IPO thành công, nhưng chây ì lên sàn
Theo Quyết định 89/QĐ-TTCP ngày 14/3/2018 của Thanh tra Chính phủ, cơ quan này tiến hành thanh tra quá trình cổ phần hóa Vinamed; việc thoái vốn nhà nước và sáp nhập Mediplast vào Vinamed. Đoàn thanh tra gồm 8 thành viên, do ông Nguyễn Hữu Nhường, thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn, với thời gian thanh tra kéo dài 40 ngày.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị đối tượng thanh tra (Vinamed) phải thực hiện các yêu cầu về cung cấp tài liệu, hồ sơ kịp thời, đầy đủ cho đoàn thanh tra; Bộ Y tế cũng như các đơn vị có liên quan phân công đầu mối bố trí thời gian, sắp xếp lịch làm việc với đoàn, tạo mọi điều kiện để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.
Cách đây gần 2 năm, quá trình cổ phần hóa Vinamed được nhìn nhận là thành công, khi vào tháng 5/2016, qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Vinamed đã bán hơn 3,5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Kết quả, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã được bán hết cho 11 nhà đầu tư (10 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức), với giá đấu thành công là 10.201 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt gần 36 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Vinamed sau cổ phần hóa là 88 tỷ đồng, trong đó cổ đông nhà nước nắm giữ hơn 1,7 triệu cổ phần, tương ứng 20% vốn điều lệ.
Vinamed nằm trong sách doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán theo công bố của Văn phòng Chính phủ năm 2017. Đến nay, Vinamed vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn như quy định. Dù đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng tại ngày 6/4/2018, trên website của Vinamed không có thông tin liên quan đến hoạt động của Công ty trong mục “Tin cổ đông”.
Lùm xùm thương vụ sáp nhập
Đáng chú ý, một trong những nội dung Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ tại cuộc thanh tra này là việc thoái vốn nhà nước và quá trình sáp nhập Mediplast vào Vinamed. Cuộc sáp nhập này có nhiều điều tiếng đến mức Vinamed phải gửi công văn “kêu cứu” lên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, cũng như Bộ Tài chính.
Cụ thể, trong Công văn số 110/TCT-HCQT ngày 13/10/2017 do Tổng giám đốc Vinamed Trịnh Văn Mạo ký gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có nêu: trước, trong và sau khi Mediplast sáp vào Vinamed-CTCP (Vinamed sau cổ phần hóa - PV), một nhóm cổ đông gồm bà Lê Thị Minh Châu và 10 cổ đông khác (nắm giữ dưới 5% cổ phần tại Mediplast) đã thông tin tiêu cực, gây ảnh hưởng đến hoạt động của Vinamed. Tổng công ty khẳng định, việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed-CTCP là đúng quy định của pháp luật và được đại đa số cổ đông, người lao động đồng ý.
Tuy nhiên, tại Công văn số 10804/VPCP-V.I ngày 11/10/2017 của Văn phòng Chính phủ về phản ánh, kiến nghị của bà Lê Thị Minh Châu, đã yêu cầu Bộ Y tế giải trình thông tin về thương vụ sáp nhập.
Theo giải trình của Bộ Y tế, việc Vinamed chuyển nhượng 750.000 cổ phần Mediplast và 358.333 cổ phần Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco là thuộc thẩm quyền của Vinamed-CTCP theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty...
Về nội dung Mediplast sáp nhập vào Vinamed, Bộ Y tế cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc này thuộc thẩm quyền của Vinamed và Mediplast. Các bên nhận và bị sáp nhập đã thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2, Điều 95, Luật Doanh nghiệp, phương án sáp nhập đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trong quá trình lấy phiếu biểu quyết để thông qua phương án sáp nhập tại đại hội đồng cổ đông, người đại diện phần vốn nhà nước đã thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Y tế là biểu quyết không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tỷ lệ vốn nhà nước chỉ là 20%, nên không đủ để phủ quyết phương án sáp nhập.
Hiện các bên liên quan đang chờ kết quả thanh tra về việc có hay không những sai phạm tại Vinamed trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và nhận sáp nhập Mediplast. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về cuộc thanh tra này khi có diễn biến mới.