“Làm mới” doanh nghiệp nhà nước, chờ đột phá

(ĐTCK) Một trong những vấn đề lớn đang được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 5 (khóa XII), thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
“Làm mới” doanh nghiệp nhà nước, chờ đột phá

Nội dung này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng thời đề nghị các đại biểu dự họp tập trung thảo luận để xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, cũng như những giải pháp chủ yếu có tính đột phá trong thời gian tới.

Thẳng thắn nhìn nhận việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN là vấn đề lớn, khó và phức tạp, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ðảng và Nhà nước đã bàn nhiều lần, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển DNNN, nhưng bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, đến nay, DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước.

Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…

Cùng với một chủ đề lớn cũng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 là tiếp tục đổi mới cơ chế, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, nội dung đổi mới DNNN đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ lớn có vốn đầu tư nước ngoài chia sẻ, câu chuyện thúc đẩy đổi mới DNNN nói chung, cổ phần hóa DNNN nói riêng luôn là mối quan tâm của giới đầu tư ngoại. Họ trông đợi Việt Nam cổ phần hóa thực chất, có nghĩa là bán 100% vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, để mở ra cơ hội đầu tư mới cho giới đầu tư.

Bởi vậy, giới đầu tư đang kỳ vọng sẽ có những giải pháp đột phá về đổi mới DNNN sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 5.

Trong đó, thực tiễn đang chờ những đột phá về việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội của DNNN, để đánh giá chuẩn xác lỗ-lãi trong các hoạt động kinh doanh; khắc phục tình trạng thể chế quản lý, kiểm tra, giám sát về đầu tư và tài chính đối với doanh nghiệp, nhất là về bảo lãnh vốn vay, định giá đất đai, tài sản hữu hình, vô hình còn nhiều bất cập; việc tách chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN thực hiện chậm...

Việc sớm đưa ra những giải pháp đột phá về đổi mới DNNN, cùng với đó là được triển khai hiệu quả trên thực tế, không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của một khu vực doanh nghiệp đang nắm trong tay nguồn lực rất lớn của dân, mà còn giúp giảm rủi ro cho nền kinh tế, đồng thời tạo ra không gian và nguồn lực phát triển mới cho khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục