Làm rõ trách nhiệm vì sao tiền có mà khó tiêu

Ngân sách hạn hẹp nhưng tiền đã có cũng vẫn khó tiêu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Ngân sách hạn hẹp nhưng tiền đã có cũng vẫn khó tiêu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân .

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5, cả Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ủy ban tài chính - Ngân sách của Quốc hội đều nhấn mạnh sự chậm trễ trong thực hiện một số yêu cầu của Quốc hội, trong đó có giải ngân đầu tư công và đặc biệt là gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đánh giá nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, chi đầu tư, ước thực hiện giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, số giải ngân trên thấp hơn so với số Quốc hội giao do còn nhiệm vụ chi từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giao dự toán (16.000 tỷ đồng) phải chuyển nguồn sang năm 2022.

Bên cạnh số vốn trong nước giải ngân khá tốt thì việc giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp, chỉ bằng 32,85% kế hoạch và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục.

Thường trực Ủy ban cho rằng, việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý, theo đó làm phát sinh khoản chi NSNN không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả. Một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp so với dự toán, chỉ đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.

Đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, đặc biệt trong bối cảnh ưu tiên tăng cường bố trí vốn, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển để tạo đà cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, báo cáo thẩm tra nêu quan điểm.

Ngoài ra, đối với số vốn ngân sách Trung ương chưa được giải ngân 55,6 nghìn tỷ đồng (không bao gồm 16 nghìn tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia), cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân.

Theo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, số chuyển nguồn qua các năm còn khá lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn. Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn để có thêm căn cứ trong xây dựng dự toán cũng như có giải pháp khắc phục. Đồng thời, rà soát lại các quy định của pháp luật về các trường hợp được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Với chi ngân sách năm 2022, cơ quan thẩm tra nhận định tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ còn khá chậm, sẽ tạo áp lực khá lớn trong những tháng còn lại, đặc biệt là vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 1% kế hoạch.

Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, cùng với việc còn một lượng vốn xây dựng cơ bản chưa được phân bổ, thì thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ đề ra càng cấp bách, đặc biệt là đối với các địa phương cần phải giải ngân trước thời điểm vào mùa mưa sắp tới. Bên cạnh đó, tình trạng giải ngân chậm nguồn vốn ODA (năm 2021 đã phải hủy dự toán số chưa thực hiện giải ngân) đã kéo dài trong các năm gần đây. Việc giải ngân các công trình trọng điểm quốc gia chưa bảo đảm tiến độ.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai, thực hiện.

Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh "Việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục không bảo đảm tiến độ, thể hiện việc chưa nghiêm túc trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực trong bối cảnh NSNN hạn hẹp, trong khi đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người yếu thế trong xã hội đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ kịp thời".

Tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng được cơ quan thẩm tra nhận xét là còn hạn chế:.

"Căn cứ vào tiến độ được quy định trong Nghị quyết và yêu cầu cấp bách của thực tiễn đặt ra thì việc tổ chức triển khai đến nay là khá chậm. Đến nay qua 5 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Nếu đối chiếu với quy định về tiến độ giải ngân, thời hạn hoàn thành dự án quy định trong Nghị quyết 43 của Quốc hội thì khó hoàn thành", cơ quan thẩm tra sốt ruột.

Đề nghị từ cơ quan giúp Quốc hội "gác cửa" ngân sách với Chính phủ là cần thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển. Cơ quan thẩm tra còn đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục tồn tại trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, rà soát, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân trong chậm triển khai các quy định của Nghị quyết. Kịp thời hoàn thiện danh mục dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định, điều hòa linh hoạt nguồn vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

Bên cạnh đó, cần nghiêm túc tổ chức thực hiện các chương trình, bảo đảm nguồn lực sớm đưa vào vận hành, đến với người dân. Kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm trong việc để chậm tiến độ đối với cả 3 chương trình này, cơ quan của Quốc hội đề nghị.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục