Lạm phát làm thúc đẩy giá cổ phiếu vận tải, sản xuất vật liệu trên thị trường chứng khoán châu Á

(ĐTCK) Các giao dịch theo kỳ vọng lạm phát (Reflation trade) đang tồn tại và thúc đẩy trên thị trường chứng khoán châu Á. Trong đó, các công ty vận tải và nhà sản xuất nguyên vật liệu thô đang hoạt động tốt hơn cả các chỉ số chứng khoán chung vì sự gia tăng giá hàng hóa khi nền kinh tế phục hồi.

Cổ phiếu của Cosco Shipping Holdings tại Trung Quốc đã tăng 76% trong năm nay. Philex Mining đã tăng hơn 40% tại Philippines trong khi nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát đã tăng 72%. Kế đó, ngành vận tải biển là ngành đứng đầu về mức tăng tại thị trường chứng khoán Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Trong khi các cổ phiếu liên quan đến ngành năng lượng đang tăng trên toàn thế giới, thì châu Á có thể được hưởng lợi nhiều hơn khi giá hàng hóa tăng. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các cổ phiếu vật liệu và năng lượng có tỷ trọng hơn 8% trong rổ Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương, so với khoảng 6% đối với chỉ số S&P 500.

Paiboon Nalinthrangkurn, Giám đốc điều hành của Tisco Securities ở Bangkok cho biết: “Có một nhu cầu bị dồn nén khi một số nền kinh tế lớn như Mỹ và một số quốc gia châu Âu mở cửa trở lại với việc triển khai vắc xin thành công. Chúng tôi lạc quan về thị phần của các nhà xuất khẩu, chẳng hạn như các bộ phận điện tử và các sản phẩm hàng hóa khi nhiều quốc gia mở cửa hơn”.

Mặc dù các nhà phân tích nhận thấy giá hàng hóa tăng cao hơn khi thế giới xuất hồi phục từ đại dịch, nhưng vẫn có rất nhiều rủi ro.

Chiến dịch của Trung Quốc nhằm hạ giá hàng hóa vì họ cho rằng giá cả bất hợp lý và bất kỳ biện pháp kích thích nào giảm dần của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ảnh hưởng tới giá các loại tài sản và các công ty liên quan đến nó. Kim loại công nghiệp đã dao động trong những tuần gần đây do lo ngại rằng chi phí cao hơn đang gây ra lạm phát.

Trong khi đó, các cổ phiếu vận tải của khu vực châu Á đang thu hút các nhà đầu tư khi kinh tế toàn cầu phục hồi thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại châu Á và căng thẳng chuỗi cung ứng khiến giá vận chuyển lên mức cao kỷ lục.

Xuất khẩu của Hàn Quốc, một đại diện chính cho thương mại thế giới, đã tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ năm 1988 vào tháng 5. Đài Loan cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 lên hơn 20% từ mức 9,6% trước đó.

Thoresen Thai Agencies và Regional Container Lines là hai trong số những cổ phiếu vận tải lớn nhất ở Thái Lan đã tăng ít nhất 3 lần trong năm nay. Trong khi đó Chỉ số SET của Thái Lan chỉ tăng khoảng 12% trong giai đoạn này.

Tại Philippines, cổ phiếu hoạt động tốt nhất tại thị trường này là Dịch vụ cảng container quốc tế với mức tăng 20% so với mức giảm 5% của chỉ số chung.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu vận tải biển đã mở rộng mức tăng của năm nay vào thứ Ba (8/6). Korea Line và Evergreen Marine đều tăng hơn 3% trong khi Kawasaki Kisen Kaisha của Nhật Bản tăng 4.5%, mức giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Các nhà phân tích Lee A Klaskow và Adam Roszkowski của Bloomberg cho biết, năm 2021 có thể là một trong những năm tốt nhất cho ngành vận tải hàng không và đặt nền móng vững chắc cho một năm 2022.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục