Làm rõ trách nhiệm 17 cơ quan chưa giải ngân vốn đầu tư công 2022

0:00 / 0:00
0:00
Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 là yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã được Chính phủ thực hiện.
Làm rõ trách nhiệm 17 cơ quan chưa giải ngân vốn đầu tư công 2022

Báo cáo gửi Quốc hội ngày 20/5 được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ký, thừa uỷ quyền Thủ tướng.

Bộ trưởng cho biết, vốn NSNN năm 2022 ước thanh toán đến 30/4/2022 là 95.724,49 tỷ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 18,65% kế hoạch Thủ tướng giao).

Trong đó: vốn trong nước là 94.592,89 tỷ đồng đạt 19,57% kế hoạch Thủ tướng giao, vốn nước ngoài là 1.131,61 tỷ đồng đạt 3,25% kế hoạch, có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Sẽ chỉ rõ nguyên nhân chủ quan

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho biết, theo báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương, nguyên nhân chưa giải ngân chủ yếu là do, đối với các dự án khởi công mới thì sau khi được giao kế hoạch vốn, chủ đầu tư mới triển khai các thủ tục như: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đến bước lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị cho hạng mục tương ứng với giá trị kế hoạch vốn được giao. Thông thường, thời gian chuẩn bị các thủ tục này khoảng 6 tháng nên sẽ bắt đầu giải ngân từ quý 2.

Đối với các dự án chuyển tiếp, đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, đến nay các nhà thầu đang triển khai thi công, những tháng đầu năm 2022 chưa đến kỳ thanh toán theo hợp đồng cho nhà thầu nên chưa giải ngân.

Bên cạnh đó có lý do từ một số dự án vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng nhất là công tác kiểm đếm đất để bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Theo báo cáo, ngày 2/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Các Tổ công tác sẽ chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc chậm trễ giải ngân vốn, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.

Phần tiếp theo của báo cáo, Bộ trưởng cập nhật số liệu giải ngân và nguyên nhân chậm giải ngân của một số bộ, cơ quan trung ương cũng như các giải pháp khắc phục. Một số cơ quan được nhắc đến gồm có Bộ Ngoại giao, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam...

Áp lực giải ngân vốn trong năm 2022 rất lớn

Về khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 526.105,895 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn này, cần phải giải ngân một lượng vốn lớn từ 60-80 nghìn tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Do đó áp lực giải ngân vốn trong năm 2022 là rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Trong đó, vai trò của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải được đề cao", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Báo cáo nêu rõ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải làm tốt vai trò chủ thể trong việc ban hành các quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá; chủ động, tích cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn,... chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục