CPI tháng 8 gần như không tăng, khiến nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu giữ lạm phát tối đa 4% trong năm nay đã nằm trong tầm kiểm soát, nhưng vì sao, ông vẫn “canh cánh” nỗi lo về lạm phát?
PGS-TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế |
Đúng là CPI tháng 8 gần như không tăng so với tháng trước, nhưng kể từ đầu năm đến nay, chưa tháng nào CPI giảm. Đây là điều bất thường so với mọi năm.
CPI tháng 8 không tăng so với tháng 7, nhưng vẫn tăng 3,6% so với cuối năm ngoái và tăng 2,89% so với tháng 8/2021. Đây là mức tăng không hề thấp. Người tiêu dùng không quan tâm đến những số liệu công bố, người ta chỉ biết rằng, cuối năm ngoái bỏ ra 100.000 đồng, thì nay phải bỏ ra 103.600 đồng để tiêu dùng. Tương tự, tháng 8 năm ngoái chỉ mất 100.000 đồng, thì nay phải bỏ ra 102.890 đồng để chi tiêu.
CPI tháng 8 không tăng so với tháng 7 là do giá xăng dầu giảm liên tục, mà giá xăng dầu tăng hay giảm phụ thuộc vào giá thế giới. Giá xăng dầu trên thế giới đã giảm liên tục, đe dọa đến nguồn thu của các nước OPEC+, vì vậy, những nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ không để giá xăng dầu rơi tự do bằng cách hạn chế nguồn cung. Khi giá xăng dầu thế giới không giảm nữa, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng không thể giảm như trong 2 tháng vừa qua, thì liệu CPI các tháng còn lại của năm 2022 còn tăng thấp như tháng 7, tháng 8/2022 hay không, nhất là trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu vẫn ở mức rất cao.
Nên nhớ rằng, nhờ giảm giá xăng dầu, nên nhóm chỉ số giá giao thông tháng 7 giảm 2,85%, kéo CPI chung giảm 0,28%. Còn tháng 8 vừa qua, cũng nhờ giảm được giá xăng dầu nên nhóm giao thông giảm 5,51%, kéo CPI chung giảm 0,53%. Khi giá xăng dầu không còn hỗ trợ được nữa do đã giảm quá sức chịu đựng của OPEC+ thì lấy gì để kéo CPI chung xuống.
Ngoài giá xăng dầu thì yếu tố nào khiến ông lo ngại CPI sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm 2022?
Thực ra, mặt hàng xăng dầu đánh vào “dạ dày” của người tiêu dùng không nhiều, vì chi phí cho mặt hàng chiến lược này chỉ chiếm 1,5% tổng chi tiêu của hộ gia đình mà thôi.
Mặt hàng đánh vào dạ dày của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam theo đúng nghĩa đen là lương thực, thực phẩm thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong rổ hàng hóa tính CPI. Trong tháng 7, nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 1,37% so với tháng 6, tác động làm CPI tăng 0,4%. Còn trong tháng 8 này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng 1,05% so với tháng 7, trong đó riêng giá thịt lợn tháng 8 tăng 4,95% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá thịt lợn tăng khiến các loại thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng theo.
Đáng nói là, giá thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng, nhưng người tiêu dùng khó có thể chuyển sang các loại thực phẩm khác, một phần do thói quen tiêu dùng của người Việt, phần nữa là giá các loại thực phẩm khác cũng tăng do giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao.
Chưa kể, hầu hết các loại hàng hóa khác như dầu mỡ ăn, nước mắm, nước chấm; sữa, bơ, pho mát; bánh, mứt, kẹo; rau tươi, rau khô; củ quả; ra gia vị... cái gì cũng tăng. Có thể năm nay vẫn kiểm soát được lạm phát dưới 4%, nhưng những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng cao thì đời sống của đa người dân sẽ trở nên khó khăn.
Một trong những yếu tố khiến CPI tháng 8 gần như không tăng, đó là nhu cầu chưa tăng đột biến. Song sang tháng 9, những gia đình có con em đi học từ mẫu giáo đến đại học mới phải móc hầu bao ra mua sắm quần áo đồng phục, sách vở, bút mực, đồ dùng học tập và hàng trăm thứ phục vụ cho năm học mới sẽ khiến nhu cầu tăng đột biến.
Chưa kể, sau 2 năm đại dịch Covid-19, hầu hết các địa phương đều không tăng học phí theo lộ trình, năm học này muốn hay không cũng buộc phải tăng, bởi không tăng thì ngân sách nhà nước không có cách nào cải thiện thu nhập cho ngành giáo dục trong bối cảnh hàng chục ngàn giáo viên đã xin nghỉ việc, chuyển nghề do thu nhập thấp, áp lực công việc lại lớn.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 theo khung giá tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có thể làm tăng CPI bình quân năm 2022 thêm 0,55-1,05%. Đây là áp lực vô cùng lớn tới việc kiểm soát lạm phát.
Tháng 9 cũng là kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, là cơ hội để người dân nghỉ ngơi, đi du lịch, nghỉ mát, cũng sẽ khiến nhu cầu tăng cao, đặc biệt là nhu cầu đi lại, du lịch lữ hành, ăn uống ngoài gia đình, tạo áp lực lên lạm phát.
Cầu nội địa tác động thế nào đến CPI, thưa ông?
Một yếu tố rất quan trọng nữa là cầu nội địa đã tăng và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong tháng 8 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tính chung trong 8 tháng của năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,3%, là mức tăng rất cao, nên trong trường hợp nguồn cung bị thiếu hụt, thì chắc chắn, giá cả sẽ tăng.
Còn tác động từ bên ngoài đến lạm phát thì sao?
Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt để đối phó với lạm phát, nên họ đã liên tục tăng lãi suất. Hiện Việt Nam vẫn giữ được mức lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định, nhưng vấn đề là các nhà băng có thể “trụ” được đến bao giờ. Khi lãi suất tăng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng, giá thành sản phẩm tăng, buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Chỉ số giá USD tháng 8/2022 chỉ tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021 và bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%. Đây là thành công rất lớn của Việt Nam trong việc cầm cương tỷ giá trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều mất giá nhiều so với USD. Nhưng vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu sẽ giữ được ổn định tỷ giá trong bao lâu. Một khi tỷ giá VND/USD biến động, tất yếu sẽ tác động tiêu cực ngay tới lạm phát.