Lạm phát tăng thấp, nhưng chưa thể thỏa mãn, lơ là

Lạm phát là đỉnh quan trọng của “tứ giác mục tiêu” (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán và thất nghiệp), đồng thời là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Do vậy, diễn biến của lạm phát cần được theo dõi chặt chẽ để thấy tín hiệu và cảnh báo những vấn đề cần thiết.

Tín hiệu khả quan

Nhìn tổng quát, kết quả tích cực, tín hiệu khả quan rõ nhất là CPI sau 9 tháng năm nay (tức là tháng 9 năm nay so với tháng 12 năm trước) tăng thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm trước, thấp xa so với cùng kỳ năm trước. Với “tiến độ” sau 9 tháng cũng như lượng đoán các yếu tố tác động trong 3 tháng còn lại, có thể dự đoán CPI tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước sẽ thấp xa so với con số tương ứng của năm trước (4,74%) và các năm từ 2002 đến 2013.

Với đà đi xuống của CPI bình quân trong 9 tháng qua (tháng 1 tăng 5,2%; 9 tháng tăng 3,79%...), thì khả năng cả năm sẽ thấp hơn mục tiêu kế hoạch (4%) và nếu có cao hơn với năm trước (2,66%) cũng không nhiều.

Lạm phát tăng thấp, nhưng chưa thể thỏa mãn, lơ là ảnh 1

 Khả năng CPI cả năm sẽ thấp hơn mục tiêu kế hoạch 4%.

Nhìn vào diễn biến tăng/giảm giá của các nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể, có thể rút ra một số nhận xét theo hướng là kết quả tích cực, tín hiệu khả quan của việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu cho tiêu dùng (chiếm 36,12%) sau 9 tháng giảm 1,99%, bình quân 9 tháng giảm 0,93%.

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác sau 9 tháng giá cũng tăng thấp (may mặc, giày dép, mũ nón tăng 0,39%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,77%...); riêng bưu chính - viễn thông tiếp tục giảm 0,41%.

Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng thấp hơn và ở mức thấp (1,45% so với 1,81%). Điều đó chứng tỏ tác động của yếu tố tiền tệ đối với lạm phát không nhiều. Diễn biến lạm phát thường tác động đến sự biến động của giá vàng, giá USD.

Giá vàng sau 9 tháng tăng cao hơn CPI (6,12% so với 1,83%) và bình quân 9 tháng tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (4,03% so với 4,34%), nhưng sau 9 tháng năm nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (6,12% so với 17,11%).

CPI và giá USD ở trong nước tăng thấp, lại diễn ra khi giá nhập khẩu tính bằng USD tăng (bình quân 9 tháng tăng 2,81%); nhưng do giá xuất khẩu tăng cao hơn (tăng 4,73%), nên tỷ giá thương mại tiếp tục mang dấu dương (tăng 1,87%), tức là xuất khẩu vẫn có lợi hơn nhập khẩu về tỷ giá. Đã vậy, dự trữ ngoại hối đến giữa năm nay đã đạt kỷ lục mới (trên 42 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với cuối năm trước).

Thời cơ và thách thức

Thời cơ do CPI tăng thấp có nhiều, nhưng có thể nhận diện trên một số mặt đáng lưu ý. Có thể yên tâm hơn với lạm phát và có điều kiện tập trung hơn cho tăng trưởng. Cần tiếp tục thực hiện theo tư duy “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”.

Nếu trở lại tư duy “kiềm chế lạm phát”, thì lạm phát sẽ tăng thấp hơn nhiều so với năm trước và so với mục tiêu. Tuy nhiên, người sản xuất - kinh doanh sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ, tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn của năm nay (6,7% so với 6,21%).

Một thời cơ khi CPI tăng thấp là hạ lãi suất cho vay, vừa để tạo điều kiện cho việc vay vốn khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững trên thị trường; vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh. Đây cũng là thời cơ để tăng trưởng tốc độ tín dụng.

Ngoài ra, khi CPI, tỷ giá VND/USD tăng thấp, nguồn ngoại tệ còn tồn đọng lớn trong dân, Ngân hàng Nhà nước có thể đẩy mạnh việc mua ngoại tệ cũng như sự chuyển hóa từ nội tệ sang ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh kết quả tích cực, tín hiệu khả quan, cũng chưa thể chủ quan, thỏa mãn, lơ là với lạm phát, bởi vẫn có nhiều yếu tố tác động làm cho lạm phát cao lên, nếu không vào 3 tháng cuối năm nay thì cũng sẽ vào dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục