Gắn đăng ký DN đại chúng với giao dịch trên UPCoM
Hiện các DN sau CPH trễ hẹn niêm yết trên TTCK đã phổ biến tới mức báo động. Điều này một lần nữa được Nhóm công tác thị trường vốn nêu ra tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ năm 2014 vừa diễn ra. Điều này có thể do một số DN chưa đáp ứng được các tiêu chí về lợi nhuận khi niêm yết theo quy định khắt khe của pháp luật, nhằm bảo vệ an toàn cho thị trường. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết và ĐHCĐ đã thông qua phương án niêm yết, nhưng các DN này vẫn trì hoãn việc niêm yết một cách khó hiểu?
Việc các DNNN sau khi CPH không niêm yết, cũng như một số công ty đại chúng bị hủy niêm yết hoặc tự nguyện hủy niêm yết, khiến cho cổ phiếu của các DN này không có nơi giao dịch. Điều này có thể tiềm ẩn rủi ro cho cả cổ đông lẫn thị trường, đồng thời khiến nhà quản lý không đạt được mục tiêu xóa sổ thị trường “chợ đen” chứng khoán chưa niêm yết (OTC).
Để khắc phục tình trạng trên, trao đổi với ĐTCK, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long, cho biết, UBCK đang nghiên cứu hoàn thiện cơ chế giao dịch mới xoay quanh hệ thống giao dịch UPCoM. Việc hoàn thiện cơ chế giao dịch này đang được triển khai theo hướng: Thứ nhất, nới lỏng các điều kiện giao dịch và tiết giảm các thủ tục liên quan tới hoạt động đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, giúp thị trường này trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty đại chúng. Thứ hai, thay vì phải chờ các DN chủ động đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, thì cơ chế mới đang được cơ quan quản lý định ra theo hướng chủ động đưa DN gắn với sàn UPCoM.
Cụ thể là gắn việc DN đăng ký hồ sơ là công ty đại chúng với UBCK với đăng ký, lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký (VSD), đồng thời đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM; gắn việc hủy niêm yết/tự nguyện hủy niêm yết với đăng ký giao dịch qua sàn UPCoM. Đây là một quy trình pháp lý thống nhất nhằm khiến các công ty khi đã có ý định huy động vốn từ công chúng đầu tư, hoặc đã huy động vốn thành công và đã trở thành công ty đại chúng phải có trách nhiệm với công chúng đầu tư. Cụ thể là phải đưa cổ phiếu tham gia thị trường có sự quản lý, để cổ đông có thể thực hiện đầy đủ các quyền của họ.
Khi thực hiện quy định mới như đề xuất của UBCK, tất cả cổ phiếu của các công ty đại chúng sẽ đều giao dịch trên sàn UPCoM. Mọi hoạt động chuyển quyền sở hữu thực hiện tại VSD, đồng thời mọi hoạt động thanh toán thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý sử dụng sàn UPCoM như là công cụ để quản lý dựa trên sự minh bạch hóa các hoạt động của DN và thị trường. Qua đó, còn tạo ra một hệ thống nhằm thuận lợi hóa các hoạt động giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cổ đông, giúp cổ đông có thêm kênh thông tin để điều hành, giám sát hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN…
Sau quá trình đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, khi DN hội đủ điều kiện và muốn niêm yết, thì sẽ trình ĐHCĐ xem xét thông qua phương án chuyển cổ phiếu lên niêm yết. Trường hợp DN không đủ điều kiện niêm yết, hoặc đủ điều kiện niêm yết, nhưng DN không muốn, thì cổ phiếu vẫn được giao dịch tập trung trên sàn UPCoM.
Cổ phần hóa gắn với niêm yết
Một quan ngại lâu nay của các thành viên thị trường là nhiều DN sau khi CPH, suốt thời gian dài, thậm chí hàng chục năm, vẫn không niêm yết cổ phiếu, trong khi theo thông lệ quốc tế, thời gian kể từ khi kết thúc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho tới khi niêm yết, chỉ trong vòng 1 tháng, thậm chí 2 tuần.
Việc tồn tại khoảng cách quá xa kể từ khi DN IPO cho đến khi niêm yết, khiến cho cổ phiếu của các DN này vừa rất kém thanh khoản, vừa làm gia tăng nhu cầu mua bán cổ phiếu thông qua “chợ đen” OTC, điều mà cơ quan quản lý không muốn. Vì hạn chế này mà xuất hiện tâm lý NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài khá dè dặt, nếu không muốn nói là chẳng mấy mặn mà tham gia các đợt IPO nhiều DNNN.
Bất cập trên, theo ông Long, cũng đang được tính toán xử lý trong quá trình hoàn thiện cơ chế nêu trên để làm sao cho quá trình CPH các DNNN, cũng như việc triển khai IPO gần hơn với thông lệ quốc tế. Theo đó, kể từ khi có kết quả CPH, đấu giá IPO, thì trong vòng từ 1 - 3 tháng, DN phải đưa cổ phiếu vào đăng ký lưu ký tại VSD, đồng thời đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Điều này giúp cổ phiếu của DN sau CPH có điều kiện tăng thanh khoản, kích thích NĐT tham gia các đợt IPO nhiều hơn.