gian tới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cần rà soát cập nhật thêm vấn đề cử tri quan tâm và bức xúc liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Như, TP.HCM có hàng ngàn F0 điều trị tại nhà nhưng không được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội. Rõ ràng mắc Covid nhưng khi thanh toán lại ách tắc vì Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu phải có giấy nghỉ ốm. Theo quy định là đúng nhưng cụ thể thì người F0 cả xã, phường đều biết, vậy có máy móc bắt họ đi xin giấy nghỉ ốm hay không? Như thế tăng khối lượng công việc cho tuyến y tế hiện đang quá tải. Như thế rất hình thức, ông Tùng nhìn nhận.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng, trạm y tế phường có thể đóng dấu xác nhận F0 thay cho giấy nghỉ ốm. Những người F0 rất khó khăn, phải thanh toán bảo hiểm y tế cho họ để bù đắp thanh toán khám chữa bệnh lại không được thanh toán kịp thời. 84 nghìn F0 đang điều trị là số lượng rất lớn nên cử tri rất bức xúc, ông Tùng nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Tùng, tại Bình Dương có việc người lao động phải bỏ tiền túi ra nộp tiền xét nghiệm Covid, có người nộp 4,5 triệu đồng, gần hết lương cả tháng. Đây là vấn đề cử tri quan tâm, do đó cần quan tâm giải quyết và công khai minh bạch kết quả giải quyết.
“Hiện cử tri rất bức xúc vấn đề thổi giá xét nghiệm của Công ty Việt Á. Cơ quan điều tra đang vào cuộc xử lý. Nhưng nơi sản xuất 30 nghìn kit xét nghiệm của công ty này trong một ngày giống như kho của hợp tác xã. WHO không công nhận chất lượng để có thể áp dụng chung nhưng theo chuẩn Việt Nam lại phù hợp nên cử tri quan tâm chất lượng thực tế của kit xét nghiệm này như thế nào? Có đáp ứng yêu cầu chuyên môn hay không khi gần như cả nước sử dụng đại trà kit do công ty này sản xuất. Vấn đề này cần làm rõ cũng như cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và một số Bộ có liên quan. Đặc biệt vấn đề này cần xử lý nghiêm minh, công khai kết quả xử lý. Bởi ở nhiều địa phương giá xét nghiệm rất cao, trên dưới 500.000 đồng 1 kit. Có nơi 470.000 đồng nhưng có nơi lại hơn 500.000 đồng, trong khi thực tế nếu mua của nước ngoài với số lượng lớn có khi chỉ 1-2 USD/1 kit xét nghiệm, mà giá thế này khiến cử tri bức xúc", ông Tùng phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tới đây Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp bất thường. Vì là kỳ họp bất thường nên không tiếp xúc cử tri nhưng Ban Dân nguyện cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn đại biểu Quốc hội cần nắm bắt nguyện vọng nhân dân, nhất là các vụ việc có tính chất nổi cộm hiện nay.
Ban Dân nguyện cùng các cơ quan tổng hợp báo cáo để gửi cho các đại biểu về các vấn đề thiệt hại mưa bão lũ ở miền Trung, sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của bão; kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ liên quan hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động đến nay có kết quả sơ bộ thế nào, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu công khai minh bạch trong công tác phòng chống dịch, nổi lên là vấn đề giá kit xét nghiệm là vấn đề người dân quan tâm.
“Như anh Tùng cũng đã nói, vụ việc nổi lên đó là giá kit test Covid -19. Đây là những vấn đề được người dân quan tâm, nên chăng trong kỳ họp này cũng có báo cáo bằng văn bản", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện cử tri và nhân dân vẫn lo lắng về tình hình phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu bão lũ liên tiếp xảy ra, nhất là ở các tỉnh miền Trung, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, mất an toàn thực phẩm, sản xuất mua bán hàng giả hàng lậu, tình trạng vi phạm pháp luật của một số đối tượng.
Đặc biệt trong ngành y tế còn diễn biến phức tạp còn gây bức xúc trong nhân dân, đề nghị Ban Dân nguyện tổng hợp thêm, ông Mẫn lưu ý.
Đợt hai của phiên họp thứ sáu diễn ra trong hai ngày 21 và 22/12, theo dự kiến chiều 22/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.