Làm mới điều kiện kinh doanh lĩnh vực kế toán

(ĐTCK) Bộ Tài chính đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm một số điều kiện kinh doanh áp dụng với lĩnh vực kế toán. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên xem xét đưa lĩnh vực này ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong lĩnh vực kế toán kiểm toán, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 17 điều kiện và đơn giản hóa 2 điều kiện kinh doanh trong tổng số 50 điều kiện. Trong lĩnh vực kế toán kiểm toán, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 17 điều kiện và đơn giản hóa 2 điều kiện kinh doanh trong tổng số 50 điều kiện.

Đề xuất của Bộ Tài chính

Liên quan đến điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Luật Kế toán quy định, công ty TNHH hai thành viên trở lên được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật.

Về điều kiện đối với chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài, Luật này quy định, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

Với việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của doanh nghiệp dịch vụ kế toán nước ngoài, quy định hiện hành đặt ra điều kiện: phải có văn bản của cơ quan quản lý hành nghề dịch vụ kế toán nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính xác nhận không vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán và quy định pháp luật khác của nước ngoài trong thời hạn 3 năm trước.

Xét thấy bất hợp lý, không cần thiết, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm các điều kiện trên bằng cách sửa Luật Kế toán.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh được phép kinh doanh dịch vụ kế toán khi đáp ứng điều kiện có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh… Bộ Tài chính cũng đề xuất cắt giảm điều kiện này.

Góp ý của VCCI

Góp ý cho phương án đề xuất của Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc xác định kinh doanh dịch vụ kế toán là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý.

Đầu tiên, trước năm 2014 khi Luật Kế toán 2014 được ban hành, kinh doanh dịch vụ kế toán được xem là một ngành, nghề kinh doanh thông thường. Trong suốt thời gian trước đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán không ghi nhận bất kì rủi ro nào tác động đến các lợi ích công cộng. Điều đó cho thấy, thực tiễn đã chứng minh hoạt động kinh doanh này không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh.

Thứ hai, đối với các trường hợp thông thường, trong mối quan hệ với Nhà nước, chủ thể chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm kế toán chính là các đơn vị kế toán. Do đó, nếu xảy ra rủi ro, luôn có chủ thể phải chịu trách nhiệm. Còn trong mối quan hệ giữa đơn vị thuê kế toán (khách hàng) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, thì đây là quan hệ thỏa thuận, tự khách hàng sẽ phải lựa chọn những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán tốt để phòng tránh rủi ro cho chính mình. Trường hợp xảy ra rủi ro thì khách hàng được pháp luật bảo vệ.

Thứ ba, đối với các trường hợp đặc biệt mà có nguy cơ cao ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích công cộng và Nhà nước, cần kiểm soát về tính chính xác của các báo cáo tài chính, số liệu kế toán, thì Nhà nước đã có các quy định về kiểm toán.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị đưa kế toán ra khỏi Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng nghĩa với việc bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh áp dụng với dịch vụ kế toán. Trong trường hơp Bộ Tài chính có giải trình thuyết phục để giữ dịch vụ kế toán là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thì đề nghị xem xét lại nhiều điều kiện.

Chẳng hạn, điều kiện “doanh nghiệp kế toán không được thành lập theo hình thức công ty cổ phần”. Các giải trình chưa thực sự thuyết phục, do chưa chỉ ra được nếu doanh nghiệp kế toán được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần thì những rủi ro liên quan tới lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng, đến mức buộc phải cấm doanh nghiệp được tổ chức dưới hình thức này.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tính chịu trách nhiệm của các thành viên góp vốn (trong công ty TNHH) và các cổ đông (trong công ty cổ phần) là tương tự nhau, tức là chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp.

Về mặt pháp lý, khi thực hiện các giao dịch thì doanh nghiệp (dù được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hay công ty cổ phần) đều sẽ có chủ thể chịu trách nhiệm cụ thể theo quy định của pháp luật, chứ không phải là cá nhân từng thành viên góp vốn/cổ đông chịu trách nhiệm.

Vì vậy, rất khó lý giải tại sao doanh nghiệp kế toán được thành lập dưới hình thức công ty TNHH, mà không được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần. Do đó, VCCI đề nghị bãi bỏ điều kiện này.

Về hạn chế tỷ lệ góp vốn của thành viên là tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên ở mức không quá 35%, theo VCCI, quy định này chưa hợp lý, vì không rõ mục tiêu. Nếu lo ngại về tính khách quan của doanh nghiệp kế toán với khách hàng, thì pháp luật đã có quy định đảm bảo yếu tố này. Việc hạn chế tỷ lệ góp vốn trên ít có ý nghĩa trong thực tiễn, nên đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bãi bỏ.

Với điều kiện: “Công ty TNHH dịch vụ kế toán phải có ít nhất 2 thành viên góp vốn là kế toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kế toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty” (Khoản 1, Điều 27, Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán), quy định này cũng không rõ mục tiêu quản lý đối với việc ràng buộc tỷ lệ vốn góp của các thành viên góp vốn.

Nếu quy định nhằm hướng đến việc ràng buộc trách nhiệm của các thành viên góp vốn đối với hoạt động của doanh nghiệp (tương ứng với trách nhiệm của công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân) thì quy định này ít ý nghĩa.

Bởi về mặt pháp lý, doanh nghiệp (dưới loại hình công ty TNHH) là chủ thể chịu trách nhiệm, chứ không phải các thành viên góp vốn. Bởi vậy, Bộ Tài chính nên cân nhắc bỏ điều kiện này.               

Đưa kế toán ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là chưa ổn

Làm mới điều kiện kinh doanh lĩnh vực kế toán ảnh 1

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) 

Ý kiến đề xuất Bộ Tài chính xem xét đưa lĩnh vực kế toán ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là chưa ổn, vì ảnh hưởng đến mức độ tin cậy, khách quan của các sản phẩm kế toán, đe dọa tác động tiêu cực đến lợi ích công cộng.

Có điều, khi rà soát để cắt giảm điều kiện kinh doanh với lĩnh vực kế toán, thì nên đơn giản hóa các điều kiện về vốn, các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn cần các điều kiện chặt chẽ nhằm kiểm soát chất lượng hành nghề kế toán như thi, cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, điều kiện với người hành nghề kế toán.

Cần lược bỏ nhiều điều kiện kinh doanh với lĩnh vực kế toán

Làm mới điều kiện kinh doanh lĩnh vực kế toán ảnh 2

Ông Phan lê thành long, Giám đốc Viện Kế  toán Quản trị Công chứng Úc 

Thông lệ quốc tế xác định, dịch vụ kế toán ảnh hưởng đến lợi ích công chúng, nên đặt ra những điều kiện gắt gao, nhất là về thi, cấp chứng chỉ hành nghề. Để đảm bảo tính chuẩn mực, đúng đắn trong hành nghề kế toán, họ lập ra các hội nghề nghiệp để chứng nhận năng lực hành nghề kế toán.

Ở Việt Nam, việc thi, cấp chứng chỉ hành nghề do cơ quan quản lý nhà nước đảm đương, chứ không phải hội nghề nghiệp như thông lệ quốc tế. Quốc tế họ không nêu ra các điều kiện mà công ty hoạt động trong lĩnh vực kế toán phải đáp ứng như có bao nhiêu vốn, bao nhiêu người có chứng chỉ hành nghề... Tuy nhiên, họ kiểm soát thi nghiệp vụ và cấp chứng chỉ hành nghề rất nghiêm túc, chặt chẽ để đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng, tin cậy. Do đó, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm này để lược bớt các điều kiện kinh doanh áp dụng với lĩnh vực kế toán.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ