Lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt mức cao kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát ở khu vực đồng euro đã gây bất ngờ cho thị trường hôm thứ Tư (2/2) khi đạt mức cao kỷ lục và gây thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt mức cao kỷ lục mới

Chỉ số giá tiêu dùng của khu vực đồng euro đã tăng lên 5,1% trong tháng 1, tăng hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của ECB bất chấp kỳ vọng giảm mạnh xuống 4,4%. Trước đó, con số lạm phát của tháng 12/2021 là 5%.

Đây là yếu tố vĩ mô bất ngờ không mong muốn vào đầu năm 2022 đối với các nhà hoạch định chính sách tại ECB, những người đã nói rằng họ không mong đợi sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm nay.

ECB sẽ họp vào tuần này và sẽ có một thông báo vào thứ Năm (3/2). Ngân hàng trung ương của khu vực đồng euro được thiết lập để tập trung vào lạm phát, rủi ro địa chính trị, sự gia tăng gần đây của lợi tức trái phiếu và những tác động của nó đối với các điều kiện tài chính.

Một câu hỏi quan trọng khác sẽ là làm thế nào để có thể thiết lập chính sách tiền tệ độc lập trong khu vực vào thời điểm các ngân hàng như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang bước vào chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ.

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Berenberg Bank cho biết: “Lạm phát tiếp tục gây bất ngờ với chiều ngược lại, Fed có vẻ sẽ tăng lãi suất lên tới sáu lần trong năm nay, bắt đầu từ ngày 16/3”.

“Trong bối cảnh đó, cuộc tranh luận tại ECB có thể sẽ còn trở nên tranh cãi hơn trước”, ông cho biết.

Vào thứ Năm (3/2), thị trường sẽ theo dõi liệu Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ đưa ra những thay đổi đối với các tuyên bố trước đó rằng việc tăng lãi suất là "rất khó xảy ra" vào năm 2022. Hay liệu sẽ có sự điều chỉnh trong đánh giá của ECB về tính chất "thoáng qua" của lạm phát tăng đột biến hiện nay.

Ulrich Leuchtmann, Trưởng bộ phận ngoại hối tại ngân hàng Commerzbank cho biết thị trường tiền tệ hiện đang định giá ECB sẽ tăng lãi suất trong quý cuối năm nay.

Căng thẳng Nga-Ukraine

Một nội dung quan trọng khác trong chương trình nghị sự của ECB sẽ là căng thẳng giữa Nga và Ukraine với bất kỳ tác động tiềm ẩn nào.

“Nếu căng thẳng gia tăng sẽ dẫn đến gián đoạn cung cấp năng lượng cho châu Âu, chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ ngày càng ôn hòa hơn, tập trung vào tác động của tăng trưởng và ổn định tài chính, bất chấp khả năng lạm phát giá năng lượng cao hơn trong ngắn hạn”, Anatoli Annenkov, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Societe Generale cho biết.

Mark Wall, nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank cho biết: “Có 17 lần sử dụng từ “không chắc chắn” trong cuộc họp báo tháng 12 ECB, tăng từ 0 lần trong tháng 10”.

Điều này thường xảy ra với các ngân hàng trung ương và giao tiếp của họ với thị trường khi nói về những sắc thái nhỏ của ngôn ngữ và ngữ nghĩa khi đánh giá con đường tương lai của chính sách tiền tệ trong khu vực.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục