Nhìn vào số liệu được công bố, có thể nhận thấy: chỉ số giá nhóm hàng tăng trên 3% chủ yếu là: vận tải tăng 6,69% (ảnh hưởng bởi giá xăng) và vật liệu xây dựng tăng 3,67%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,06%; nhóm hàng tăng thấp hơn 3% chủ yếu là lương thực (tăng 2,18%), thực phẩm (tăng 1,57%)…
Để có cái nhìn rõ hơn về biến động của CPI, ta cần phải loại bỏ các yếu tố thời vụ. Đồ thị 1 là kết quả của việc loại bỏ yếu tố thời vụ (seasonal adjusted) của chúng tôi đối với mức tăng CPI hàng tháng.
Có thể thấy, sau khi loại bỏ yếu tố thời vụ thì CPI sau khi có xu hướng giảm mạnh trong tháng 2 đã quay đầu tăng mạnh trong tháng 3, điều này cũng phù hợp với quan sát cho thấy CPI tháng 3 hiện chỉ thấp hơn mức đỉnh cùng kỳ thiết lập vào tháng 3/2008. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào lạm phát cơ bản (core inflation, xem ước tính trong Đồ thị 2) thì mức tăng trong tháng 3 vẫn nằm trong xu thế giảm chung.
Đồ thị 1: chỉ số CPI hàng tháng giai đoạn 2000 - 2011 đã điều chỉnh yếu tố thời vụ |
Đồ thị 2: Chỉ số lạm phát cơ bản giai đoạn 2000 - 2011 |
(Nguồn: SSI Research) |
Trong thời gian tới, chỉ số CPI tại Việt Nam vẫn chịu nhiều áp lực khi giá cả hàng hóa thế giới biến động bên cạnh các yếu tố nội tại và yếu tố tâm lý.
Thứ nhất, giá dầu thế giới có thể sẽ biến động theo chiều hướng tăng hoặc tiếp tục duy trì ở mức cao trên 100 USD/thùng trong thời gian tới do tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi khó có thể được giải quyết sớm. Điều này có thể sẽ dẫn tới sức ép lên giá xăng dầu trong nước, từ đó kéo theo tác động tâm lý tăng giá ở hầu hết mặt hàng.
Thứ hai, giá một số mặt hàng trong nước có thể chưa phản ảnh hết mức tăng 15% của giá điện vào đầu tháng 3 và ảnh hưởng của việc tăng tỷ giá vào đầu năm qua.
Thứ ba, diễn biến giá lương thực thế giới vẫn chưa cho thấy sự ổn định trong thời gian tới và mặt bằng giá cả tại Việt Nam sẽ chịu sức ép lớn. Tuy vậy, do Việt Nam có an ninh lương thực tốt nên ảnh hưởng đối với toàn bộ nên kinh tế là không đáng lo ngại.
Thống kê các lần nâng lãi suất của NHNN từ tháng 11/2010:
* Ngày 5/11/2010: điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6% lên 7%; * Vào tháng 11: điều chỉnh lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%; * Ngày 17/2/2011: tăng lãi suất tái chiết khấu từ 10% lên mức 11%; * Ngày 8/3/2011: tăng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lên mức 12%. |
Như vậy, những sức ép kỳ vọng vẫn còn cao và gián tiếp làm cho CPI của Việt Nam trong tháng tới khó giảm mạnh. Trong hoàn cảnh lạm phát cao như hiện nay, người dân có xu hướng điều chỉnh hành vi tiêu dùng, cụ thể là cắt giảm chi tiêu và hướng về các mặt hàng tiêu dùng cơ bản. Điều này sẽ gây khó khăn cho các DN trong việc tăng giá hàng hóa.
Như vậy, diễn biến lạm phát chung đang trong xu thế tăng tính từ đầu năm 2011 (nhưng vẫn giảm nếu tính về lạm phát cơ bản) và những yếu tố tác động vẫn khá nặng nề. Điều này có thể sẽ khiến Chính phủ có thể xem xét đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để giữ lạm phát ở mức hợp lý cho đến cuối năm 2011.
Các biện pháp thắt chặt tiền tệ mà cơ quản điều hành chính sách tiền tệ có thể sử dụng gồm: (i) nâng dự trữ bắt buộc, (ii) nâng các lãi suất chủ chốt, hoặc (iii) dùng các biện phát hành chính. Ngoài ra, có thể trong thời gian tới, các biện pháp thắt chặt tài khóa sẽ được công bố cụ thể hơn.
Có thể nhận thấy, công cụ dự trữ bắt buộc đang được cân nhắc rất kỹ trước khi áp dụng, vì hiện nay, theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN của NHNN thì tỷ lệ cho vay/tổng huy động của các ngân hàng chỉ là là 80%, cộng với tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện hành là 3%. Như vậy, tổng cộng là 23% vốn huy động của các ngân hàng không thể cho vay ra. Nếu tăng thêm dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng trong lúc này có thể sẽ làm gia tăng chi phí sử dụng vốn của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
Đối với công cụ lãi suất: khi lạm phát tăng cao, việc tăng lãi suất chủ chốt sẽ làm giảm cung tiền, nhu cầu đi vay và đầu tư cũng sẽ giảm và sẽ hỗ trợ kiềm chế lạm phát.