Lạm phát chi tiêu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cô con gái nhỏ của tôi chính thức chia tay bạn nhà đối diện khi gia đình bạn chuyển nhà sau vài năm về đây sinh sống.
Lạm phát chi tiêu

Cô hàng xóm chia sẻ về lý do chuyển nhà, một phần vì công việc nên muốn quay về ở nhà bà ngoại cho tiện đưa đón, nhưng phần tế nhị hơn là đang phải chịu áp lực tài chính khá lớn, trong khi mới đón thêm cháu nữa, buộc phải bán nhà để trả bớt nợ vay.

Cũng như nhiều người thuộc độ cuối Gen Y, đầu Gen Z, hai vợ chồng cô đều thuộc tuýp người phóng khoáng trong chi tiêu. Với sự nhanh nhạy trong kinh doanh, cô và chồng kiếm khá tốt với thành quả trong 5 năm (2014 - 2019) đầu là ngôi nhà và cả chiếc xe ô tô Huyndai 7 chỗ cho những chuyến dã ngoại thường xuyên cuối tuần.

Thế rồi Covid-19 ập xuống, cửa hàng kinh doanh bị đình trệ, kinh doanh online gặp khó khăn, trong khi không thể thay đổi được thói quen chi tiêu mua sắm, dần dà những khoản chậm thanh toán nợ qua thẻ tín dụng tăng lên, cũng là lúc gia đình cô bắt đầu lục đục nhiều hơn.

Quyết định bán nhà vào thời điểm này thực sự không dễ dàng, nhưng như cô chia sẻ: “Bớt lo nghĩ về tiền hơn hy vọng sẽ cứu vãn được tình cảnh gia đình hiện tại”.

Cách chi tiêu của giới trẻ

Không thể nói YOLO là cách sống hoàn toàn tiêu cực. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, con người đều cần ngân sách để chi tiêu cho các khoản lớn.

Câu chuyện của gia đình vợ chồng cô hàng xóm khiến người viết suy nghĩ nhiều hơn về cách chi tiêu của giới trẻ và cả bản thân.

Thực tế hiện nay, với nỗi sợ không theo kịp xu hướng thị trường, nhiều bạn trẻ hiếm khi từ chối những lời gợi ý mua sắm từ bạn bè và sẵn sàng chi tiền triệu cho những món quần áo, phụ kiện mỗi tuần, hoặc ăn uống tại các nhà hàng buffet cao cấp theo nhóm bạn.

Lương chưa về, tiền cạn ví, nhưng vấn đề là “tiền kiếm lúc nào cũng được, nhưng đồ sold out (bán hết) thì không thể mua lại” trở thành không gian rộng mở cho các dịch vụ mua trước, trả sau qua thẻ tín dụng nở rộ.

Ngoài ra, quan điểm “trẻ không chơi, già hối tiếc” khiến việc mạnh tay chi tiêu thay vì tiết kiệm tằn tiện trở nên xu hướng thời thượng của giới trẻ.

Cậu em bạn thân tôi hôm trước ngồi nhậu thậm chí còn tự tin “khoe”, sau khi đi làm được gần 5 năm đã không có một đồng tiết kiệm, nhưng cậu tự hào với dàn đồ công nghệ mà mình đang sở hữu.

“Có tháng, em mua bàn phím 16 triệu đồng. Tháng sau, em tậu iPad 18 triệu đồng và chi thêm hàng chục triệu đồng nâng cấp dàn máy tính tại nhà”, cậu kể.

Khi được hỏi có cảm thấy áp lực về cách tiêu dùng hiện tại, cậu em cho biết mình không có ý định thay đổi. Cậu hài lòng khi có thể đáp ứng sở thích, nhu cầu cá nhân ở hiện tại mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của gia đình.

“Em cũng chưa gặp sự cố nào với kiểu chi tiêu này. Nhìn chung, em quan niệm mỗi người chỉ sống một lần trên đời, sống quá tiết kiệm sẽ rất mệt mỏi”, cậu nói và cho biết, hiện cũng chưa có ý định mua nhà, mà đợi khi lấy vợ rồi mới tính.

Xu hướng xa xỉ

Tiêu dùng là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế phát triển và vài năm qua, kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh cũng là một phần đóng góp rất lớn vào xu hướng chi tiêu xa xỉ của giới trẻ.

Báo cáo chi tiêu của Trung Quốc cho thấy, thế hệ Z tiêu thụ khoảng 15% tổng số hàng hoá xa xỉ ở nước này, trong khi mức trung bình trên toàn thế giới là 10%. Đặc biệt, các khoản chi tiêu của họ cũng chiếm 13% tổng thu nhập hộ gia đình, nhiều gấp 3 lần so với ở Mỹ và Anh.

Báo cáo “Gen Z White Paper” của Kantar và Tencent đã chỉ ra, 46% thế hệ Z của Trung Quốc có tư tưởng chứng tỏ đẳng cấp bản thân thông qua thói quen chi tiêu. Họ coi phong cách xã hội, cá nhân và những niềm vui thoáng chốc là động lực hàng đầu của mình.

Tại Việt Nam, xu hướng chi tiêu cũng đã tăng trưởng khá mạnh trong vài năm qua. Điều này được thể hiện rõ qua việc các mặt hàng xa xỉ như ô tô, các thương hiệu xe sang ngày càng mở rộng sự hiện diện. Bên cạnh đó, các nhãn hiệu thời trang, đồ da, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ và giày dép nổi tiếng cũng ghi nhận doanh số tăng trưởng mạnh.

Những năm gần đây, Việt Nam là nước phát triển mạnh về công nghệ và thương mại điện tử nên hình thành tầng lớp công dân thế hệ số. Đối tượng này đang trở thành một động lực ngày càng lớn trong bức tranh tiêu dùng của Việt Nam.

McKinsey & Company (công ty tư vấn quản lý toàn cầu) dự báo, đối tượng này sẽ chiếm 40% tổng tiêu thụ ở Việt Nam năm 2030 so với 10% trong năm 2020 với quan điểm mua hàng phóng khoáng, ưa trải nghiệm những thứ mới, trong đó xa xỉ phẩm chính là sự trải nghiệm mới.

Có thể thấy, với một nước có dân số trẻ cùng với sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu đã lý giải vì sao Việt Nam lại đạt doanh thu gần 1 tỷ USD (976 triệu USD) vào năm 2021 từ thị trường hàng hiệu.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, thực tế thị trường hàng xa xỉ Việt Nam có thể lớn hơn con số trên bởi còn có đối tượng khách hàng khác mua trực tiếp hàng xa xỉ tại Việt Nam nhưng thuộc nhóm những người chưa giàu mà lại có thu nhập cao.

Nhóm đối tượng này chưa được các công ty nghiên cứu đưa vào nhóm trung lưu mà được gọi là nhóm cận trung lưu hoặc cận giàu với mức thu nhập khoảng 75.000 - 100.000 USD/năm. Theo Tập đoàn tư vấn RBNC, nhóm khách hàng cận giàu (HENRYs) chiếm khoảng 15 - 17% dân số Việt Nam, nên sẽ đóng góp không nhỏ giúp thị trường các mặt hàng xa xỉ sôi động hơn.

… Và cái kết

Thú thực, người viết cũng thuộc tuýp người phóng khoáng trong chi tiêu và cũng rất khuyến khích một cuộc sống “mua đồ không cần nhìn giá”.

Tuy nhiên, trở lại câu chuyện của vợ chồng cô hàng xóm lại ngẫm, nếu đánh giá thấp việc tiết kiệm và dành nhiều tiền cho những nhu cầu ăn uống, mua sắm xa xỉ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kế hoạch tài chính khác.

Nhiều người sẽ nghĩ rằng mình xứng đáng được tiêu xài, tận hưởng một chút sau những cố gắng đã qua, nhưng âm thầm dần đều, muốn sẽ trở thành cần và bạn thấy khó sống nếu thiếu đi những món vật chất ấy.

Hậu quả là thay vì dùng tiền để đầu tư cho tương lai, đề phòng trước những biến cố bất ngờ trong cuộc sống, bạn lại đổ hết vào những thú vui nhất thời vì suy nghĩ “ai cũng chỉ sống một cuộc đời - YOLO”.

Không thể nói YOLO là cách sống hoàn toàn tiêu cực. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, con người đều cần ngân sách để chi cho các khoản lớn như mua nhà, mua xe. Ngoài ra, không chỉ riêng nhu cầu của bản thân, mà chúng ta còn cần phải cân đối và tính toán nhiều thứ khác cho câu chuyện của tương lai như kết hôn, sinh con, phụng dưỡng cha mẹ, nghỉ hưu...

Linh Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục