Lạm phát “hạ nhiệt”, lãi suất vẫn khó giảm

(ĐTCK) Lạm phát đang có dấu hiệu "hạ nhiệt" và đó là một trong những cơ sở để hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dư địa để giảm lãi suất là không nhiều.
Ngân hàng khó hạ lãi suất huy động do sức ép tỷ giá

Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 giảm nhẹ 0,09% so với tháng 6. Thông thường, lạm phát thấp sẽ là cơ sở để điều chỉnh giảm lãi suất. Tuy nhiên, cơ hội để giảm lãi suất là không nhiều, bởi dù đã giảm tốc, nhưng lạm phát tính theo năm vẫn ở mức 4,46% và lạm phát bình quân tiếp tục tăng lên 3,45%, trong khi áp lực lạm phát những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn. Đó là chưa kể tỷ giá cũng đang chịu nhiều áp lực do đồng USD đang trên đà tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận định, để tăng hay giảm lãi suất, nhà điều hành dựa vào các yếu tố như lạm phát, lượng cung tiền, nhu cầu tín dụng, khả năng huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng và đặc biệt là câu chuyện tỷ giá... Theo đó, lạm phát chỉ là một trong những yếu tố để xem xét tăng hay giảm lãi suất. CPI thấp chỉ là điều kiện cần để giảm lãi suất, mà chưa bao hàm những điều kiện đủ.

Thực tế cho thấy, mặc dù lạm phát giảm nhẹ, nhưng các áp lực vẫn hiện hữu, chẳng hạn: Lương cơ bản bắt đầu tăng từ 1/7/2018, nhưng tháng 8 mới có tác động thực sự bởi độ trễ của chính sách; giá cả hàng hóa, giá dầu trên thế giới có thể vẫn tăng và giá cả hàng hóa ở trong nước đồng thời theo chiều hướng tăng... Bên cạnh đó, câu chuyện tỷ giá cũng đang chịu nhiều áp lực do giới đầu tư lạc quan về kinh tế Mỹ khiến đồng USD tăng mạnh trên thị trường thế giới và điều này tạo ra áp lực nhất định đối với lạm phát.

Giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng phân tích, lạm phát tuy ổn định, nhưng ngành ngân hàng khó hạ lãi suất huy động do chịu sức ép tỷ giá. Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 15 ngày đầu tháng 7/2018 đạt 8,342 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 9,221 tỷ USD. Như vậy, mức thâm hụt thương mại của cả nước trong nửa đầu tháng 7 lên đến 879 triệu USD.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thừa nhận, ngân hàng khó hạ lãi suất huy động do chịu sức ép tỷ giá. Yếu tố tạo áp lực lớn nhất đối với thị trường ngoại hối trong giai đoạn tới đến từ những diễn biến phức tạp, gia tăng rủi ro của môi trường kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại được phát động từ Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc có chiều hướng leo thang đang tạo ra ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế các quốc gia mới nổi.

Với đặc thù của một nền kinh tế có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 200% GDP, cộng với vị trí địa lý là quốc gia láng giềng của Trung Quốc - "tâm bão" trong cuộc chiến tranh thương mại, Việt Nam chắc chắn cũng sẽ đối mặt với không ít thử thách, trong đó tác động ngắn hạn đối với tỷ giá USD/VND có thể sẽ đến từ các khía cạnh như tâm lý lo ngại gia tăng, xu hướng tăng giá của đồng USD, giảm giá của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế, hay nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong trung dài hạn, phạm vi hay mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào tình hình của cuộc chiến thương mại sẽ duy trì trạng thái giằng co trong ít nhất một vài tháng tới. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất VND, USD trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng có thể tiếp tục ở mức âm, kỳ hạn 1 tuần dao động trong khoảng -1%/năm đến -0,5%/năm. Đồng thời, tâm lý thị trường mặc dù giảm bớt sự lo ngại sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai các giải pháp can thiệp và tạo lập ngưỡng chặn mới, nhưng sự thận trọng sẽ tiếp tục được duy trì trong bối cảnh rủi ro gia tăng

Thông tin về hoạt động ngân hàng của NHNN tuần từ 16-20/7 cho thấy, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước đó, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong tuần qua có xu hướng tăng mạnh ở các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 0,88%/năm; 0,86%/năm và 0,76%/năm lên mức 2,00%/năm; 2,23%/năm và 2,66%/năm. Đối với các giao dịch USD, so với tuần trước đó, lãi suất bình quân cũng có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 0,04%/năm; 0,03%/năm và 0,29%/năm lên mức 2,01%/năm; 2,12%/năm và 2,57%/năm.

“Thông tin trên website của NHNN cho thấy, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã nhích lên từ những ngày cuối tháng 6 - đầu tháng 7/2018. Bên cạnh đó, dù thị trường ngoại hối đã ổn định trên mặt bằng giá mới, nhưng giới đầu cơ và người dân vẫn kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh, nên đã có sự chuyển dịch từ nắm giữ VND sang USD để chờ giá lên kiếm lời. Do vậy, các ngân hàng không hạ lãi suất huy động để giữ khoảng cách chênh lệch giữa VND và USD nhằm giữ chân khách hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục