Thứ nhất, một trong những lý do chủ yếu khiến lạm phát của nước ta cao ngất ngưởng so với các nước trong khu vực là quy mô “nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới” ở mức kỷ lục. Vì thế, triển vọng giá nguyên liệu thế giới hạ nhiệt sẽ giúp giảm rất đáng kể tác động bất lợi này.
Các số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho thấy, tuy giá nguyên liệu thế giới trong năm 2007 ước chỉ tăng 9,77%, nhưng đây chính là “bước nhảy kỷ lục” sau ba năm liên tục tăng. Trong bối cảnh đó, đương nhiên, nền kinh tế nào càng phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu càng bị tác động bất lợi lớn, mà biểu hiện rõ nhất là tốc độ tăng giá tiêu dùng cao.
Tuy nhiên, dự báo gần đây của IMF lại cho rằng, năm nay, giá nguyên liệu thế giới sẽ chỉ tăng 0,32%. Nếu dự báo này là đúng, thì tác động bất lợi đặc biệt lớn do tốc độ tăng nhập khẩu đại nhảy vọt bắt nguồn từ việc giá nguyên liệu sốt nóng khuyếch đại lên sẽ hầu như biến mất. Trong đó, điều rất đáng mừng đối với chúng ta là ở chỗ, theo dự báo này, giá dầu mỏ thế giới chiếm 39,9% “rổ hàng hoá nguyên liệu” trong năm nay vẫn sẽ tăng 9,5%, nhưng giá của các loại nguyên liệu phi dầu mỏ chiếm 60,1% lần đầu tiên sẽ giảm 6,7% sau 8 năm liên tục tăng, bởi các loại nguyên liệu nhập khẩu này của nước ta hiện chiếm trên 3/4 “rổ hàng hoá nguyên liệu nhập khẩu”.
Thứ hai, đối với các sản phẩm “made in Vietnam thứ thiệt”, tức là ít phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu, trước hết và chủ yếu là hàng nông sản thực phẩm, chính sốt nóng trong thời gian rất dài và rất có thể đã lên đến đỉnh điểm trong năm 2007 lại trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy sản xuất phát triển, khiến cán cân cung - cầu các mặt hàng này sớm trở lại trạng thái thăng bằng.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong khi GDP năm nay tăng kỷ lục 8,48%, đồng nghĩa với việc thu nhập của các tầng lớp dân cư tăng mạnh, khiến nhu cầu tiêu dùng nông sản thực phẩm cũng tăng mạnh, nhưng tốc độ tăng sản xuất nông nghiệp lại chỉ “lẹt đẹt” ở mức 2,34%, thấp kỷ lục trong vòng 18 năm trở lại đây. Trong đó, tốc độ tăng 4,6% của ngành chăn nuôi cũng rất thấp, điển hình là đàn lợn, loại gia súc cung cấp đại bộ phận thịt ở nước ta giảm 1,1%.
Có thể nói, các số liệu thống kê giá tiêu dùng năm 2007 chính là bức tranh phản ánh trung thực trạng thái cán cân cung - cầu của nhóm hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường. Thay vì tỷ giá cánh kéo giữa hàng nông sản và hàng công nghiệp trước đây, đã đến lúc có thể nói đến loại tỷ giá cánh kéo ngược lại. Đó là, tỷ giá cánh kéo giữa hàng công nghiệp và hàng nông sản. Xét ở góc độ người sản xuất, đó chính là nguồn động lực cực mạnh để sản xuất nông sản hàng hoá năm 2008 tăng tốc. Việc khu vực kinh tế nông nghiệp năm 1999 đột ngột tăng 5,23% sau sự kiện “El' Nino thế kỷ 1997-1998” và đồng thời cũng là năm kết thúc chu kỳ sốt nóng giá nông sản thế giới (1994-1998), còn năm 2000 vẫn tiếp tục tăng mạnh 4,63% trong khi năm 1998 chỉ tăng 3,53% đủ cho thấy rất rõ điều đó.
Thứ ba, đối với tác nhân đặc biệt quan trọng khác là tiền tệ, cũng có thể tin rằng, sau khi tung một khối lượng lớn Việt Nam đồng để mua USD tăng cường cho dự trữ quốc gia, nhưng lại lúng túng trong việc hút trở lại khiến thị trường bị “lụt tiền” mà có thể ví đây như “lần ngã” đầu tiên, thì trong năm 2008, chúng ta chắc chắn sẽ “bớt dại”.
Nói tóm lại, một khi cả ba “thủ phạm chính” gây lạm phát cao kỷ lục vừa qua hoặc “tự nó yếu đi” hoặc do chúng ta mạnh và khôn lên, nhiều khả năng, lạm phát năm nay sẽ dịu bớt, bởi chúng sẽ được rảnh tay để đối phó với những tác nhân còn lại dễ nhận diện hơn, như cầu kéo do nền kinh tế tăng tốc, tăng giá điện, giá than... cũng như tăng lương theo lộ trình.ª