Làm giá, nhìn Lào mà nghĩ đến ta!

(ĐTCK) UBCK Lào quy định, toàn bộ số tiền/cổ phiếu thu được từ làm giá sẽ bị tịch thu, kèm với khoản phạt bằng 50% lợi ích thu được từ hoạt động này.
Làm giá, nhìn Lào mà nghĩ đến ta!

> Vi phạm trên TTCK sắp bị phạt nặng hơn

> Thao túng giá chứng khoán sẽ bị phạt kịch khung   

> Cụ thể hóa tội phạm hình sự trên TTCK

> Tìm cơ hội ở TTCK Lào

> Mục sở thị TTCK Lào và Campuchia

 

Nặng tay như… Lào

Là một TTCK ra đời sau, với lượng hàng hóa niêm yết vẫn còn rất khiêm tốn, nhưng TTCK Lào lại đang có những bước tiến lớn trong việc xây dựng cơ chế phát triển thị trường. Việc bắt tay hợp tác với Hàn Quốc để xây dựng TTCK, sử dụng ngay phương tiện, công nghệ hiện đại đã giúp quốc gia này tiết kiệm nhiều thời gian để sớm bắt kịp với các thị trường trong khu vực, như Việt Nam về mức độ hiện đại. Nhưng có một điều ít người biết, Lào cũng rất mạnh tay trong việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Làm giá, nhìn Lào mà nghĩ đến ta! ảnh 1

Khi mức phạt tiền chưa đủ sức răn đe, người vi phạm sẽ "nhờn" - Ảnh: Hoài Nam

Theo quy định của UBCK Lào, toàn bộ số tiền/cổ phiếu thu được từ làm giá chứng khoán sẽ bị tịch thu, kèm với một khoản phạt bằng 50% lợi ích thu được từ hoạt động này. Được biết, trong một quyết định xử phạt đầu tiên về vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK Lào đã xử phạt số tiền quy đổi lên tới trên 30 tỷ VND.

Cụ thể, nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho biết, trong đợt IPO Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), một trong những quy định của Lào là không cho NĐT nước ngoài tham gia đấu giá. Tuy nhiên, một số cá nhân nước ngoài đã sử dụng danh nghĩa người Lào để mua cổ phiếu và đầu cơ đẩy giá lên để kiếm lời. Hệ quả của việc này là khi bị phát hiện, CTCK nơi có liên đới với các hành vi nói trên bị xử phạt tới trên 30 tỷ đồng. Trong quyết định xử phạt, UBCK Lào không nói rõ đây là số tiền xử phạt hành chính hay bổ sung. Chỉ có một điều chắc chắn là, tài khoản của CTCK liên đới ngay lập tức bị khóa số tiền này. Đến nay, do chưa đồng tình với quyết định xử phạt bị coi là nặng này, CTCK vẫn đang tìm cách giải trình, nhưng cơ hội để thu tiền về hoặc giảm nhẹ mức phạt là rất nhỏ.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một thành viên Ban lãnh đạo CTCK liên đới nói trên cho biết, mức thu được của các cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên chỉ chưa tới chục tỷ đồng và CTCK cũng không nhận được lợi ích gì từ vụ vi phạm này. “Tuy nhiên, phía UBCK Lào cho rằng, vi phạm trên có sự chỉ đạo của CTCK, nên CTCK vẫn phải chịu phạt”, vị này nói.

 

Nhìn lại TTCK Việt Nam

Ở Việt Nam, mặc dù là nước đi trước Lào cả chục năm về phát triển TTCK, nhưng mức độ mạnh dạn trong xử phạt thì dường như còn “lạc hậu” so với quốc gia này.

Điều 27 Nghị định 85/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK quy định, phạt từ 200 - 300 triệu đồng đối với các cá nhân thực hiện hành một hoặc các hành vi thao túng giá. Hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm trên.

Trong khi việc chứng minh thu nhập từ các vi phạm này không phải dễ dàng thực hiện được, thì khung xử phạt vi phạm hành chính hiện nay lại quá nhẹ so với khả năng kiếm lợi, nếu thao túng giá thành công. Đặc biệt, mức trần xử phạt vi phạm hành chính với tất cả các lỗi đối với cá nhân là 1 tỷ đồng, tổ chức là 2 tỷ đồng, dù là mức cao so với mức thu nhập trung bình của người dân, nhưng với một lĩnh vực đặc thù như TTCK thì lại không hề lớn.

“Để được thông qua được mức trần xử phạt này, chúng tôi phải vất vả giải trình rất nhiều nơi”, bà Vũ Thị Chân Phương, Chánh thanh tra UBCK cho biết.

Đây có thể là lý do khiến thao túng giá vì thế vẫn ngày càng phức tạp. Nhiều vụ việc đã bị phát hiện, lớn có thể kể đến trường hợp Dược Viễn Đông (làm giả sổ sách, giấy tờ), đến những trường hợp thao túng cổ phiếu “ruồi”, như trường hợp gần nhất là quyết định xử phạt vụ tạo cung cầu giả cổ phiếu BGM của ông Nguyễn Quang Hải ngày 27/6/2013. Chưa kể chắc chắn còn nhiều vụ việc nữa chưa được phát hiện. Tất nhiên, đối với trường hợp Dược Viễn Đông, mức xử phạt nặng nhất là án hình sự đã được áp dụng, nhưng không phải trong trường hợp nào, các vụ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán cũng được hình sự hóa.

Mọi vi phạm trên TTCK, suy đến cùng  đều để đạt mục đích kinh tế. Vậy thì, khi cái giá phải trả cho vi phạm ấy (nếu bị phát hiện) còn quá nhẹ so với sự thủ lợi nếu không bị phát hiện, lý do gì để NĐT không… thử liều? Vì thế, tâm lý muốn làm giá vẫn phát sinh là điều dễ hiểu.  

Uyên Phạm
Uyên Phạm

Tin cùng chuyên mục